Bệnh viêm mao mạch dị ứng có khỏi được không? Các phương pháp điều trị
Bệnh viêm mao mạch dị ứng có khỏi được không? Các phương pháp điều trị
Tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm mao mạch dị ứng
Các phương pháp điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng - Ảnh:BookingCare

Bệnh viêm mao mạch dị ứng có khỏi được không? Các phương pháp điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 22/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 06/04/2024
Viêm mao mạch dị ứng (HSP) hay còn gọi là viêm mạch IgA là nguyên nhân thường gặp nhất trong các bệnh viêm mạch hệ thống ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh còn chưa rõ ràng vì vậy việc điều trị bệnh còn phụ thuộc vào triệu chứng và tùy nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh viêm mao mạch dị ứng được chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, thông qua các dấu hiệu trên các cơ quan da, khớp, thận, tiêu hóa và hình ảnh giải phẫu bệnh trên sinh thiết da hoặc sinh thiết thận. Các biểu hiện ban đầu của bệnh có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác vì vậy việc thăm khám và điều trị sớm là hết sức cần thiết.

Cùng BookingCare tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh Viêm mao mạch dị ứng qua bài viết dưới đây.

Điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng

Viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý tự miễn và chưa tìm được nguyên nhân cụ thể nên hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị hiện nay chủ yếu là chống viêm, điều trị triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Các biện pháp điều trị bảo tồn được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân. Các bệnh nhân chỉ có ban xuất huyết đơn thuần có thể dùng các phương pháp như nghỉ ngơi tại giường trong đợt cấp, vitamin C liều cao (1 - 2 gam/ngày uống hoặc tiêm tĩnh mạch), bù dịch.

Điều trị thuốc chống viêm

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) được chỉ định trong các trường hợp chỉ có ban và đau khớp đơn thuần trong vòng 5 đến 7 ngày hoặc khi triệu chứng đã ổn định. Hạn chế sử dụng khi bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa hoặc suy thận, suy gan nặng.
  • Glucocorticoid được chỉ định trong các trường hợp có đau bụng, tổn thương thận, đau khớp và ban xuất huyết không đáp ứng với các thuốc chống viêm không steroid đơn thuần. Hoặc trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng và hiếm gặp như tổn thương thần kinh, tổn thương phổi..cũng được chỉ định sử dụng corticoid

Nên dùng Glucocorticoid sớm ở những bệnh nhân chưa có tổn thương thận và không nên dùng kéo dài quá 1 tháng.

  • Các thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định dùng phối hợp với thuốc corticoid khi bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với corticoid đơn thuần, đặc biệt là hội chứng thận hư và viêm cầu thận

Điều trị triệu chứng

  • Sử dụng kháng sinh nếu bệnh nhân có căn nguyên nhiễm trùng
  • Nếu bệnh nhân có suy thận thì nên được dùng thuốc lợi tiểu, chế độ ăn nhạt và hạn chế đưa dịch vào cơ thế
  • Sử dụng thuốc giảm đau, an thần ở bệnh nhân đau bụng
  • Khi bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa có thể  sử dụng các thuốc ức chế tiết dịch vị (omeprazole, cimetidine, ranitidine...), thuốc cầm máu (transamin...) và bọc niêm mạc dạ dày. Đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng glucocorticoid và các thuốc chống viêm không steroid vì có thể gây tổn thương dạ dày
  • Bệnh nhân có đau khớp thì dùng các thuốc chống viêm giảm đau toàn thân hoặc tại chỗ.

Điều trị biến chứng

Người bệnh cần lưu ý phát hiện sớm các triệu chứng gây ra bởi biến chứng thận và tiêu hóa. Biến chứng viêm thận hay xuất hiện trong 4 tuần đầu và phải dựa vào xét nghiệm để chẩn đoán. Một số trường hợp bệnh nhân cần sinh thiết thận để chẩn đoán sớm mức độ tổn thương giúp điều trị kịp thời tránh hậu quả suy thận mạn

Khi nào trẻ cần nhập viện?

Không phải tất cả các trường hợp trẻ bị viêm mao mạch dị ứng đều cần nhập viện để điều trị. Bệnh tự giới hạn trong phần lớn các trường hợp. Nếu trẻ không có tổn thương thận và tiêu hóa đi kèm, chỉ viêm mao mạch dị ứng đơn thuần thì có thể điều trị tại nhà. Cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau

  • Đau bụng
  • Đái ra máu
  • Xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng
  • Sưng đau nhiều khớp
  • Phát ban trên da

Trẻ cần nhập viện khi có triệu chứng đau bụng trong bệnh viêm mao mạch dị ứng - Ảnh:Freepik

Ít nhất trong vòng 4 tuần đầu trẻ cần được tái khám với bác sĩ điều trị nhằm phát hiện sớm các biến chứng của viêm thận.

Nếu người bệnh không có tổn thương thận thì nên theo dõi 3 tháng một lần trong vòng 6 tháng. Nếu có tổn thương thận thì nên theo dõi 1 tháng 1 lần cho đến khi các xét nghiệm về nước tiểu cũng như chức năng thận được ổn định.

Nhìn chung người bệnh viêm mao mạch dị ứng có thể kiểm soát tốt nếu tuân theo đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào về bệnh viêm mao mạch dị ứng, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra cần tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể gây khởi phát bệnh như nhiễm trùng, tiêm phòng, côn trùng cắn, dị ứng thực phẩm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare