Bệnh sốt rét: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa
Muỗi Anophen là vật trung gian truyền bệnh sốt rét
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - Ảnh: BookingCare

Bệnh sốt rét: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 09/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 09/01/2024
Bệnh sốt rét không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương nội tạng, tử vong,... Tìm hiểu các thông tin về bệnh truyền nhiễm này trong bài viết dưới đây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2022, thế giới ghi nhận 249 triệu ca sốt rét, trong đó 608.000 ca tử vong. Con số này ngày càng tăng và cao hơn mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tại Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 455 bệnh nhân sốt rét, 01 bệnh nhân tử vong.

Sốt rét là vấn đề đáng lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng. Tìm hiểu chi tiết về bệnh truyền nhiễm này trong bài viết dưới đây để có kiến thức trong phòng ngừa và chủ động thăm khám, điều trị sớm.

Nguyên nhân gây bệnh sốt rét

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan khi người bệnh bị muỗi Anophen nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium đốt. Khi đốt, muỗi truyền ký sinh trùng sốt rét vào máu của người bệnh.

Sốt rét là do ký sinh trùng gây ra, không phải do virus hay vi khuẩn. Có 5 loại ký sinh trùng sốt rét có thể lây nhiễm sang người là:

  • Plasmodium falciparum
  • Plasmodium malariae
  • Plasmodium ovale
  • Plasmodium vivax
  • Plasmodium knowlesi

Trong đó, nguy hiểm hơn cả là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax.

Nhận biết các triệu chứng bệnh sốt rét

Các triệu chứng sốt rét thường xuất hiện từ 10 ngày đến 1 tháng sau khi nhiễm bệnh. Tùy thuộc vào loại ký sinh trùng, các triệu chứng có thể nặng, nhẹ khác nhau

Các triệu chứng của bệnh sốt rét nói chung không đặc hiệu và thường bao gồm:

  • Sốt (có thể theo chu kỳ), rét run, ớn lạnh, vã mồ hôi
  • Nhức đầu, khó chịu
  • Đau cơ
  • Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy)

Khi sốt rét trở nặng có thể gây thiếu máu và vàng da. Biến chứng sốt rét nghiêm trọng nhất có thể tiến triển đến hôn mê được gọi là sốt rét thể não. Sốt rét ác tính thể não chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, chiếm khoảng 15% số ca tử vong ở trẻ em và gần 20% số ca tử vong ở người lớn.

Chẩn đoán bệnh sốt rét như thế nào?

Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, đặc biệt là tình trạng sốt kéo dài, người bệnh cần sớm thăm khám để bác sĩ xác định nguyên nhân, chẩn đoán chính xác tình trạng gặp phải.

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng cũng như lịch sử du lịch của người bệnh có đến các vùng sốt rét lưu hành hay không,...?

Người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm soi lam máu để xác định có ký sinh trùng sốt rét hay không cũng như xác định loại ký sinh trùng gây ra các triệu chứng đang gặp phải.

Cách điều trị bệnh sốt rét

Mục tiêu chính của điều trị là cắt cơn sốt rét bằng cách loại bỏ ký sinh trùng Plasmodium ra khỏi máu của bệnh nhân. Điều này cũng ngăn trường hợp sốt rét thông thường (sốt rét chưa có biến chứng) tiến triển thành bệnh nặng hoặc tử vong. Ngoài ra, điều trị hiệu quả giúp giảm sự lây truyền bệnh sang người khác.

Sau khi được chẩn đoán sốt rét, phải bắt đầu điều trị bằng thuốc sốt rét thích hợp ngay lập tức. Điều trị kịp thời - trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu sốt - đúng thuốc và đủ liều là cần thiết để chữa khỏi bệnh và ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng.

Tham khảo một số loại thuốc chống sốt rét:

  • Thuốc Artemisinin: Liệu pháp dựa trên Artemisinin (ví dụ, Artemether - lumefantrine, Artesunate và hợp chất Artemisinin khác) là liệu pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh sốt rét Plasmodium falciparum.
  • Atovaquone 
  • Chloroquine
  • Doxycycline 
  • Mefloquine
  • Quinin
  • Primaquine

Bên cạnh đó, nên lưu ý trong chăm sóc người bệnh sốt rét hỗ trợ cho việc điều trị, phục hồi: uống đủ nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tăng lượng đạm,...

Phòng ngừa bệnh sốt rét

Các ca bệnh sốt rét hiện có xu hướng gia tăng ở một số quốc gia trên thế giới, một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh sốt rét gia tăng là do biến đổi khí hậu.

Những thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa có thể ảnh hưởng đến hành vi và khả năng sống sót của muỗi Anophen mang mầm bệnh sốt rét. Hơn nữa, nhiệt độ trái đất nóng hơn cũng sẽ thúc đẩy sự lây lan của những căn bệnh truyền nhiễm như sốt rét. 

Để tránh mắc sốt rét điều đầu tiên là cần phòng ngừa để tránh bị muỗi đốt bằng cách thực hiện một số lưu ý dưới đây:

  • Ngủ màn, ngay cả ban ngày.
  • Mặc áo sơ mi và quần dài tay bảo vệ, đặc biệt ở thời điểm giữa lúc trời sáng và trời tối, khi muỗi Anophen đang hoạt động.
  • Bôi thuốc chống muỗi lên vùng da hở.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh để loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi như khơi thông cống rãnh, vùng nước đọng, phát quang bụi rậm,... Nước đọng còn sót lại tạo ra nơi sinh sản lý tưởng cho muỗi trong nhiều tháng.
  • Nếu bạn dự định sống tạm thời hoặc đi du lịch đến khu vực thường gặp bệnh sốt rét, có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét.

Đối với bệnh nhân mắc sốt rét việc chẩn đoán chính xác và kịp thời vô cùng quan trọng vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, đe doạ tính mạng người bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết