- Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch là phương pháp điều trị hỗ trợ hiệu quả tốt - Ảnh: BookingCare
Bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch là một trong những liệu pháp đông y hiệu quả trong việc giảm triệu chứng và phòng ngừa tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số huyệt đạo có thể tác động vào để giúp ích cho việc điều trị bệnh.
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của hệ tĩnh mạch, do tăng áp lực tĩnh mạch mạn tính, các tĩnh mạch giãn, ngoằn ngoèo, nổi rõ trên bề mặt da,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tắc tĩnh mạch, loét, hoại tử chân,…
Bên cạnh các phương pháp điều trị y khoa, bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch cũng là một phương pháp hỗ trợ đạt hiệu quả cao.
Bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch có hiệu quả không?
Tương tự như các phương pháp tác động lên huyệt khác của đông y, xoa bóp bấm huyệt có nhiều lợi ích đối với người bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Xoa bóp huyệt là một trong những liệu pháp tốt nhất trong Y học Cổ truyền được áp dụng để thúc đẩy lưu lượng máu tối ưu đi khắp cơ thể, đặc biệt là vùng chân và bàn chân để điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch.
Xoa bóp bấm huyệt giúp điều chỉnh các rối loạn chức năng, thông kinh hoạt lạc, giúp cân bằng âm dương và lưu thông khí huyết,… Từ đó giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch gây nên như giảm tê bì, giảm phù, giảm đau, nặng mỏi chân, chuột rút,…
Tất cả những người muốn phòng ngừa triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi đều có thể áp dụng xoa bóp bấm huyệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thận trọng và tham khảo ý kiến của thầy thuốc như:
Trường hợp cấp cứu: chấn thương, nhiễm trùng nặng, hoại tử chi, bệnh ngoại khoa,…
Tránh thực hiện xoa bóp bấm huyệt tại những vùng da không lành lặn như hoại tử, lở loét, viêm nhiễm, phù nặng,…
Bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch
Bạn có thể thực hiện bằng các thủ thuật xoa bóp vùng chi kèm bấm huyệt tại chỗ và các huyệt lân cận vùng đau. Thực hiện xoa bóp bấm huyệt khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày, liệu trình từ 15 - 30 ngày. Sau đó, tùy theo tình trạng và sự phục hồi của người bệnh mà có thể thực hiện theo nhiều liệu trình.
Cách thực hiện bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch như sau:
Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi thực hiện bấm huyệt.
Người bệnh nằm ngửa hoặc ngồi ở tư thế thoải mái.
Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ day ấn nhẹ nhàng vào các huyệt đạo trong khoảng 1 - 2 phút.
Lặp lại động tác này 3 - 5 lần/huyệt.
Thực hiện bấm huyệt 2 - 3 lần/ngày.
Dưới đây là các điểm bấm huyệt giãn tĩnh mạch giúp ích rất nhiều trong việc thúc đẩy lưu lượng máu tối ưu cải thiện bệnh lý mãn tính trên tĩnh mạch:
A thị huyệt: là các huyệt tại chỗ vùng đau.
Huyệt Dũng tuyền: nằm chỗ lõm gan bàn chân, từ 1/3 trước và 2/3 sau theo chiều dài của bàn chân. Đây là một trong những huyệt có tác dụng chữa suy giãn tĩnh mạch, điều trị chứng buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu hay rối loạn nhịp tim.
Huyệt Thừa sơn: là huyệt nằm ở trên đường giữa phía sau của cẳng chân, ở giữa bắp chân. Huyệt Thừa sơn giúp thư giãn gân cốt, chữa lành các vấn đề ở gót chân, bàn chân và tác dụng trong điều trị trĩ, táo bón, co thắt cơ hay suy giãn tĩnh mạch.
Huyệt Phục lưu: đặt 3 ngón tay ngay trên mắt cá chân trong, huyệt ở ngay phía trên. Day bấm huyệt Phục lưu giúp điều trị các chứng phù, tiêu chảy, tê thấp chi dưới.
Huyệt Huyết hải: có tác dụng chữa suy giãn tĩnh mạch vì liên quan đến dòng máu.
Day ấn huyệt Huyết Hải giúp cải thiện tuần hoàn máu, làm giảm áp lực máu dưới hai chân lên giúp cải thiện đau nhức chân do giãn tĩnh mạch.
Để tìm thấy huyệt này, người bệnh cần gập đầu gối, người bấm huyệt ngồi đối diện và đặt úp lòng bàn tay lên đầu gối cùng phía. Vị trí của đầu ngón tay cái sẽ là huyệt Huyết Hải.
Huyệt Tam âm giao: Tam âm giao cách mắt cá trong đo thẳng lên 2 thốn (khoảng cách 4 ngón tay). Đây là một huyệt quan trọng nằm ở vị trí giao hội của ba đường kinh âm ở chân, có tác dụng tốt chữa chứng suy giãn tĩnh mạch chân.
Huyệt Quan nguyên: Nằm trên đường thẳng dọc giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 3 thốn (khoảng cách một bàn tay ngang), tác dụng nâng cao chính khí.
Huyệt Khí hải: Nằm trên đường thẳng dọc giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 1,5 thốn (huyệt nằm giữa đường nối từ rốn tới huyệt Quan nguyên). Huyệt được xem là “biển” của nguyên khí, tác dụng bồi bổ khí.
Huyệt Dương lăng tuyền: chỗ hõm dưới trước đầu trên xương mác. Có tác dụng thư gân, mạnh gân cốt, đuổi phong tà ở chân.
Có thể kết hợp bấm thêm một số huyệt ở chân như: Túc tam lý, Nguỵ trung, Thái xung,…
Lưu ý:
Không bấm huyệt quá mạnh, gây đau đớn cho người bệnh.
Không bấm huyệt khi người bệnh đang bị sốt, mẫn cảm,...
Phụ nữ có thai, đang cho con bú cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi bấm huyệt.
Mặc dù xoa bóp bấm huyệt không tác động trực tiếp đến tổn thương, hồi phục mạch máu nhưng chúng có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Người bệnh có thể áp dụng xoa bóp bấm huyệt mỗi ngày, kết hợp thêm châm cứu, điện châm, dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.
Hiện nay, suy giãn tĩnh mạch chân thực tế vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức và rất dễ bị bỏ qua khiến tình trạng bệnh ngày một trở nặng hơn. Chính vì vậy mà ngay khi có biểu hiện, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và có biện pháp can thiệp sớm.
Trên đây là các vị trí bấm huyệt chữa suy giãn tĩnh mạch chân hữu ích. Kiên nhẫn thường xuyên day ấn bấm các huyệt đạo này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Người bệnh không nhất thiết phải bấm tất cả những huyệt này mà chỉ cần áp dụng một số huyệt để đem đến hiệu quả hỗ trợ điều trị tốt nhất.