Bệnh nhuyễn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và xét nghiệm chẩn đoán
Đau ở chân, phần trên đầu gối ở người bị nhuyễn xương
Bệnh nhuyễn xương là gì: nguyên nhân, triệu chứng và xét nghiệm chẩn đoán - Ảnh: BookingCare

Bệnh nhuyễn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và xét nghiệm chẩn đoán

Tác giả: - Xuất bản: 17/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Bệnh nhuyễn xương có thể được phát hiện sớm và chữa khỏi. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, việc bổ sung vitamin D trong vài tuần có thể cải thiện tình trạng.

Bệnh nhuyễn xương có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, gây ra đau xương, yếu cơ, khiến việc vận động trở nên khó khăn. Nhuyễn xương có một số triệu chứng cơ bản, tuy nhiên, nhiều trường hợp không có bất kỳ triệu chứng nào. Người bệnh do vậy nên để ý cẩn thận để điều trị sớm, kiểm soát bệnh hiệu quả.

Dưới đây là một số thông tin về bệnh nhuyễn xương bao gồm triệu chứng, nguyên nhân, xét nghiệm chẩn đoán, phương pháp điều trị và cách chăm sóc tại nhà,... 

Bệnh nhuyễn xương là gì? Phân biệt bệnh nhuyễn xương và loãng xương

Nhuyễn xương là tình trạng khung xương không thực hiện được quá trình canxi hóa (hay còn gọi là khoáng hóa) như bình thường, thường gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin D, dẫn đến tình trạng mềm xương. 

Cần phân biệt nhuyễn xương với loãng xương, về bản chất bệnh lý hay ảnh hưởng, tác động đến cơ thể. Có thể phân biệt nhuyễn xương và loãng xương theo bảng dưới đây:

Tiêu chí Nhuyễn xương Loãng xương
Định nghĩa

Nhuyễn xương là tình trạng khung xương không thực hiện được quá trình canxi hóa (hay còn gọi là khoáng hóa) như bình thường dẫn đến tình trạng mềm xương. 

Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ chất khoáng trong xương gây ra hậu quả là xương mỏng, xốp và yếu đến mức rất dễ gãy.

Nguyên nhân Nhuyễn xương là do khoáng hóa kém, thường là do thiếu hụt vitamin D trầm trọng hoặc chuyển hóa vitamin D bất thường. Loãng xương là sự suy giảm khối lượng xương theo thời gian.

Triệu chứng của bệnh nhuyễn xương

Hầu hết bệnh nhân nhuyễn xương có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Đau ở chân, phần trên của đùi, đầu gối

  • Cơ yếu, đau và cứng, đặc biệt là ở thân, vai, mông và cẳng chân

  • Đi lại khó khăn

  • Xương có thể nhạy cảm với những va chạm cho dù là nhẹ

  • Co thắt cơ bắp

  • Gãy xương giả của xương chịu trọng lượng, ví dụ như ở bàn chân và xương chậu

Đau ở phần trên của đùi, đầu gối ở người bệnh nhuyễn xương
Đau ở phần trên của đùi, đầu gối là triệu chứng ở người bệnh nhuyễn xương - Ảnh: Canva

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh nhuyễn xương không có bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là đau nhức xương và cơ nhưng rất mơ hồ. Cũng chính vì vậy, nhiều trường hợp có thể mất 2 - 3 năm để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Mặc dù khó phát hiện, nhưng nếu không được điều trị sớm bệnh có thể gây ra các biến chứng.

  • Ở người lớn: có thể dễ gãy xương như xương sườn, xương chân và xương cột sống.
  • Ở trẻ em: nhuyễn xương và còi xương thường xảy ra đồng thời, có thể dẫn đến chân vòng kiềng hoặc rụng răng sớm.

Bệnh nhuyễn xương có diễn biến từ từ, nhiều người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào nên thường chủ quan không đi kiểm tra, thường đến bệnh viện khi đã muộn. Do vậy, người bệnh nên thăm khám sức khỏe Cơ xương khớp định kỳ và gặp bác sĩ chuyên khoa khi có các triệu chứng để được tư vấn và điều trị sớm.

Nguyên nhân của bệnh nhuyễn xương

Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng nhuyễn xương là do thiếu hụt trầm trọng vitamin D, trong khi Vitamin D rất cần thiết cho sự hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe của xương.

Khi một người có lượng vitamin D thấp, có thể là do không hấp thụ đủ hoặc cơ thể không thể hấp thụ. Những lý do khiến mọi người không bổ sung đủ vitamin D bao gồm:

  • Chế độ ăn ít thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như dầu cá, lòng đỏ trứng và các thực phẩm khác,...
  • Sống ở những nơi không có nhiều ánh sáng mặt trời 
  • Mặc quần áo che phủ hoàn toàn cơ thể và giữ cho da không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit và một số loại thuốc chống động kinh, chẳng hạn như topiramate có thể gây ra thiếu hụt trầm trọng vitamin D
  • Ít gặp hơn là do rối loạn tiêu hóa hoặc thận: Những rối loạn này có thể cản trở khả năng hấp thụ vitamin của cơ thể.
  • Bệnh Celiac (không dung nạp gluten): Khi bị bệnh Celiac, nếu tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa gluten sẽ phá hủy niêm mạc ruột non. Khi niêm mạc ruột bị phá hủy sẽ không hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng và có thể gây ra thiếu vitamin D và canxi.
VitaminD và các thực phẩm bổ sung vitamin D
Nguyên nhân của chứng nhuyễn xương là do thiếu hụt trầm trọng vitamin D - Ảnh: Canva

Xét nghiệm chẩn đoán nhuyễn xương

Với người bệnh qua thăm khám lâm sàng, có nghi ngờ bệnh nhuyễn xương, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh.

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định định lượng vitamin D, canxi, phospho. Chỉ báo quan trọng nhất là lượng vitamin D thấp, lượng canxi thấp hoặc lượng phospho giảm đáng kể có thể cho thấy bệnh nhuyễn xương.
  • Có thể thực hiện một xét nghiệm máu khác kiểm tra mức độ hormone tuyến cận giáp. Nồng độ hormone này cao cho thấy không đủ vitamin D và các vấn đề liên quan khác.
  • Chụp X-quang có thể được chỉ định để xem những thay đổi cấu trúc hoặc vết nứt trong xương.
  • Đo mật độ xương có thể hữu ích trong việc đánh giá lượng canxi và các khoáng chất khác có trong xương. 
  • Sinh thiết xương: Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết xương, trong đó một mẫu mô xương được lấy và kiểm tra. Tuy nhiên, thông thường, chụp X-quang và xét nghiệm máu là đủ để chẩn đoán và không cần thiết phải sinh thiết xương.

Phương pháp điều trị bệnh nhuyễn xương

Bệnh nhuyễn xương có thể chữa khỏi, nhưng phải kéo dài trong thời gian vài tháng (khoảng 6 tháng).

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong điều trị bệnh nhuyễn xương là đảm bảo rằng người bệnh nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ quá trình khoáng hóa xương. Bổ sung vitamin D, canxi và phospho qua đường uống do vậy sẽ chỉ định. 

Trong một số ít trường hợp, bạn có thể được chỉ định bổ sung vitamin D dưới dạng tiêm qua da hoặc tiêm tĩnh mạch ở cánh tay.

Chăm sóc bệnh nhuyễn xương hiệu quả tại nhà

Ngoài bổ sung vitamin D qua đường uống (hoặc tiêm) để chăm sóc bệnh hiệu quả tại nhà, người bệnh nên chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt như sau:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh giàu thực phẩm có chứa vitamin D và canxi. Một số thực phẩm giàu vitamin D như trứng, cá (cá hồi), ngũ cốc, phô mai, sữa, sữa chua,...
  • Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời. Lưu ý thực hiện chống nắng để tránh tác hại từ ánh nắng mặt trời
  • Ngừng hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng. Bệnh nhuyễn xương có thể được chữa khỏi, do vậy khi đã được chẩn đoán bệnh nhuyễn xương, cần dùng thuốc càng sớm theo chỉ định từ bác sĩ

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh nhuyễn xương. Các thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên thăm khám và tuân theo chỉ định từ bác sĩ để cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết