Xuất bản: 09/04/2021 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Người bị mộng du thường tỉnh giấc trong khi ngủ (Ảnh: pixabay.com)
Mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ rất nổi bật, bên cạnh những rối loạn thường gặp khác như: ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, ngáy ngủ... Tâm trí của những người bị mộng du thì ngủ nhưng cơ thể của họ lại thức. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu sẽ chia sẻ thêm đến bạn đọc trong nội dung sau đây.
Mộng du là thuật ngữ y khoa nói về căn bệnh vừa ngủ vừa đi, hay trạng thái miên hành. Người bệnh tự nhiên thức dậy và đi lại trong tình trạng đang ngủ mà bản thân họ không hề biết.
Theo các nghiên cứu, có tới gần 30% số người trưởng thành từng mộng du trong cuộc đời với những mức độ khác nhau.
Mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ rất nổi bật, bên cạnh những rối loạn thường gặp khác như: ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, ngáy ngủ....
Bệnh mộng du là gì?
Mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ, xảy ra ngoài mong muốn trong khi ngủ. Những dạng rối loạn giấc ngủ khác bao gồm bóng đè, nửa tỉnh nửa mơ và những cơn sợ hãi ban đêm.
Mộng du là một rối loạn của nhận thức xảy ra khi não bộ chìm sâu vào giai đoạn mắt không chuyển động nhanh. Mộng du là lỗi về mặt thời gian và cân bằng, có một nguyên nhân nào đó làm bộ não thức tỉnh khỏi giấc ngủ sâu và rơi vào trạng thái giữa tỉnh và thức. Mộng du có thể diễn ra từ vài phút cho đến một tiếng.
Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị mộng du
Những người bị mộng du thường tỉnh giấc trong khi ngủ và thường sẽ bị định hướng sai và lú lẫn. Tâm trí của những người bị mộng du thì ngủ nhưng cơ thể của họ lại thức, do vậy, họ có thể thực hiện những hành vi phức tạp như ăn, đi bộ loanh quanh hoặc tham gia vào một cuộc hội thoại.
Họ thường trở nên vụng về và có thể trèo lên đồ nội thất, đi vào trong gương, đi qua cửa sổ hoặc ngã cầu thang, và có thể để lại những chấn thương.
Tần suất mộng du khác nhau giữa mỗi người. Người bị mộng du thường sẽ quay trở lại giường ngủ mà không gặp tai nạn gì, hoặc, họ cũng có thể tỉnh dậy và thấy mình đang ở đâu đó trong nhà.
Một số người mộng du thường có những biểu hiện sau:
Ngồi dậy trên giường và nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt.
Đi loanh quanh phòng hoặc quanh nhà.
Đi tiểu sai chỗ (ví dụ như trong tủ quần áo, trước cửa hoặc tủ lạnh).
Sắp xếp lại nội thất trong nhà.
Trèo qua cửa sổ.
Đi ra khỏi nhà.
Lái xe.
Tham gia các hoạt động tình dục.
Mặc dù đa số các hiện tượng mộng du thường vô hại nhưng mộng du có thể nguy hiểm và gây tổn thương nghiêm trọng cho người bị mộng du cũng như những người chứng kiến vô can.
Nguyên nhân gây ra bệnh mộng du
Nguyên nhân chính xác của mộng du chưa được hiểu rõ, mặc dù các nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ thường dễ bị mộng du hơn do não bộ của trẻ còn đang trong quá trình trưởng thành.
Những nguyên nhân đã được biết đến của hiện tượng mộng du:
Tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, sốt, ốm đau triền miên, thiếu magiê, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng mộng du.
Khi đi ngủ bàng quang đầy nước tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, người ngủ bị stress... cũng có thể dẫn đến tình trạng mộng du.
Ở người lớn, tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ.
Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não…
Khắc phục bệnh mộng du như thế nào
Mộng du không thường xuyên (1 - 2 lần trong đêm) không cần phải điều trị nhưng phải bảo đảm rằng đó là những hiện tượng mộng du an toàn và có thể tự biến mất.
Đối với người lớn
Những trường hợp bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác,...
Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ và không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động.
Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.
Đối với trẻ em
Khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước hết đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường.
Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn, nhất là nếu trẻ đi ra ngoài. Vì thế cần khóa cửa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.
Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.
Xem thêm Clip:
Bé gái 5 tuổi mộng du rơi từ tầng 11 khách sạn ở Thái Lan