Bất kỳ loài động vật có vú nào cũng có thể mắc bệnh dại (loài máu nóng, có lông như: chó, mèo, chồn, dơi, cáo, trâu, bò, ngựa,...) bao gồm cả con người. Ở Việt Nam, hầu hết các trường hợp người mắc bệnh dại đều là do chó dại cắn.
Tác nhân gây nên bệnh dại là virus dại Rhabdovirus. Loại virus này có sức đề kháng khá yếu, dễ dàng bị mất độc lực khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%.
Bệnh dại lây truyền qua chất tiết - nước bọt của động vật có nhiễm virus dại. Ở Việt Nam, ổ chứa virus dại chủ yếu là chó, chiếm đến hơn 90%, còn lại là mèo.
Thông thường, con người bị nhiễm virus dại là do bị động vật cắn gây xước da, hoặc bị liếm vào vết thương hở trên da (hoặc màng niêm mạc).
Các hình thức tiếp xúc khác, chẳng hạn như vuốt ve động vật bị dại hoặc tiếp xúc với máu, nước tiểu hoặc phân của chúng không được coi là nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại.
Bệnh dại có thể lây qua ghép tạng khi người cho bị nhiễm virus dại do thời gian ủ bệnh của bệnh dại có thể kéo dài đến 2 năm tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra.
Sau khi virus dại xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ đi theo các dây thần kinh đến thần kinh trung ương, hủy hoại dần các tế bào thần kinh và gây nên triệu chứng của bệnh dại.
Ở thời kỳ ủ bệnh (thường là từ 2 đến 8 tuần ở người, cũng có thể ngắn hơn - khoảng 10 ngày, hoặc dài hơn - từ 1 đến 2 năm) bệnh dại thường không biểu hiện triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, tình trạng vết thương (đơn giản hay phức tạp) và khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Nếu vết thương nặng, gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh sẽ rút ngắn lại.
Khi đã sang giai đoạn phát bệnh, động vật mắc bệnh dại có thể có những hành động bất thường. Một số có thể trở nên hung dữ hơn, mất kiểm soát, sủa, kêu, cố gắng cắn con người hay các động vật khác, hoặc có thể chảy nước dãi nhiều hơn bình thường.
Tuy nhiên, không phải tất cả động vật mắc bệnh dại đều hung dữ hoặc chảy nước dãi. Một số có thể cố tỏ ra rụt rè, nhút nhát, bỏ ăn. Đặc biệt, với những con vật hoang, sẽ rất khó để chúng ta nhận ra điều bất thường này.
Ở người, các dấu hiệu ban đầu của bệnh dại thường bao gồm: mất ngủ, đau đầu, sợ nước, sợ gió, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi.
Sau đó, khi virus xâm nhập lên não gây viêm não, các triệu chứng sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh có các biểu hiện khác thường như:
Chẩn đoán bệnh dại chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng như chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ học có liên quan.
Ngoài ra, chẩn đoán xác định có thể dựa vào xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào.
Ngày nay, với kỹ thuật mới, người ta có thể phát hiện được ARN của virus dại qua phản ứng PCR hoặc RT-PCR.
Y học hiện tại vẫn chưa có cách điều trị bệnh dại khi đã xuất hiện triệu chứng. Khi đã lên cơn dại, hầu như tất cả mọi trường hợp, kể cả động vật và con người đều sẽ dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, bệnh dại có thể được phòng ngừa được bằng cách tiêm vacxin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm với virus (bị động vật cắn).
Ở Việt Nam, loại vacxin được sử dụng để tiêm phòng dại là vacxin dại tế bào Verorab. Đây là loại vacxin an toàn và có hiệu lực cao, có thể được sử dụng theo 2 phác đồ do WHO khuyến cáo:
Ngoài ra, người bị cắn cũng có thể được điều trị dự phòng bằng huyết thanh kháng dại tùy thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn.
Nhìn chung, bệnh dại là một căn bệnh nguy hiểm và không có cách chữa trị khi đã có triệu chứng. Vì vậy, chúng ta cần chủ động phòng tránh những nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Mong rằng bài viết trên đây đã đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả về bệnh dại.