Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tổng hợp thông tin về bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
Tổng hợp thông tin về bệnh Lupus ban đỏ hệ thống - BookingCare

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 24/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống thuộc nhóm bệnh tự miễn. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới thận, tim mạch, thần kinh và làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ. Vì vậy, bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm.

Bệnh lupus ban đỏ, hay còn gọi là systemic lupus erythematosus (SLE), là một bệnh tự miễn dịch phức tạp và khá phổ biến. Đây là một loại bệnh mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các mô và cơ quan trong cơ thể, gây ra việc tổn thương và viêm. Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm da, khớp, thận, tim, phổi, não và huyết quản.

Trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân đặt lịch khám với bác sĩ Cơ Xương Khớp, BookingCare nhận thấy tỉ lệ bệnh nhân đi khám Lupus ban đỏ hệ thống khá cao.

Nội dung dưới đây hy vọng giúp bạn đọc rõ thêm về căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống này.

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, khi tiến triển có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Vì vậy, người bệnh thường khó nhận biết bệnh của mình là gì, đi khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa nào thì phù hợp. 

Đây là một bệnh toàn cầu, hàng năm có hàng triệu người trên thế giới mắc bệnh. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống thuộc nhóm bệnh tự miễn, chưa rõ nguyên nhân, biểu hiện bởi tình trạng tổn thương tại nhiều bộ phận. 

Đặc điểm cận lâm sàng của bệnh là sự có mặt của các tự kháng thể kháng lại nhiều thành phần khác nhau của nhân tế bào; kháng thể kháng nhân (đặc biệt là kháng thể kháng Ds-DNA).

Nhiều tổn thương của các cơ quan là sự phản ứng đối với sự lắng đọng các phức hợp miễn dịch. Có các kháng thể đặc hiệu với mỗi tổn thương cơ quan đặc biệt và có giá trị tiên lượng bệnh.

Triệu chứng lupus ban đỏ hệ thống

Triệu chứng của Lupus có thể bùng phát và biến mất một cách định kỳ, và những triệu chứng này có thể giống với triệu chứng của các bệnh khác như viêm khớpđái tháo đường.
Một số triệu chứng phổ biến bao gồm ban đỏ trên da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khớp đau và sưng, mệt mỏi và cảm thấy yếu, thay đổi màu da, vấn đề thận, vấn đề tim và phổi, và vấn đề huyết quản.

Các triệu chứng chi tiết hơn của lupus ban đỏ là:

Biểu hiện thuộc bộ máy vận động

Biểu hiện cơ, xương khớp là các triệu chứng đầu tiên của bệnh, gặp trên 50% số trường hợp và dường như không bao giờ vắng mặt ở giai đoạn tiến triển của bệnh (90-100% trường hợp).

Đó có thể là đau khớp đơn thuần, có một số trường hợp sưng đau khớp, biểu hiện tình trạng viêm màng hoạt dịch, tổn thương tế bào cơ vân hoặc hoại tử đầu xương.

  • Đau khớp đơn thuần: Vị trí các khớp đau thường gặp tương tự như trong viêm khớp dạng thấp, đau đơn thuần, sưng các khớp nhỏ, nhỡ, trong đó các khớp ở bàn cổ tay, đối xứng hai bên. Thường kèm theo cơn đau lan tỏa.
  • Viêm khớp thực sự: Biểu hiện bởi nhiều đặc điểm khác nhau. Có thể là viêm nhiều khớp cấp, bán cấp, hoặc mạn tính. Viêm khớp điển hình trong  bệnh cũng biểu hiện tại các vị trí tương tự như trên. Khớp sưng, đau, đôi khi có nóng, hầu như không đỏ.
  • Các biểu hiện cơ: Viêm cơ gây đau cơ, giảm cơ lực, tăng enzyme cơ, rối loạn trên điện cơ đồ.
  • Hoại tử đầu xương: Đau tại lồi cầu xương đùi, mâm xương chày, đầu xương và lồi cầu xương cánh tay, xương gót, đầu xương bàn ngón chân và tay, khối xương cổ tay.

Triệu chứng da và niêm mạc

Biểu hiện da là một trong các triệu chứng đặc trưng nhất trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bao gồm các tốn thương da, ban hình cánh bướm, ban dạng đĩa, nhạy cảm với ánh nắng, loét miệng, mũi.

lupus ban đỏ ở mặt
Ban hình cánh bướm nổi 2 bên mặt 

Các tổn thương khác 

Ngoài các tổn thương cơ xương khớp và tổn thương ngoài da, lupus ban đỏ hệ thống có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác, tuy nhiên ít gặp hơn.

  • Các triệu chứng tim mạch
  • Tổn thương phổi, màng phổi
  • Các triệu chứng huyết học
  • Các biểu hiện tiêu hóa và gan

Khi gặp trong những triệu chứng trên thì bạn nên đi khám với các bác sĩ cơ xương khớp và đến các địa chỉ xương khớp uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm để có thể điều trị dễ dàng hơn.

Nguyên nhân gây lupus ban đỏ hệ thống

Hiện nay, nguyên nhân của bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa rõ ràng và được cho là do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó gồm 4 yếu tố nổi bật là di truyền, nội tiết, miễn dịch và môi trường.

Yếu tố di truyền

Các nghiên cứu từ trước tới nay cho thấy:

  • Có trên 50% trẻ sinh đôi cùng bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống
  • Những người thân có cùng huyết thống như anh chị em ruột có nguy cơ mắc lupus ban đỏ cao gấp 30 lần so với người không cùng huyết thống.
  • Gần 30% đứa con sinh ra bởi bà mẹ bị lupus dương tính với xét nghiệm kháng thể kháng nhân chẩn đoán Lupus ban đỏ.

Như vậy, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Lupus. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.

Yếu tố nội tiết

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, đặc biệt là nội tiết tố của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng là nguy cơ khiến bệnh lupus ban đỏ phát triển. Phụ nữ trong và sau khi mang thai dễ mắc bệnh tự miễn dịch này. Còn sau mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh cũng như mức độ nặng của bệnh đều giảm rõ rệt.

Các nội tiết tố như estrogen, testosteron, progesteron... có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh. Chính vì thế, phụ nữ dùng các sản phẩm có chứa estrogen như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone sau mãn kinh,... cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Hệ miễn dịch bất thường

Thông thường, hệ thống miễn dịch trong cơ thể người là hệ thống phức tạp có chức năng chống lại các tác nhân lạ gây bệnh, ví dụ như vi khuẩn. 

Tuy nhiên, những người mắc bệnh lupus có kháng thể bất thường trong máu và các kháng thể này được gọi là kháng thể tự miễn dịch. Chúng sẽ quay lại tấn công các mô trong cơ thể của chính họ. 

Bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ có nhiều khiếm khuyết trong hệ miễn dịch. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của những bất thường này. 

Do cơ thể mất đi cơ chế tự bảo vệ nên các phức hợp miễn dịch được hình thành. Các phức hợp này gây tổn thương đến các hệ cơ quan trong cơ thể người bệnh như khớp, da, hệ tim mạch, não, thận, xương, phổi…

Yếu tố môi trường

Hầu hết các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng một tác nhân môi trường chẳng hạn như virus hoặc một số chất hóa học tác động ngẫu nhiên đến một cá nhân nhạy cảm về mặt di truyền sẽ có thể gây bệnh.

Các yếu tố môi trường có thể kích hoạt bệnh Lupus và gây ra các cơn bùng phát vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các yếu tố được nghiên cứu phổ biến nhất là bức xạ tia cực tím (UVA và UVB); tiếp xúc với bụi có chứa silic trong môi trường lao động. Ngoài ra còn một số tác nhân khác như căng thẳng stress, chấn thương, chế độ ăn uống…

Xét nghiệm chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống cũng như theo dõi, kiểm soát tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm.

Xét nghiệm ANA - kháng thể kháng nhân

Hầu hết bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống đều được chỉ định xét nghiệm ANA đầu tiên. Mục đích của xét nghiệm này là tìm ra một kháng thể kháng nhân chống lại nhân tế bào trong máu của bệnh nhân Lupus ban đỏ. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm ANA dương tính nhưng người bệnh không mắc Lupus ban đỏ. Vậy nên, phương pháp xét nghiệm chỉ là một phần thông tin giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của các dấu hiệu và triệu chứng người bệnh đang có.

Xét nghiệm kháng thể kháng DNA

Một trong những phương pháp xét nghiệm có ý nghĩa cao trong chẩn đoán Lupus ban đỏ là kiểm tra DNA trực tiếp chống lại các DNA sợi đôi (kháng thể kháng DNA). Có khoảng hơn 70-95% số bệnh nhân Lupus ban đỏ có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng DNA dương tính.

Xét nghiệm kháng Ro (SSA) và kháng La (SSB)

Ro và La là hai loại kháng thể có liên quan đến trẻ sơ sinh bị Lupus ban đỏ. 

Kiểm tra kháng Ro (SSA) và kháng La (SSB) cũng là những xét nghiệm có ý nghĩa cao trong chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống nhờ tính đặc hiệu chống lại ARN. 

Do đó, nếu trong quá trình người mẹ mang thai có phát hiện kháng thể Ro và La thì cần theo dõi sức khỏe mẹ và bé chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Xét nghiệm ESR - Kiểm tra tốc độ máu lắng

Tốc độ lắng hồng cầu (ESR) được xem như một dấu hiệu viêm, có thể chỉ ra bệnh Lupus đang hoạt động. Xét nghiệm ESR dùng để đánh giá, theo dõi tình trạng viêm, cũng như những thay đổi của bệnh hoặc khả năng đáp ứng với điều trị.

Ngoài các xét nghiệm trên, các bác sĩ còn chỉ định các xét nghiệm khác trên từng bệnh nhân, tùy theo từng trường hợp và mức độ tổn thương của các cơ quan. Tuy nhiên, để có kết quả xét nghiệm Lupus ban đỏ chính xác, bạn cần tìm đến trung tâm y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm.

Xét nghiệm CRP - Protein phản ứng C

CRP là một protein trong cơ thể cảnh báo dấu hiệu của viêm. Xét nghiệm này đánh giá tình trạng viêm, cũng như cho thấy sự hoạt động của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Đồng thời giúp theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân.

Xét nghiệm công thức máu toàn phần

Mục đích của xét nghiệm này là đo số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết sắc tố có trong máu. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ xác định tình trạng thiếu máu và nhiễm trùng thường gặp ở những người mắc bệnh lupus. Bên cạnh đó, số lượng bạch cầu và tiểu cầu ở bệnh nhân lupus thường thấp hơn so với người khỏe mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác nếu nghi ngờ lupus ban đỏ gây ra các tổn thương cơ quan là:

  • Siêu âm tim.
  • Chụp X-quang hoặc siêu âm khớp bị đau.
  • Chụp CT Scanner, MRI bụng, ngực, não

Phương pháp điều trị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Hiện tại không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh Lupus ban đỏ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và quản lý bệnh đã được cải thiện, hầu hết những người mắc Lupus ban đỏ hệ thống có thể tiếp tục sống bình thường. 

Phương pháp điều trị chính hiện nay là kiểm soát các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và biến chứng của bệnh. Bệnh nhân bị đau cơ hoặc khớp, cơ thể mệt mỏi, da nổi phát ban và các vấn đề khác không nguy hiểm có thể được điều trị theo các phương án điều trị thông thường.

Dùng thuốc chống viêm và thuốc giảm đau

Thuốc chống viêm có tác dụng làm giảm nhiều triệu chứng của bệnh lupus bằng cách giảm viêm và đau. Các loại thuốc chống viêm bao gồm Aspirin, Acetaminophen (Tylenol®) được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh Lupus như sốt, viêm khớp hay viêm màng phổi. 

Những triệu chứng này thường sẽ cải thiện trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc. Đối với nhiều người bị bệnh lupus, thuốc chống viêm có thể là loại thuốc duy nhất cần thiết để kiểm soát bệnh Lupus.

Dùng thuốc chống viêm không Steroid (NSAID)

Các loại thuốc bao gồm: Ibuprofen (Motrin®), naproxen (Naprosyn®), indomethacin (Indocin®), nabumetone (Relafen®) và celecoxib (Celebrex®).

Đây là các loại thuốc giúp giảm viêm, đặc biệt hữu ích cho chứng đau khớp và cứng khớp. Giống như aspirin, NSAID có thể gây kích ứng dạ dày. Để giảm nguy cơ mắc những vấn đề về đường tiêu hóa khi sử dụng thuốc, người bệnh nên dùng cùng với thức ăn, sữa hoặc thuốc kháng axit.

Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh hơn và cũng có nhiều tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc kể trên. Thuốc này chỉ được sử dụng cho những bệnh nặng đã có tổn thương nội tạng. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc này bao gồm loét dạ dày, loãng xương, rạn da, tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng và ức chế chức năng tuyến thượng thận. Do đó, thuốc này chỉ thích hợp dùng một lần sau bữa ăn sáng.

Dùng thuốc chống sốt rét

Thuốc chống sốt rét là thuốc kê theo toa được sử dụng với steroid và các loại thuốc khác. Chúng được sử dụng một phần để giảm liều lượng cần thiết của các loại thuốc khác. Thuốc chống sốt rét thường được kê đơn cho các trường hợp mệt mỏi, phát ban da, đau khớp và lở miệng. Nó cũng giúp ngăn ngừa đông máu bất thường.

Bằng cách giảm sản xuất kháng thể, thuốc chống sốt rét làm có khả năng cải thiện các triệu chứng của bệnh Lupus. Điều này giúp da ngăn chặn tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời và cải thiện tình trạng da bị tổn thương.

Dùng thuốc ức chế miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch là thuốc theo toa được sử dụng để chống viêm và hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Chúng đặc biệt được sử dụng khi steroid không thể kiểm soát các triệu chứng Lupus hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với Corticosteroid đơn thuần. 

Tuy nhiên, những loại thuốc như Cyclophosphamide (Endoxan), Azathioprine (Imuran), Cyclosporine (Sandimmun),... có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể hay tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư. 

Điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống bằng thuốc
Điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống bằng thuốc - Ảnh: BookingCare

Chính vì vậy, bệnh nhân đang được điều trị Lupus ban đỏ bằng thuốc ức chế miễn dịch nên đến thăm khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi cẩn thận. Vì căn bệnh này ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận cơ thể nên một số bác sĩ có thể tham gia vào việc chăm sóc và điều trị bệnh bao gồm:

Ngoài biện pháp điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ hệ thống cũng có thể được chỉ định các liệu pháp khác như thay huyết tương (PEX), lọc máu,...

Chăm sóc hiệu quả bệnh Lupus ban đỏ hệ thống tại nhà

Ngoài việc sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để hỗ trợ tốt quá trình điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh Lupus ban đỏ phát triển.

  • Không ngưng sử dụng thuốc một cách đột ngột: Bởi nếu bệnh nhân bỏ thuốc, các ảnh hưởng của cơ quan nội tạng sẽ phát triển âm thầm trong cơ thể. Và khi bệnh nhân quay trở lại thì các tổn thương đã quá nặng và có thể sẽ không điều trị được nữa.
  • Bôi thuốc: Nếu triệu chứng trên da nhẹ thì bạn có thể dùng các thuốc đặc trị chống viêm, giảm đau bôi ngoài da. Tuy nhiên vẫn cần theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi vừa đủ: Khi mắc bệnh, bạn sẽ nhận thấy cơ thể mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi và không nghỉ ngơi. Chính vì thế bạn chỉ nên nghỉ vừa đủ. Thay vì chỉ nằm, bệnh nhân cần cố gắng vận động nhẹ nhàng.

Sống chung với bệnh Lupus ban đỏ

Một số những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn đọc sống chung với bệnh Lupus ban đỏ:

  • Ổn định tâm lý: Người bệnh cần tránh sang chấn tâm lý do tác động từ môi trường bên ngoài hay do mặc cảm, tự ti về những nốt ban đỏ. Thay vào đó, cần xây dựng một cuộc sống lành mạnh, tăng cường vận động.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học: Khẩu phần ăn của người mắc Lupus ban đỏ cần bổ sung thực phẩm giàu omega-3, vitamin D. 
  • Tránh một số loại thực phẩm không tốt: Nếu bệnh Lupus kèm theo các bệnh nền khác như huyết áp cao, các vấn đề về tiêu hóa, suy thận thì người bệnh cần tránh các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt, rượu bia, thức uống có caffein…
  • Tránh ánh nắng: Tia UV là nguyên nhân khiến bệnh khởi phát hoặc tác động và làm nặng thêm những đợt cấp của bệnh. Nếu buộc phải đi ra đường thì nên đội nón, mũ, mặc áo chống nắng, đeo kính, bôi đầy đủ kem chống nắng để không bị tác động tia UV.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá có thể làm trầm trọng hơn những triệu chứng của bệnh Lupus xảy ra tại mạch máu và tim mạch của bạn. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Rửa tay thường xuyên: Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người đặc biệt nhạy cảm.

Điều trị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có thuốc đặc hiệu. Vì vậy, nếu có các triệu chứng nghi ngờ nêu trên, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị các triệu chứng cũng như phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng liên quan đến bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết