Bệnh sỏi mật là một vấn đề sức khỏe nguy hiểm mà nhiều người thường xuyên bỏ qua. Sỏi mật có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chăm sóc kịp thời như viêm túi mật, viêm gan, viêm nhiễm huyết và thậm chí là ung thư gan.
Bệnh sỏi mật có nguy hiểm không?
Bệnh sỏi mật có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào vào kích thước và vị trí của sỏi mật. Nếu sỏi có kích thước nhỏ và không chứa canxi, người bệnh chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hoặc uống axit ursodeoxycholic để hòa tan sỏi. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ kéo dài tối đa 2 năm. Sỏi mật vẫn có thể tái phát nếu người bệnh ngừng điều trị.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, sỏi có kích thước lớn có thể ngăn chặn đường vận chuyển mật tự nhiên, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tránh biến chứng xảy ra.
Biến chứng của sỏi mật
Sỏi mật khi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau:
- Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật: Sỏi dẫn đến tắc đường mật và nhiễm trùng, gây tổn thương hệ thống đường mật. Dịch mật nhiễm trùng có thể thấm vào ổ phúc mạc gây nên tình trạng nhiễm trùng ổ bụng, trong trường hợp nặng có thể hoại tử đường mật gây viêm phúc mạc mật.
- Viêm tụy cấp do sỏi: Gồm viêm tụy cấp thể phù và thể hoại tử. Viêm tụy thể hoại tử dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí có thể gây tử vong. Bệnh nhân đau dữ dội, nôn nhiều và co cứng vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng trụy tim mạch trong trường hợp nặng.
- Chảy máu đường mật: Bệnh nhân có các triệu chứng của sỏi mật đồng thời nôn ra máu và ỉa phân đen, điển hình là nôn ra máu cục có hình thỏi bút chì. Soi dạ dày tá tràng thấy có máu trong tá tràng nguồn gốc từ đường mật.
- Viêm mủ đường mật và áp xe gan mật: Viêm đường mật phổ biến trong các bệnh lý đường mật, nguyên nhân chủ yếu là sỏi. Bệnh nhân đau nhiều ở vùng gan, tình trạng nhiễm trùng nặng nề: sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng suy kiệt do thiếu nước và nhiễm độc.
- Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Chiếm từ 16 - 24%, thường gặp ở người lớn tuổi. Sốc nhiễm trùng đường mật là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân, hay gặp ở các bệnh nhân có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời.
Người mắc sỏi mật có thể phải đối mặt với những biến chứng mạn tính của bệnh gan mật như sau:
- Xơ gan mật: Đây là tình trạng đường mật trong gan dần bị phá hủy, dẫn đến sự tích tụ các chất độc hại trong gan và đôi khi gây sẹo mô gan (xơ gan). Xơ gan mật có thể gây ra các biến chứng như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, và ung thư đường mật trong gan.
- Ung thư đường mật: Nguyên nhân của bệnh này có thể do viêm đường mật tái phát nhiều lần và kéo dài. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là sút cân và da vàng, có thể do khối u gây chèn ép đường mật.
Trên đây là những thông tin cơ bản về sự nguy hiểm của bệnh sỏi mật và các biến chứng có thể xảy ra. Để phòng tránh tình trạng này, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và điều chỉnh lối sống là rất quan trọng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến sỏi mật, hãy tìm kiếm sự tư vấn y tế từ các chuyên gia để được tư vấn và điều trị kịp thời.