Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch và nhóm đối tượng nguy cơ cao
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch và nhóm đối tượng nguy cơ cao
triệu chứng suy giãn tĩnh mạch
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch - Ảnh: BookingCare

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch và nhóm đối tượng nguy cơ cao

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 21/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Không khó để phát hiện các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch, tuy nhiên không ít người bệnh chủ quan dẫn đến bệnh trở nặng, khó khăn trong điều trị. 

Tình trạng suy giãn tĩnh mạch khiến người bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch nặng có thể dẫn đến các biến chứng về rối loạn huyết động học, viêm tắc tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn máu... 

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch phổ biến

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các mạch máu dưới da bị giãn và phình ra. Các tĩnh mạch bị suy giãn thường có màu xanh hoặc tím và thường xuất hiện ở cẳng chân, bàn chân. Ở mỗi giai đoạn, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch sẽ có những dấu hiệu khác nhau. 

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch giai đoạn sớm

Giai đoạn sớm, tình trạng suy giãn tĩnh mạch thường ít có triệu chứng, người bệnh thường cảm giác như kiến bò, tức nặng ở chân. Ở vùng da giãn tĩnh mạch thường cảm thấy nóng và ngứa hơn bình thường. Các triệu chứng này sẽ thấy rõ hơn về cuối ngày hoặc sau khi người bệnh phải đứng lâu.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch giai đoạn tiến triển 

Ở các giai đoạn phát bệnh, tình trạng suy giãn tĩnh mạch có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường với các dấu hiệu:

  • Đổi màu tĩnh mạch: Tĩnh mạch chuyển sang màu xanh hoặc tím đậm. 
  • Tĩnh mạch căng giãn  lên: Tĩnh mạch bị xoắn, giãn to, giống như sợi dây thừng khi bệnh nặng. Tĩnh mạch có thể phát triển thành từng cụm hoặc các đường nhỏ dạng mạng nhện.
  • Cảm giác nặng nề vùng chân/tay bị giãn tĩnh mạch: Các cơ ở chân/ tay có thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề hoặc chậm chạp, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất.
  • Ngứa: Khu vực xung quanh tĩnh mạch bị giãn có thể bị ngứa.
  • Đau: Khu vực bị suy giãn tĩnh mạch có thể bị đau, nhức hoặc nhức, đặc biệt là phía sau đầu gối. 
  • Sưng: Chân, mắt cá chân và bàn chân của bạn có thể sưng và đau nhói.
  • Thay đổi màu da và viêm loét tĩnh mạch: Nếu không được điều trị, chứng giãn tĩnh mạch có thể gây ra biến chứng chảy máu hoặc viêm loét tĩnh mạch. 

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch Giai đoạn biến chứng

  • Viêm tĩnh mạch nông huyết khối
  • Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch
  • Nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính

Phân độ suy giãn tĩnh mạch chi dưới 

  • Độ 0: chưa có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch thấy được hay sờ được.
  • Độ 1: có mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn với đường kính < 3mm.
  • Độ 2: giãn tĩnh mạch với đường kính > 3mm.
  • Độ 3: phù chi dưới nhưng chưa biến đổi trên da.
  • Độ 4: loạn dưỡng da gây biến đổi sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da, …
  • Độ 5: biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành.
  • Độ 6: biến đổi sắc tố da  kèm vết loét đang tiến triển, không lành.

Đối tượng nguy cơ và vị trí suy giãn tĩnh mạch thường gặp

Suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở bất cứ ai, tuy nhiên những đối tượng sau thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch
  • Người từ trung tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Người béo phì
  • Người đang mang thai đặc biệt là đa thai. 
  • Những người làm công việc phải đứng nhiều, ít di chuyển. 

Thông thường, chứng giãn tĩnh mạch phổ biến nhất ở nửa dưới của cơ thể, thường gặp ở bắp chân, mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra, suy giãn tĩnh mạch còn có thể gặp phải ở vùng bắp tay, cánh tay, mu bàn tay, vùng xương chậu và tinh hoàn (giãn tĩnh mạch thừng tinh).

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, khi có các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa về tĩnh mạch để được thăm khám, kiểm tra và đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết