Giải đáp: Bệnh dại có thể chữa được không?
Bệnh dại có chữa được không?
Bệnh dại có thể điều trị được không? - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Bệnh dại có thể chữa được không?

Tác giả: - Xuất bản: 05/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/02/2024
Bệnh dại có chữa được không? Căn bệnh này nguy hiểm thế nào? Hãy cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Bị chó, mèo hay các động vật có vú khác cắn có thể khiến chúng ta bị mắc bệnh dại nếu những con vật này có chứa virus dại. Bệnh dại là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, câu hỏi bệnh dại có chữa được không là nỗi thắc mắc, lo lắng của rất nhiều người.

Bệnh dại có chữa được không?

Người đã phát bệnh dại không thể chữa được

Một khi đã lên cơn dại, việc chữa khỏi là không thể và tỷ lệ tử vong của người bệnh gần như là 100% sau 3-10 ngày phát bệnh.

Thậm chí, có bằng chứng cho thấy tiêm phòng bệnh dại hay điều trị bằng globulin miễn dịch sau khi bệnh dại phát triển các triệu chứng lâm sàng có thể làm bệnh tiến triển xấu đi một cách nhanh chóng hơn.

Việc điều trị lúc này thường chỉ mang tính hỗ trợ: sử dụng các biện pháp đặc biệt hoặc chất an thần mạnh nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt khó chịu.

Điều trị dự phòng bệnh dại

Dù vậy, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa việc mắc bệnh dại bằng cách điều trị dự phòng trước khi xuất hiện triệu chứng. Những người bị động vật (chó, mèo,...) cắn phải nhanh chóng thực hiện các điều sau:

  • Xử lý vết thương: Rửa thật kỹ vết cắn lần lượt bằng: nước xà phòng đặc, nước muối, chất sát trùng (cồn, cồn iốt,..) để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn.
  • Với động vật nuôi, cần nhốt và quản lý nhằm theo dõi diễn biến của động vật, không được giết hoặc thả động vật sau khi cắn người. Với động vật hoang dã thì phải coi như động vật đó bị dại và xử trí người bị cắn theo các bước tại cơ sở y tế.
  • Đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được thăm khám và chỉ định phương pháp xử trí phù hợp.

Tùy vào tình trạng của con vật (có triệu chứng dại hay không), tình trạng vết cắn (da lành hay xước, vết cắn xa hay gần thần kinh trung ương) và các yếu tố dịch tễ (tình hình bệnh dại của súc vật ở địa phương,...) mà người bị động vật cắn cần được điều trị dự phòng khác nhau.

  • Những người bị cắn nhưng vùng da bị cắn lành lặn, không có vết xước có thể không cần điều trị.
  • Trong trường hợp da có vết thương hở, người bị cắn phải được điều trị dự phòng bằng 2 phương pháp bảo vệ miễn dịch đặc hiệu là: tiêm vacxin dại hoặc dùng huyết thanh kháng dại, đôi khi cần kết hợp cả 2 phương pháp này.

Hiệu quả điều trị dự phòng cũng phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian tiêm, loại vắc xin, kỹ thuật tiêm, cách bảo quản vacxin và sự đáp ứng miễn dịch của người bệnh.

Ngoài ra, người bị cắn cũng cần tiêm vacxin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần thiết.

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, đừng quên tiêm phòng dại cho vật nuôi (chó, mèo,...) trong nhà và tránh tiếp xúc với những động vật lạ, hoang dã để giảm khả năng nhiễm phải virus dại xuống mức thấp nhất có thể.

Mong rằng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích cho độc giả về căn bệnh dại nguy hiểm này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết