Bật mí cách trị nhiệt miệng hiệu quả, an toàn tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 09/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 18/03/2024
Tìm hiểu chi tiết cách trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả, an toàn.
Tìm hiểu cách trị nhiệt miệng tại nhà - Ảnh: BookingCare
Nhiệt miệng là tình trạng phổ biến, biểu hiện bằng những vết loét có kích thước nhỏ (chừng 1mm) màu trắng với viền đỏ bao quanh xuất hiện chủ yếu phía trong miệng . Triệu chứng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào và gây cảm giác khó chịu khi giao tiếp, ăn uống.

Nhiệt miệng là loại bệnh tự miễn, nếu được điều trị đúng cách, có thể khỏi sau 1 - 2 tuần (kể từ thời điểm xuất hiện những triệu chứng đầu tiên). Trong bài viết này, cùng BookingCare tìm hiểu cách trị nhiệt miệng tại nhà an toàn, hiệu quả. 

Cách trị nhiệt miệng hiệu quả, an toàn tại nhà

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiệt miệng. Tình trạng này có thể chữa trị tại nhà bằng một số cách sau: 

Mật ong 

Mật ong là loại thực phẩm có tính kháng viêm, kháng khuẩn tốt. Sử dụng mật ong trong điều trị nhiệt miệng giúp giảm sưng và kích ứng hiệu quả, thúc đẩy quá trình hồi phục nhanh chóng. Về cách dùng, bạn chỉ cần lấy mật ong và bôi đều lên những vết loét do nhiệt miệng và để qua đêm. Bôi liên tục trong 2 - 3 ngày, vết loét sẽ lành lại tự nhiên. 

Ngoài cách bôi trực tiếp, bạn cũng có thể hoà tan mật ong với trà và sử dụng trong 3 - 4 ngày. Chú ý uống trà từ từ để mật ong có thể tiếp xúc và thẩm thấu vào những vết loét miệng. Như vậy mới mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Dầu dừa 

Ngoài mật ong, chúng ta cũng có thể sử dụng dầu dừa trong điều trị nhiệt miệng. Với đặc tính kháng khuẩn tốt do chứa các acid lauric tự nhiên, dầu dừa có thể hỗ trợ giảm sưng và rút ngắn thời gian lành thương hiệu quả. Để đạt kết quả điều trị tốt nhất, bạn nên sử dụng dầu dừa nguyên chất bôi lên vết loét chừng 2 - 3 ngày. 

Lưu ý sau khi bôi dầu dừa, nên hạn chế việc nuốt nước bọt hoặc đưa lưỡi về vị trí vết loét. Điều này sẽ làm giảm tác dụng trị viêm, giảm sưng của dầu dừa. 

Nước muối 

Sử dụng nước muối trong điều trị nhiệt miệng là cách làm hay được nhiều người áp dụng và đạt kết quả tốt. Nước muối có tính sát khuẩn cao, lành tính. Súc miệng bằng nước muối mỗi ngày giúp làm giảm cảm giác đau rát và thúc đẩy quá trình liền thương nhanh chóng. 

Nước rau bắp cải luộc 

Đây là cách trị nhiệt miệng ít người biết đến nhưng lại cho hiệu quả vô cùng bất ngờ. Luộc bắp cải lấy nước và uống 2 - 3 ngày sẽ làm giảm cảm giác sưng viêm và tạo độ khô nhất định trên bề mặt vết loét. 

Tỏi 

Tỏi là thực phẩm có tính sát khuẩn mạnh. Dùng tỏi chà sát trực tiếp lên bề mặt vết loét miệng nhẹ nhàng và rửa sạch sau 30 - 40 phút sẽ cho kết quả trị nhiệt miệng rõ rệt. 

Thuốc đánh răng 

Kem đánh răng có tính chất chống vi khuẩn tốt. Bôi thuốc đánh răng lên vùng loét miệng sẽ giúp chữa lành vết thương nhanh chóng và tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hơn khi ăn uống hay giao tiếp. 

Lưu ý, với các trường hợp điều trị tại nhà không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện kèm các triệu chứng khác như sốt cao đột ngột, đau đầu,... nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu. 

Hy vọng với những chia sẻ về cách trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả, an toàn trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về đặc điểm triệu chứng cũng như có kế hoạch chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình. Nên đi thăm khám chuyên khoa nếu nhiệt miệng đi kèm với các triệu chứng bất thường như đau đầu, sốt cao,... bởi đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.