- Xuất bản: 16/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 27/10/2023
Bệnh động kinh ở trẻ em - Ảnh: BookingCare
Bệnh động kinh là sự rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Bệnh động kinh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào trong đó đây là bệnh lý thần kinh thường gặp ở trẻ, đặc biệt trước 1 tuổi hoặc 3 tuổi.
Động kinh là bệnh lý của não với đặc tính về lâu dài sẽ tiến triển thành các cơn động kinh và dẫn đến các hậu quả về sinh học của hệ thần kinh, nhận thức, tâm lý, xã hội. Điểm chính của định nghĩa động kinh là những biến đổi kéo dài trong não dẫn đến tăng khả năng xuất hiện các cơn động kinh trong tương lai.
Bệnh động kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh được chẩn đoán phổ biến nhất ở trẻ em và những người trên 65 tuổi. Một số trẻ mắc chứng động kinh liên quan đến tuổi, và các cơn động kinh của chúng sẽ giới hạn khi đến một độ tuổi nhất định, trong khi những trẻ khác có thể bị tiếp tục đến tuổi trưởng thành.
Triệu chứng bệnh động kinh ở trẻ em
Biểu hiện của cơn động kinh là có tính chất cơn, xảy ra đột ngột, kèm các triệu chứng như co cứng và/hoặc co giật, mất trương lực, tăng tiết nước bọt, đái dầm,... Hoặc biểu hiện rối loạn cảm giác (cảm giác kiến bò, kim châm, nhìn mờ,...), rối loạn tâm thần (lo lắng, sợ hãi, chậm phát triển tinh thần, rối loạn hành vi...).
Cơn khởi phát cục bộ
Được định nghĩa là “khởi đầu từ một vị trí ở một bên bán cầu". Khi gặp loại động kinh này trẻ có những cử động không chủ ý hoặc cứng lại ở một phần cơ thể, trẻ vẫn có ý thức hoặc mất ý thức. Trước khi diễn ra cơn co giật trẻ thường có một số thay đổi về thính giác, thị giác hoặc khứu giác.
Cơn khởi phát toàn thể
Được định nghĩa “khởi phát từ một số điểm, nhanh chóng lan rộng toàn bộ hai bán cầu". Được chia làm kiểu cơn vận động hay không vận động (vắng ý thức). Mức độ ý thức không phải là đặc điểm để phân loại trong nhóm này, vì đa số các cơn khởi phát toàn thể thì ý thức bệnh nhân đều bị suy giảm.. Cơn khởi phát toàn thể có thể được chia thành một số loại như sau:
Cơn co giật toàn thể: biểu hiện khởi đầu, tiếp diễn và kết thúc bằng các cử động giật có nhịp của các chi ở hai bên cơ thể và có thể liên quan đầu, cổ, mặt và thân. Thường xảy ra ở trẻ nhũ nhi..
Cơn co cứng toàn thể: biểu hiện co cứng cơ hai bên thường kèm co cứng cổ. Phân loại cơn này khi theo sau co cứng không có cử động co giật.
Cơn co cứng - co giật: bao gồm cơn co cứng và theo sau là cơn co giật với giật cơ toàn thân với cường độ và tần suất tăng dần, sau đó giảm dần.
Cơn giật cơ toàn thể: biểu hiện bằng những cử động giật cơ ngắn, không nhịp nhàng, thường xuất hiện hai bên. Trẻ không mất ý thức trong cơn..
Cơn mất trương lực: nghĩa là mất trương lực cơ đột ngột. Khi chân mất trương lực trong cơn mất trương lực toàn thể, trẻ sẽ té đập mông xuống hoặc té ra trước đập gối và mặt xuống sàn. Hồi phục chỉ trong vài giây.
Cơn Động kinh co thắt: biểu hiện của cơn là đột ngột gập, duỗi, hoặc gập duỗi của cơ trục và gốc chi là chủ yếu. Chúng thường xuất hiện thành cụm cơn và hay gặp nhất ở trẻ nhũ nhi.
Cơn vắng ý thức: biểu hiện bằng sự ngưng đột ngột hoạt động đang làm và ý thức của trẻ. Cơn khởi đầu và kết thúc đột ngột và trẻ có thể có ít cử động tự động như chớp mắt, chép miệng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh ở trẻ
Khoảng 40% bệnh động kinh không rõ nguyên nhân và được cho là do yếu tố di truyền. Bệnh động kinh được cho là phổ biến hơn ở những người có thành viên trong gia đình cũng mắc bệnh động kinh. Các nghiên cứu về song sinh cho thấy khả năng di truyền của bệnh động kinh là từ 25% đến 70%.
60% bệnh động kinh còn lại được cho là do tổn thương não bởi một trong các yếu tố sau:
Chấn thương đầu
Nhiễm trùng thần kinh: viêm não, viêm màng não do vi khuẩn/ virus, …
Dị tật trước khi sinh: sự phát triển bất thường của não hoặc thiếu oxy trước khi sinh có thể dẫn đến tổn thương não. Mẹ bị chấn thương, ngộ độc thuốc khi mang thai, …
Sốt cao: Co giật có thể xuất hiện ở trẻ bị sốt cao nhiều lần.
Động kinh có thể xuất hiện khi trẻ bị sốt cao nhiều lần - Ảnh: Freepik
Sơ cứu khi trẻ co giật do động kinh
Khi trẻ bị co giật cha mẹ cần giữ bình tĩnh để thực hiện các điều sau:
Tạo không gian thoáng mát quanh trẻ
Di chuyển tất cả những vật xung quanh có thể gây nguy hiểm đến trẻ
Nới lỏng quần áo hay bất kỳ thứ gì trên người trẻ
Xoay trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh bị sặc
Nhìn đồng hồ, theo dõi cơn động kinh kéo dài bao lâu
Không nên làm:
Không cố gắng đè, giữ trẻ để khống chế cử động.
Không nhét vật cứng vào miệng, để đảm bảo trẻ không cắn vào lưỡi bạn có thể đặt vật mềm giữa 2 hàm răng của trẻ.
Không cho trẻ ăn uống gì khi chưa thật sự tỉnh táo.
Đối với những cơn động kinh ngắn có thể tự hết trong vài phút. Tuy nhiên với một số trường hợp cơn động kinh kéo dài, cơn co giật xảy ra ngay sau khi vừa dứt cơn đầu hoặc các cơn động kinh có thể gây suy hô hấp, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
Điều trị bệnh động kinh ở trẻ em như thế nào?
Thuốc: Bệnh động kinh thường được điều trị bằng thuốc chống động kinh giúp kiểm soát các triệu chứng. Nếu trẻ không bị co giật trong vài năm, bác sĩ có thể khuyên giảm lượng thuốc mà trẻ đang dùng.
Phẫu thuật: Đối với trẻ không đáp ứng với điều trị nội khoa có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ phần não sinh động kinh.
Kích thích thần kinh có thể là một lựa chọn nếu trẻ không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Một số phương pháp kích thích thần kinh được chấp thuận trong động kinh:
Kích thích dây thần kinh phế vị
Kích thích não sâu
Cách giúp trẻ sống chung với bệnh động kinh
Phụ huynh có thể giúp trẻ sống chung với bệnh động kinh hiệu quả theo những cách dưới đây:
Tìm hiểu về bệnh động kinh càng nhiều càng tốt, đặc biệt là loại bệnh cụ thể mà trẻ mắc phải.
Tránh làm cho trẻ cảm thấy như một gánh nặng.
Giúp trẻ hiểu được liều lượng của các loại thuốc đang uống cũng như các tác dụng phụ.
Nói chuyện với bác sĩ trước khi cho trẻ uống những loại thuốc có thể tương tác với thuốc điều trị động kinh.
Khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc và phát triển những thói quen lành mạnh.
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra định kỳ.
Đảm bảo trẻ đội mũ bảo hiểm khi chơi các môn thể thao có nguy cơ chấn thương đầu cao.
Nếu bạn cho rằng trẻ có thể bị động kinh, điều quan trọng là phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác. Bệnh động kinh thường có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.