Đo loãng xương là gì? Quy trình đo loãng xương như thế nào?
Đo loãng xương là gì? Quy trình đo loãng xương như thế nào?
Kỹ thuật viên thực hiện đo loãng xương cho người bệnh
Đo loãng xương là gì và quy trình thực hiện - Ảnh: benhvienthucuc.vn

Đo loãng xương là gì? Quy trình đo loãng xương như thế nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Đo loãng xương là phương pháp đo mật độ xương mà một số bệnh nhân cần thực hiện khi thăm khám Cơ xương khớp. Các băn khoăn của người bệnh, người nhà về đo loãng xương (hay đo mật số xương) sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Đo loãng xương được chỉ định để phát hiện người bệnh loãng xương hoặc có nguy cơ loãng xương. Bởi bệnh thường diễn biến âm thầm, không có bất kỳ triệu chứng nào, nếu không có các xét nghiệm chuẩn đoán loãng xương trong đó có đo loãng xương rất khó phát hiện cho đến khi tình trạng gãy xương xảy ra.

Với người bệnh, bạn đọc đang có chỉ định này hay thăm khám bệnh lý Cơ xương khớp nói chung, có thể tìm hiểu thông tin tổng quan về đo loãng xương trong bài viết dưới đây:

  • Đo loãng xương là gì?
  • Phương pháp đo loãng xương
  • Quy trình đo loãng xương được thực hiện như thế nào?
  • Đo loãng xương ở đâu Hà Nội?
  • Giải đáp nhanh các câu hỏi thường gặp về đo loãng xương

Theo ước tính của Hội Loãng xương TP.HCM, có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang bị loãng xương. Dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì 1 người mắc bệnh loãng xương.

Đo loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ khoáng chất trong xương gây ra hậu quả là xương mỏng, xốp và yếu đến mức rất dễ gãy. Tuy không gây chết người nhưng bệnh loãng xương làm giảm chất lượng cuộc sống, gây gù, còng, đau xương và cột sống.

Người mắc bệnh loãng xương còn rất dễ bị gãy xương ở vùng cột sống, cổ xương đùi và cổ tay. Đặc biệt khi gãy cổ xương đùi, người bệnh phải nằm bất động, có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác, dễ gây tử vong do biến chứng nằm lâu. 

Đo loãng xương hay đo mật độ xương (Bone Mineral Density - BMD) là kỹ thuật được thực hiện để xác định lượng canxi và các loại khoáng chất khác có trong một vùng xương. 

Hàm lượng canxi và khoáng chất trong xương càng cao thì xương của bạn càng đặc. Và xương của bạn càng đặc thì nhìn chung chúng càng chắc khỏe và ít có khả năng bị gãy. 

Phương pháp đo mật độ xương được thực hiện để: 

  • Xác nhận chẩn đoán loãng xương
  • Xác định sự giảm mật độ xương trước khi bạn bị gãy xương
  • Xác định nguy cơ gãy xương 
  • Theo dõi điều trị loãng xương 
Xương khỏe mạnh và loãng xương
Loãng xương là tình trạng xương mỏng, xốp và yếu đến mức rất dễ gãy - Ảnh: desertspineandsports

Phương pháp đo loãng xương

Có một số phương pháp được ứng dụng để đo mật độ xương như phương pháp DEXA, phương pháp siêu âm định lượng, kỹ thuật CT Scan,... Trong đó, đo loãng xương bằng phương pháp DEXA được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tại các bệnh viện, phòng khám của Việt Nam cũng áp dụng thường quy đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA để đo mật độ xương cho bệnh nhân.

Với phương pháp DEXA sẽ sử dụng tia X năng lượng kép để xác định mật độ xương. Phương pháp này được đánh giá với ưu điểm nhanh chóng, an toàn, chính xác cao:

  • Để thực hiện chỉ cần liều chiếu phóng xạ cực kỳ nhỏ, ít hơn khi chụp X quang phổi. An toàn cho người bệnh cũng như kỹ thuật viên thực hiện.
  • Độ chính xác của phương pháp cao, từ 85% đến 99%.
  • Thực hiện nhanh chóng, thời gian đo từ 10 - 15 phút.
Người bệnh được thực hiện đo loãng xương
Đo loãng xương bằng phương pháp DEXA là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương - Ảnh: cdc.gov

Quy trình đo loãng xương như thế nào?

Khác với các xét nghiệm, chụp chiếu khác như đi nội soi, chụp MRI,... người bệnh thực hiện đo loãng xương không cần chuẩn bị quá nhiều. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần tháo trang sức, vật cản quang, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

Quy trình đo loãng xương diễn ra khá đơn giản và nhanh chóng trong thời gian từ 10 - 20 phút. Cụ thể quy trình đo mật độ xương diễn ra như sau:

  • Người bệnh được giải thích về tầm quan trọng và lợi ích của việc đo mật độ xương. Sau đó sẽ được yêu cầu tháo bỏ các vật dụng kim loại, nhựa,... có thể ảnh hưởng đến máy đo và kết quả đo.
  • Kỹ thuật viên thực hiện sẽ yêu cầu người bệnh nằm hay ngồi đúng tư thế yêu cầu, bất động tuyệt đối trong khi đo.
  • Người bệnh được đo bằng máy, đo hết các điểm theo hồ sơ chỉ định.
  • Thực hiện xong, theo sự hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân ra khỏi phòng và chờ lấy kết quả.

Như vậy quy trình đo diễn ra rất nhanh chóng, kết quả đo cũng được trả lại sau khoảng 15 - 30 chờ. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích các hình ảnh và gửi kết quả chẩn đoán. Bác sĩ điều trị sẽ xem lại kết quả đồng thời đánh giá đưa ra kết luận cho người bệnh.

Quy trình đo độ loãng xương
Các bước trong quy trình đo loãng xương - Ảnh: BookingCare

Cách đọc kết quả đo độ loãng xương

Kết quả kiểm tra mật độ xương được báo cáo bằng hai số: T-score (điểm T) và Z-score (điểm Z). Cách đọc các chỉ số này như sau.  

Chỉ số T-score trong loãng xương

Điểm T - Con số này cho thấy số lượng xương so với một người trẻ tuổi cùng giới tính với khối lượng xương cao nhất.

  • T-score từ -1 SD trở lên: Xương bình thường
  • T-score dưới -2.5 SD đến -1 SD: Thiếu xương
  • T-score dưới -2.5 SD: Loãng xương

Chỉ số Z-score trong loãng xương

Điểm Z-score - Con số này phản ánh số lượng xương so với những người khác trong nhóm tuổi và có cùng kích thước cơ thể (tính bằng cm2) và giới tính. Nếu điểm này cao hoặc thấp bất thường có thể cần phải tiến hành thêm một số xét nghiệm kiểm tra khác.

  • Z-score trên -2.0: bình thường
  • Z-score = +0.5, -0.5 hay -1.5: phổ biến đối với phụ nữ tiền mãn kinh
  • Z-score ≤ -2,0: mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi

Với một trong hai điểm số, số âm có nghĩa là bạn có xương mỏng hơn mức trung bình. Con số càng âm, nguy cơ gãy xương của bạn càng cao.

Đo loãng xương ở đâu tốt Hà Nội?

Loãng xương là bệnh lý thuộc chuyên khoa Cơ xương khớp. Người bệnh do vậy nên ưu tiên thăm khám tại địa chỉ mạnh về thăm khám bệnh lý Cơ xương khớp. Trong đó lưu ý cân nhắc yếu tố về:

  • Có máy đo loãng xương thế hệ máy đời mới và tiên tiến, cho kết quả nhanh chóng, chính xác cao.
  • Bác sĩ Cơ xương khớp dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác thông qua những hình ảnh, kết quả xét nghiệm thu được.

Tiếp nữa, BookingCare lưu ý các lần đo DEXA tiếp theo nên được thực hiện tại cùng một cơ sở y tế và lý tưởng nhất là với cùng một máy. Các phép đo mật độ xương thu được với các thiết bị DEXA khác nhau không thể được so sánh với nhau.

1. Khoa Cơ Xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai

  • Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội

Khoa Cơ Xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai áp dụng những phương pháp đo loãng xương kỹ thuật cao thông qua các loại máy hiện đại, kỹ thuật viên có kinh nghiệm lâu năm. Kết quả đo loãng xương tại đây có thể đem đi khám tại nhiều bệnh viện khác mà không cần đo lại.

Nhược điểm khi đến đo loãng xương tại đây là bệnh viện khá đông. Đôi khi người đi khám cần phải đợi lâu để tới lượt của mình.

Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu ngành trong thăm khám bệnh lý Cơ xương khớp, trong đó có đo loãng xương - Ảnh: Người dùng chia sẻ

2. Trung tâm Cơ Xương khớp – Bệnh viện E

  • Địa chỉ: 89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội

Trung tâm Cơ Xương khớp của Bệnh viện E khám và điều trị, nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh Cơ xương khớp phổ biến cũng như hiếm gặp. Trung tâm được đầu tư mạnh về kỹ thuật, thiết bị giúp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình đi khám tại đây. 

Trung tâm là nơi làm việc của nhiều bác sĩ đầu ngành Cơ xương khớp tại Việt Nam, đã và đang công tác tại Bệnh viện E như GS Trần Ngọc Ân, TS.BS Mai Thị Minh Tâm, BS.CKII Nguyễn Thị Kim Loan...

Nếu đi khám tại Trung tâm thì người bệnh có thể phải đợi lâu. Còn nếu đi đo loãng xương có thể diễn ra nhanh hơn, ít phải đợi.

3. Bệnh viện Việt Đức

  • Địa chỉ: số 16 - 18, Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội 

Xương khớp là thế mạnh nổi bật của Bệnh viện Việt Đức khi mà tại đây có tới 4 chuyên khoa về xương khớp khác nhau (Khoa Chi dưới, Khoa chi trên và Y học thể thao, Khoa khám xương và điều trị ngoại trú, Khoa Chấn thương chung).

Bệnh viện Việt Đức thường xuyên đầu tư những trang thiết bị, cập nhật những kỹ thuật khám và điều trị tiên tiến trong nền y học thế giới về Xương khớp.

Đi khám ở một địa chỉ uy tín và chuyên về xương khớp như Bệnh viện Việt Đức sẽ giúp người bệnh yên tâm hơn khi đi khám, nếu cần điều trị thì sẽ được đội ngũ bác sĩ giỏi tư vấn cụ thể. 

Đi đo loãng xương tại Bệnh viện Việt Đức, người bệnh có thể phải chờ đợi lâu vì lượng bệnh nhân đến đây khám khá đông, phải đến từ rất sớm để lấy số.

4. Khoa Cơ Xương khớp - Bệnh viện Hồng Phát

  • Địa chỉ: 219 Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội 

Bệnh viện Hồng Phát là bệnh viện tư nhân được trang bị khá đầy đủ các thiết bị máy móc tương đương với các bệnh viện lớn. Hơn nữa, Bệnh viện Hồng Phát còn có Giáo sư Trần Ngọc Ân là giáo sư đầu ngành cơ xương khớp tại Việt Nam.

Tới đo loãng xương tại Bệnh viện Hồng Phát, người đi đo sẽ không dành quá nhiều thời gian chờ đợi như những bệnh viện lớn khác. Tuy nhiên, chi phí sẽ hơi cao.

5. Khoa Cơ Xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc

  • Địa chỉ: 286 Thụy Khuê, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội

Nhắc đến những bệnh viện tư nhân chất lượng, không thể không nói đến Bệnh viện Thu Cúc. Tại đây có đội ngũ nhân viên nhiệt tình hướng dẫn cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị nhiều các loại máy móc, thiết bị rất hiện đại, hỗ trợ cho việc khám và điều trị.

Về Khoa Cơ Xương khớp của Bệnh viện Thu Cúc, khoa là nơi làm việc của nhiều y bác sĩ từng công tác tại các bệnh viện lớn ở khu vực phía Bắc như: Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan - Nguyên Bác sĩ Khoa Cơ Xương khớp, Bệnh viện E.

Khách hàng thực hiện đo loãng xương tại Bệnh viện Thu Cúc
Khách hàng thực hiện đo loãng xương tại Bệnh viện Thu Cúc - Ảnh: Fanpage BV Thu Cúc

Giải đáp nhanh các câu hỏi thường gặp về đo loãng xương

1. Đo mật độ xương có hại không?

Kỹ thuật quét mật độ xương sử dụng liều bức xạ rất thấp nên an toàn với hầu hết mọi người, mọi độ tuổi. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong những tháng đầu thai kỳ hoặc nghi ngờ mang thai nên báo trước với bác sĩ, tránh việc thực hiện gây ảnh hưởng cho thai nhi. 

2. Ai nên đi đo loãng xương?

Bất cứ ai cũng có thể đo loãng xương hay đo mật độ xương để kiểm tra tình hình sức khỏe, nhất là sức khỏe xương khớp của mình như thế nào.  Tuy nhiên, một số đối tượng dưới đây được khuyến khích nên đi kiểm tra mật độ xương thường xuyên:

  • Phụ nữ từ 45 - 50 tuổi có nguy cơ loãng xương loại 1
  • Người có xương nhỏ
  • Người già, trên 65 tuổi cả nam và nữ
  • Phụ nữ sau mãn kinh 5 năm mà không dùng hoocmon thay thế
  • Những người có thói quen ăn ít thực phẩm chứa canxi hay vitamin D, ít tập luyện thể dục hay thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia
  • Những bệnh nhân từng phẫu thuật xương khớp
  • Bệnh nhân nghi ngờ bị lún xẹp đốt sống, giảm chiều cao…

3. Chi phí đo loãng xương bao nhiêu tiền?

Chi phí đo loãng xương tùy thuộc vào vị trí đo người bệnh được chỉ định thực hiện. Về nội dung này BookingCare đã có bài chia sẻ chi tiết về đo loãng xương bao nhiêu tiền, chi phí tại một số bệnh viện, phòng khám, người bệnh, người nhà có thể tìm hiểu chi tiết.

4. Nên kiểm tra đo loãng xương bao lâu một lần?

Đánh giá thường xuyên 2 năm/lần cần thiết để phát hiện thay đổi đáng kể về mật độ xương. Một số bệnh nhân dùng thuốc steroid liều cao có thể cần theo dõi sau 6 tháng.

Trên đây là một số thông tin, giải đáp của BookingCare về chủ đề đo loãng xương. Hy vọng đã giúp người nhà, người bệnh có nguồn tham khảo thông tin hữu ích để có thêm kiến thức, giải đáp được băn khoăn khi được bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM