Bệnh suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
bệnh suy giãn tĩnh mạch
Tổng quan về bệnh suy giãn tĩnh mạch - Ảnh: BookingCare

Bệnh suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Tổng quan các thông tin về bệnh suy giãn tĩnh mạch. Giúp người bệnh hiểu được khái niệm bệnh, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả. 

Chứng suy giãn tĩnh mạch có thể là một vấn đề sức khỏe không quá nghiêm trọng đến tính mạng, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, suy giãn tĩnh mạch có thể gây ra những biến chứng khiến người bệnh khó chịu, đau nhức và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. 

Bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì?

Suy giãn tĩnh mạch (Varicose veins) là tình trạng tĩnh mạch  hoạt động kém hiệu quả, suy yếu biểu hiện bằng sự xoắn và phồng to. trong đó thường gặp nhất ở các tĩnh mạch ở chân do cấu trúc đặc biệt của hệ thống tĩnh mạch này có hệ thống van một chiều để  vận chuyển máu ngược chiều trọng lực thói quen đứng hoặc ngồi nhiều làm tăng áp lực lên phần dưới cơ thể. 

Đối với nhiều người, suy giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề thẩm mỹ, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, với không ít người bệnh, bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể gây đau nhức, khó chịu thậm chí dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm loét, huyết khối tĩnh mạch. Chính vì vậy, người bệnh suy giãn tĩnh mạch không nên chủ quan với các triệu chứng của bệnh. 

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch

Các dấu hiệu của chứng suy giãn tĩnh mạch bao gồm:

  • Về màu sắc: Tĩnh mạch bị suy giãn có màu tím đậm hoặc xanh
  • Về hình dáng: Tĩnh mạch bị suy giãn thường bị xoắn và phồng lên, thường xuất hiện như hình ảnh dây thừng ở chân.
  • Về cảm giác: Người bệnh có thể có (hoặc không có) các triệu chứng: ngứa, đau, rát... 

Trường hợp người bệnh suy giãn tĩnh mạch xuất hiện các cơn đau có thể kèm thêm một số triệu chứng: 

  • Cảm giác căng tức, nặng nề ở chân
  • Cảm giác như kiến đốt, đau nhói, chuột rút cơ và sưng ở chân 
  • Đau tăng lên  đứng trong thời gian dài giảm khi ngồi xuống hoặc nâng chân lên cao
  • Thay đổi màu da xung quanh những tĩnh mạch bị giãn

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch xảy ra do sự biến đổi cấu trúc dẫn đến suy giảm chức năng của hệ thống van một chiều trong hệ tĩnh mạch dẫn đến bất thường về chức năng và hình thể. 

Tĩnh mạch có chức năng đưa máu từ các mao mạch về tim. Để thực hiện chức năng này, các tĩnh mạch phải hoạt động chống lại trọng lực với van một chiều giúp máu di chuyển từ chân về tim ngược với chiều trọng lực. Khi các van nhỏ trong tĩnh mạch bị tổn thương hoặc giảm chức năng hoạt động dẫn đến máu ứ đọng trong tĩnh mạch và làm tĩnh mạch bị giãn ra, căng lên hoặc xoắn lại. 

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên, những đối tượng có các yếu tố sau thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn thông thường:

  • Người trung niên và cao tuổi: Nguy cơ suy giãn tĩnh mạch tăng lên theo tuổi tác. Điều này do van tĩnh mạch lão hóa và giảm dần tính đàn hồi. Bệnh thường gặp nhất ở người trung và cao tuổi.
  • Yếu tố giới tính:
    • Phụ nữ có tỷ lệ mắc chứng suy giãn tĩnh mạch chân lớn hơn nam giới. Điều này xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trước kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh có thể là một yếu tố tăng nguy cơ làm giãn thành tĩnh mạch.
    • Ngoài ra, các phương pháp điều trị nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc tránh thai, có thể làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
    • Một nguyên nhân khác nữa là do khối cơ ở chân của phụ nữ thường nhỏ hơn của nam giới, việc co bóp cơ để hỗ trợ đẩy máu về tim sẽ kém hơn nên hệ van tĩnh mạch dễ bị tổn thương hơn
  • Phụ nữ mang thai: Sự phát triển nhanh chóng về kích thước của thai nhi có thể đè ép vào hệ thống tĩnh mạch và ngăn cản máu trở về tim dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
  • Tiền sử gia đình: Nếu các thành viên khác trong gia đình bị giãn tĩnh mạch thì bạn cũng có nguy cơ cao hơn.
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể quá lớn gây gia tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch. Những người thừa cân còn có nguy cơ suy vữa mạch máu dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khác.
  • Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài: Những người đứng hoặc ngồi một chỗ lâu có thể khiến máu hạn chế lưu thông, tăng áp lực cho các tĩnh mạch và dẫn đến tổn thương van tĩnh mạch.

Biến chứng suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như rối loạn huyết động học, viêm tắc tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn máu… Tùy vào mức độ suy giãn tĩnh mạch của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch

Tùy vào tình trạng bệnh lý và sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch phù hợp.

Điều trị nội không dùng thuốc 

Phương pháp không dùng thuốc được áp dụng trong trường hợp người bệnh suy giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ hoặc đang điều trị các phương pháp khác. Những phương pháp này nhằm kiểm soát tình trạng bệnh, hạn chế bệnh tiến triển: 

  • Tập luyện các bài tập vận động, đặc biệt là các bài tập cơ bắp, cẳng chân nhằm giúp tăng khả năng bơm máu của hệ thống cơ chi dưới. Một số bài tập được khuyến khích là: đi bộ, leo cầu thang, tập yoga, bơi lội… 
  • Nâng cao chân lên khi nằm hoặc ngồi: Đây là phương pháp giúp tăng cường hồi lưu máu tĩnh mạch về tim. Người bệnh cần kê cao chân hoặc nâng chân để tập các bài tập thể dục như đạp xe, duỗi chân… 
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Tăng cường chất xơ, giảm chất béo để hạn chế táo bón. Chú ý chế độ ăn phù hợp để kiểm soát cân nặng. 
  • Sử dụng vớ y khoa (tất y khoa): Loại vớ chuyên dụng trong phòng ngừa và điều trị suy giãn tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ. 

Điều trị suy giãn tĩnh mạch dùng thuốc

Người bệnh được các bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc điều trị nội khoa để tăng trương lực tĩnh mạch. Các loại thuốc và liều dùng được chỉ định theo mức độ suy giãn tĩnh mạch và tình trạng sức khỏe của người bệnh. 

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng tiêm xơ

Đây là phương pháp tiêm chất gây xơ tạo sẹo vào tĩnh mạch bị giãn để đóng các tĩnh mạch đó lại. Phương pháp tiêm có thể thực hiện nhiều lần ở một tĩnh mạch bị giãn. 

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser

Phương pháp điều trị bằng laser sử dụng nhiệt ánh sáng để đốt các tĩnh mạch bị giãn và làm tĩnh mạch suy giãn mờ đi. Đây là phương pháp không phẫu thuật, thường được chỉ định trong các trường hợp suy giãn tĩnh mạch từ trung bình đến nặng. 

Phẫu thuật suy giãn tĩnh mạch

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp các phương pháp khác không có tác dụng hoặc tình trạng bệnh nghiêm trọng. Trong đó phổ biến là phẫu thuật Stripping và Chivas nhằm loại bỏ tĩnh mạch nông bị giãn. 

Cách phòng ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch

Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch là các phương pháp hỗ trợ để hạn chế sự gia tăng áp lực máu ở tĩnh mạch. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện. Dưới đây là một số cách hỗ trợ phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch:

  • Vận động sau khi đứng hoặc ngồi lâu: Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp phải ở những người thường xuyên ngồi hoặc đứng trong một khoảng thời gian dài. Do đó, bạn nên phòng ngừa bệnh bằng cách vận động nhẹ sau khi đứng hoặc ngồi quá lâu như đi lại, xoa bóp chân để tăng lưu thông máu. 
  • Tập các bài tập cơ bắp chân: Đây là những bài tập giúp hỗ trợ khả năng đẩy máu của tĩnh mạch về tim để giảm suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Bạn có thể tham khảo các bài tập cho người suy giãn tĩnh mạch: yoga, leo cầu thang, đi bộ... 
  • Kiểm soát cân nặng: Nếu bạn thừa cân/béo phì hãy giảm cân để giảm áp lực cân nặng lên hệ tĩnh mạch. Giảm cân cũng là cách giúp cải thiện đáng kể vấn đề suy giãn tĩnh mạch. 
  • Lựa chọn quần áo phù hợp: Tránh các loại quần áo quá chật, bó sát vào cơ thể. 
  • Nâng cao chân: Giúp hỗ trợ quá trình máu chảy ngược về tim hiệu quả hơn. 

Bài viết đã tổng hợp về bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì và các thông tin liên quan. Có thể thấy, đây là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Chính vì vậy, người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết