Bệnh tiểu đường và biến chứng nhiễm trùng

Tác giả: - Xuất bản: 29/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Biến chứng nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường
Biến chứng nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường - Ảnh: BookingCare
Nhiễm trùng là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh cũng như sức đề kháng của cơ thể

Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc tiểu đường. Biến chứng nhiễm trùng là tình trạng mà người mắc bệnh tiểu đường bị nhiễm các loại vi sinh vật có hại, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn từ nhẹ tới nặng, thường có tình chất dai dẳng và tái phát

Nhiễm trùng tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, bạn nên tìm hiểu thêm nhiều kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Tại sao người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng?

Lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của hệ thống miễn dịch. Người mắc tiểu đường trong một thời gian dài có thể bị tổn thương thần kinh ngoại vi và giảm lưu lượng máu đến các chi, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Lượng đường cao trong máu và các mô cho phép vi khuẩn phát triển và cho phép nhiễm trùng phát triển nhanh hơn.

Các biến chứng làm ảnh hưởng tới thần kinh cảm giác khiến cho bệnh nhân giảm nhận biết cảm giác đau, các tổn thương chậm được xử lý nên khả năng nhiễm khuẩn càng cao. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường thường bị tổn thương mạch máu ngoại biên, giảm lưu lượng máu đến các chi nên làm giảm dinh dưỡng mô, cung cấp oxy và khả năng gắn kết phản ứng miễn dịch hiệu quả. Từ đó việc chống lại vi khuẩn gây bệnh khó khăn hơn.

Các biến chứng nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Nhiễm trùng tai, mũi và họng: Nhiễm nấm ở mũi và họng hầu như chỉ gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Các triệu chứng bao gồm đau tai dữ dội và chảy mủ tai.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Bệnh tiểu đường không được kiểm soát là một trong những nguyên nhân chính gây ra UTI. Loại nhiễm trùng này thường do các vi trùng như Escherichia coli , Klebsiella , Enterococcus Candida gây ra . Nhiễm trùng thận và viêm bàng quang cũng rất phổ biến.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm:  Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm trùng và vết thương ở chân (còn gọi là bàn chân đái tháo đường). Chấn thương lặp đi lặp lại và sử dụng giày dép kém chất lượng có thể dẫn đến những bệnh nhiễm trùng này. Tình trạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, nó có thể dẫn đến việc phải cắt cụt chi.

Ngăn ngừa nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường

Trước khi tình trạng bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, người bệnh tiểu đường cần có nhận thức để phòng tránh những rủi ro không mong muốn. Dưới đây là một vài lời khuyên giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tập thể dục thường xuyên, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và tuân theo lời khuyên, chỉ định của bác sĩ
  • Đi khám định kỳ
  • Mang giày dép tốt, mềm, có độ che phủ, bảo vệ được chân. Mang vớ sạch hàng ngày. Những người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra bàn chân hàng ngày. 
  • Thường xuyên cử động cẳng chân, bàn chân hay nhón gót tại chỗ giúp tăng co bóp các cơ vùng cẳng chân làm cho máu lưu thông tốt hơn.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh; sau khi hắt hơi, xì mũi hoặc ho; trước khi ăn; khi thăm người ốm đau; hoặc bất cứ khi nào tay bạn bị bẩn. 

Người bệnh tiểu đường nên chú ý tới những thay đổi bất thường trên cơ thể bởi đó đều có thể là dấu hiệu của việc nhiễm trùng. Nếu bạn còn đang lo lắng về tình trạng sức khỏe hiện tại, hãy đến gặp trực tiếp các bác sĩ để được tư vấn và điều trị chính xác nhất.