Bệnh tiểu đường tuýp 2 có di truyền không?

Tác giả: - Xuất bản: 05/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bệnh tiểu đường có di truyền không?
Bệnh tiểu đường có di truyền không? - Ảnh: BookingCare
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc một người có khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Di truyền là một trong số đó. Cùng BookingCare tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có di truyền hay không là nỗi lo lắng của nhiều người. Theo nghiên cứu, bệnh tiểu đường tuýp 2 có khả năng di truyền nhưng không phải ai có tiền sử gia đình bị bệnh này cũng có khả năng mắc bệnh. 

Bệnh tiểu đường và sự di truyền có mối liên quan như thế nào?

Nếu một người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, rất có khả năng đó không phải là người đầu tiên trong gia đình mắc bệnh này. Theo số liệu công bố của Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ, nguy cơ trẻ mắc tiểu đường do di truyền là:

  • 1/7 nếu bố hoặc mẹ phát hiện mắc bệnh tiểu đường trước 50 tuổi.
  • 1/2 nếu cả hai cha mẹ cùng mắc bệnh tiểu đường
  • 1/13 nếu cha hoặc mẹ phát hiện mắc bệnh tiểu đường sau 50 tuổi.

Một số đột biến gen có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Những gen đột biến này kết hợp với môi trường bên ngoài làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy, bệnh tiểu đường xuất hiện có thể là do sự kết hợp giữa 2 yếu tố là gen di truyền và do môi trường bên ngoài. 

Các nhà khoa học đã liên kết một số đột biến gen với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Không phải ai mang gen đột biến cũng mắc bệnh tiểu đường nhưng nhiều người mắc bệnh tiểu đường cũng mang 1 hoặc nhiều gen đột biến này. 

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, yếu tố di truyền không những chỉ về gen sinh học mà đó còn là di truyền về lối sống và thói quen ăn uống. Ví dụ, cha mẹ có thói quen ăn uống cân bằng và giàu chất dinh dưỡng thì sẽ tạo thành thói quen truyền lại cho thế hệ  sau, và ngược lại. Những thói quen không tốt có thể được học tập và các thế hệ sau cũng sẽ bị ảnh hưởng khi sống theo lối sống không lành mạnh. 

Do đó, nếu cha mẹ mắc bệnh tiểu đường do lối sống không tốt thì rất có khả năng thế hệ sau cũng bị mắc bệnh này nếu không thay đổi lối sống. 

Một số gen di truyền liên quan đến tiểu đường tuýp 2

Nhiều đột biến gen được chứng minh là có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nhìn chung, đột biến ở bất kì gen nào liên quan đến việc kiểm soát lượng glucose trong máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số gen ví dụ như:

  • TCF7L2, ảnh hưởng đến bài tiết insulin và glucose
  • ABCC8, giúp điều chỉnh insulin
  • CAPN10, có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở người Mỹ gốc Mexico
  • GLUT2, giúp di chuyển glucose vào tế bào
  • GCGR - một hormone glucagon liên quan đến điều hòa glucose

Biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường

Sự tương tác giữa di truyền và yếu tố môi trường gây khó khăn trong việc xác định chính xác nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không thể giảm thiểu nguy co thông qua việc sửa đổi thói quen của mình.

Kết quả của một cuộc nghiên cứu lâm sàng lớn trên các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường năm 2020 cho thấy rằng: Giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất có thể ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh tiểu đường tuýp 2  hiệu quả. 

Dưới đây là một vài lời khuyên bạn có thể thực hiện nhằm nâng cao sức khỏe cũng như đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh
  • Theo dõi lượng đường huyết, đi khám ngay nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường
  • Không sử dụng các chất kích thích: thuốc lá, bia rượu,...
  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải

Bạn không thể chắc chắn được rằng liệu mình có thể bị bệnh tiểu đường hay không. Tuy nhiên, có thể hạn chế được tỉ lệ di truyền giữa các thế hệ và phòng ngừa bệnh tiến triển bằng cách xây dựng một lối sống, chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý.