Bệnh trầm cảm người già khám ở đâu tốt Hà Nội?

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 14/07/2017 - Cập nhật lần cuối: 08/09/2023

Trầm cảm là căn bệnh gặp ở nhiều lứa tuổi. Tỉ lệ mắc ở người cao tuổi khá cao khoảng 25-30% bởi theo quy luật tự nhiên có những thoái hóa về sinh lí và bệnh lí.

Nhiều người già bị trầm cảm mà không biết hoặc không được điều trị
Nhiều người già bị trầm cảm mà không biết hoặc không được điều trị (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Trầm cảm ở người già

Trầm cảm là căn bệnh gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên tỉ lệ mắc ở người cao tuổi khá cao khoảng 25 - 30% bởi theo quy luật tự nhiên có những thoái hóa về sinh lí và bệnh lí.

Bên cạnh đó những thay đổi trong cuộc sống, tác động về mặt tâm lí như về hưu, gia đình li tán, con cái hư hỏng... sẽ làm ảnh hưởng tới cuộc sống tinh thần, gây mất nhận thức về không gian và thời gian, rối loạn về trí nhớ và nhận thức, sẽ dẫn đến cảm thấy buồn chán, căng thẳng, trống trải...

Nếu không chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm vì 60% vụ tự sát là do nguyên nhân trầm cảm mà ra.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi

Cảm xúc

  • Thường ngồi trầm tư suy nghĩ, cảm xúc dễ mủi lòng khóc lóc than vãn…nhưng đôi khi giận dữ bùng nổ nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng ủ rũ nhanh chóng.
  • Cảm xúc lo âu thường đi kèm biểu hiện đòi hỏi cầu cứu kể lể than vãn có khi lên cơn hoảng sợ, cơn khó thở, tim đập nhanh, tăng huyết áp, muốn có người thân túc trực bên cạnh…

Tư duy

  • Suy nghĩ chậm chạp, nội dung đơn điệu hay nghiền ngẫm các chuyện không vui trong quá khứ, trong hiện tại.
  • Có những ý nghĩ bi quan như sợ chết, sợ bệnh nặng, cảm thấy giảm giá trị của bản thân, tự cho mình là gánh nặng cho con cháu, sợ đói, sợ khổ, có ý tưởng chết chóc tự sát, có khi nghi ngờ kết quả khám bệnh đòi đi khám lại nhiều lần…

Hành vi

  • Hoạt động chậm chạp, nhanh mệt mỏi, chân đi lệt sệt, lưng còng xuống, không quan tâm đến các thích thú hàng ngày như xem tivi sách báo.
  • Nằm nhiều, ăn ít, ăn không ngon, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, săn sóc cơ thể, ăn mặc lôi thôi, ngại tắm rửa, sợ lạnh, có khi có biểu hiện trơ ì mặc kệ.
  • Cơ thể gầy sút nhanh do chán ăn dinh dưỡng kém. Các rối loạn giấc ngủ thường xảy ra, luôn có ám ảnh về cái chết.
  • Một số người hay kêu đau đầu mỏi lưng, đau ngực đau khớp, rát lưỡi, táo bón dai dẳng, hay có các biểu hiện ậm ạch khó tiêu.
  • Một số bệnh nhân có biểu hiện hay quên, nhầm lẫn các đồ vật, các biểu hiện này thường xảy ra đột ngột giống như mất trí rất dễ chẩn đoán nhầm.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở người già

  • Những sự kiện làm đảo lộn cuộc sống: về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán, chết chóc,...
  • Yếu tố sinh lý, sinh hoá: Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng sinh hoá các chất trong cơ thể khi người ta già đi, quá trình này diễn ra trong não người có tuổi.
  • Thuốc men và rượu: thuốc dùng để chữa các bệnh cơ thể của người có tuổi có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Một số thuốc gây ra tác dụng phụ trầm cảm như thuốc chữa cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc ngủ,....
    Uống rượu và uống thuốc khác cũng gây ra tương tác bất lợi. Tương tác này xảy ra và làm cho trầm cảm trầm trọng hơn.
  • Các loại bệnh tật cơ thể đồng hành cùng với trầm cảm: Khi người già bị các bệnh như tai biến mạch máu mão, tuyến giáp, đái đường, cao huyết áp, trĩ... Khi các bệnh này trở thành nỗi ám ảnh của người có tuổi rất hay xảy ra các biểu hiện của bệnh trầm cảm như lo lắng bi quan, nghi ngờ, cáu kỉnh, xuất hiện tình trạng luẩn quẩn làm cho các bệnh thực thể nặng thêm và ngược lại.
  • Yếu tố di truyền: ở một số người, trầm cảm có thể là một bệnh di truyền. Khi có người thân bị trầm cảm thì người đó cũng dễ mắc trầm cảm.

Phương pháp điều trị bệnh

Sử dụng thuốc

  • Thuốc chống trầm cảm điều chỉnh trạng thái mất cân bằng sinh hoá trong não vì tình trạng này có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm.
  • Có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và thích hợp với từng người cụ thể.
  • Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở người cao tuổi cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và đủ thời gian vì điều này sẽ làm cho bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát. Chỉ ngừng thuốc khi nào có ý kiến của bác sỹ.

Tâm lý trị liệu

Tuỳ theo tình trạng bệnh mà bác sỹ đưa ra các liệu pháp thích hợp, có khi đơn giản chỉ là một buổi trò chuyện cùng bác sỹ cũng đã giúp ích cho người bị bệnh rất nhiều.

Một số địa chỉ uy tín: khoa Tâm thần bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Viện sức khỏe Tâm thần bệnh viện Bạch Mai,…

Thư giãn, luyện tập

  • Giải quyết các vấn đến tâm lí, xung đột, tránh tạo cảm giác cô đơn.
  • Chế độ ăn uống hợp lí, đủ chất, tạo tâm lí thoải mái trong khi ăn.
  • Tham gia hoạt động cộng đồng địa phương tập thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kì.
  • Một số phương pháp để cải thiện triệu chứng trầm cảm có thể kể đến như châm cứu, yoga, thiền hay massage trị liệu.

Bệnh trầm cảm người già khám ở đâu tốt Hà Nội

Sau đây là danh sách một số bệnh viện chuyên khoa Tâm thần, khám và điều trị bệnh trầm cảm ở người già. Bệnh nhân và gia đình khi cần đi khám có thể tham khảo, lựa chọn.

1. Phòng Điều trị Tâm thần người già – Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia

  • Địa chỉ:Tầng 1, nhà T6, Viện Sức khỏe Tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Số 78, Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Thời gian khám: 
    • Thứ 2 - Thứ 6: 6h50 - 16h00
    • Thứ 7 - Chủ Nhật: 7h30 - 16h00

Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương là địa chỉ uy tín đầu ngành trong khám, điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần. Hiểu được nhu cầu và thực tế về sức khỏe tinh thần của người già, Viện đã thành lập riêng Phòng điều trị tâm thần người già để chuyên sâu khám chữa, nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe tinh thần gặp phải ở người cao tuổi.

Phòng điều trị tâm thần người già có chức năng khám, tư vấn và điều trị nội trú cho người bệnh 60 tuổi trở lên mắc các rối loạn tâm thần tuổi già như trầm cảm, loạn thần, sa sút trí tuệ... Tại đây có đầy đủ hệ thống trang thiết bị chụp chiếu, xét nghiệm, thiết bị hỗ trợ khám và điều trị cho người già gặp các dấu hiệu trầm cảm.

Một số bác sĩ giỏi đã và đang công tác tại bệnh viện:

  • Ts.Bs. Trần Thị Hà An, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Nguyên Phó trưởng Phòng Điều trị Tâm thần Nhi và Người già
  • PGs.Ts. Trần Hữu Bình, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần

Kinh nghiệm đi khám

Người bệnh đến thăm khám trầm cảm có thể đến đăng kí tại:

  • Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
  • Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai
  • Khoa Khám theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai nói chung rất đông bệnh nhân đến thăm khám. Nếu người cao tuổi lựa chọn đến khám tại đây, bệnh nhân nên lựa chọn đến vào ngày gần cuối tuần sẽ đỡ đông hơn một chút. Ngoài ra, đăng kí khám trực tiếp tại Viện Sức khỏe tâm thần cũng sẽ đỡ đông đúc hơn.

2. Khoa Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Lão khoa Trung ương

  • Vị trí: Tầng 3 khu nhà 6 tầng (Nhà B),Bệnh viện Lão khoa Trung Ương
  • Thời gian khám: Thứ 2 - thứ 6: 7h30 - 16h30; Thứ 7: 7h30 - 11h30

Bệnh viện Lão khoa Trung ương là bệnh viện chuyên sâu khám và điều chị, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Khoa Sức khỏe tâm thần của bệnh viện đảm nhiệm công tác điều trị nội trú, khám chữa bệnh nhân ngoại trú các bệnh lý tâm thần. Các bệnh lý chính điều trị tại Khoa bao gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Hội chứng ngừng thở do tắc nghẽn khi ngủ
  • Hội chứng lo âu
  • Trầm cảm, bao gồm trầm cảm người già
  • Loạn thần người già
  • Loạn thần do rượu
  • Viêm đa rễ dây thần kinh
  • Viêm thị thần kinh
  • Đau dây V…

Một số bác sĩ giỏi đang thăm khám trầm cảm người già tại Viện:

Kinh nghiệm đi khám

Nhìn chung bệnh viện không quá đông bệnh nhân và có quy trình khám chuyên nghiệp, nên thông thường người bệnh không phải chờ đợi quá lâu khi đi khám. Người bệnh có thể lựa chọn đăng kí khám tại:

  • Khoa khám bệnh, tầng 1 bệnh viện
  • Khoa Khám theo yêu cầu, tầng 2 bệnh viện
  • Đăng kí khám trước qua BookingCare để khám với bác sĩ tại Khoa khám theo yêu cầu.

3. Phòng khám Hello Doctor

  • Địa chỉ: 
    • Số 5 Ngách 4 Ngõ 95, Hoàng Cầu, Đống Đa.
    • Lô 3, ngõ 131, đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai
  • Thời gian khám: Từ thứ 2 đến Chủ nhật: 9h00 - 18h30

Là một phòng khám đa chuyên khoa, tuy nhiên Hello Doctor vẫn được người thăm khám biết đến nhiều nhất với chuyên khoa Tâm lý - Tâm thần. 

Các bác sĩ tại phòng khám Hello Doctor có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm để thăm khám bệnh trầm cảm ở người già với các biểu hiện như:

  • Rối loạn tâm thần người già: trầm cảm, loạn thần, mất ngủ, stress…
  • Rối loạn cảm xúc hành vi ở người già: Tính tình dễ thay đổi, có khi trầm buồn, ít nói, ít giao tiếp, có khi trở nên cáu gắt - khó chịu, đánh người khác; Mất ngủ, ăn kém

Một số bác sĩ giỏi về lĩnh vực trầm cảm tại phòng khám mà bạn đọc có thể tham khảo là:

Kinh nghiệm đi khám

Phòng khám Hello Doctor có cả dịch vụ khám trực tiếp và khám online, phục vụ nhu cầu thăm khám của cả những bệnh nhân không phải ở Hà Nội với khung giờ đa dạng, linh hoạt.

Bạn đọc có thể tham khảo lịch khám tâm lý, tâm thần online của Hello Doctor qua website BookingCare.

4. Phòng khám Số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

  • Địa chỉ: Số 1 - Tôn Thất Tùng - Đống Đa - Hà Nội
  • Thời gian khám: Thứ 2 - thứ 6: 6h30 - 17h30; Thứ 7: 6h30 - 11h30

Phòng khám Số 1 là Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, do các chuyên gia giỏi của Bệnh viện Đai học Y Hà Nội và các bác sĩ công tác tại các Bệnh viện hàng đầu tại Hà Nội trực tiếp thăm khám và điều trị. 

Các bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh đã và đang công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia có lịch khám. Đây là địa chỉ khám uy tín hàng đầu về các bệnh chuyên khoa Nội nói chung và bệnh tâm thần, trầm cảm nói riêng. Người bệnh khi cần đi khám có thể tham khảo, đặt lịch trước.

Một số bác sĩ giỏi khám chữa trầm cảm người già tại phòng khám:

  • PGs.Ts. Nguyễn Kim Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần
  • PGs.Ts. Trần Hữu Bình, Nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần

Kinh nghiệm đi khám

Người bệnh đi khám tại phòng khám số 1 có thể đăng kí tại:

  • Quầy tiếp đón, nhà A5, Phòng khám số 1 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
  • Đăng kí khám trước qua tổng đài của bệnh viện

Đặc biệt, hàng tuần sẽ có lịch khám của từng bác sĩ tại phòng khám đăng trên trang web của bệnh viện. Người bệnh có thể kiểm tra lịch để đăng kí trước với bác sĩ mong muốn.

Trên đây là các địa chỉ khám chữa bệnh trầm cảm người già tốt tại Hà Nội. Mong rằng bạn đọc sẽ lựa chọn được địa chỉ phù hợp để thăm khám.

 
 
Tài liệu tham khảo
1. http://suckhoedoisong.vn/tram-cam-o-nguoi-cao-tuoi-n46940.html
2.http://www.maihuong.gov.vn/vi/suc-khoe-tam-than-nguoi-gia/68-tram-cam-mot-benh-pho-bien-o-nguoi-cao-tuoi-.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/