Nguyên nhân nào gây viêm mao mạch dị ứng?
Nguyên nhân nào gây viêm mao mạch dị ứng?
Tìm hiểu nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng
Người bệnh thường khởi phát viêm mao mạch dị ứng sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên - Ảnh:BookingCare

Nguyên nhân nào gây viêm mao mạch dị ứng?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 22/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 06/04/2024
Viêm mao mạch dị ứng hay còn gọi là bệnh xuất huyết ban Henoch-Schonlein là một rối loạn cấp tính qua trung gian IgA. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường hay gặp nhất ở trẻ từ 4-6 tuổi. Bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và tỷ lệ mắc bệnh giảm dần theo độ tuổi tăng lên. Chính vì vậy nguyên nhân gây bệnh viêm mao mạch dị ứng là một vấn đề rất được các bậc phụ huynh quan tâm.

Viêm mao mạch dị ứng thường biểu hiện rầm rộ với các triệu chứng đa dạng như ban xuất huyết trên da, tổn thương khớp, tổn thương tiêu hoá và các biểu hiện tổn thương thận. Nguyên nhân của viêm mao mạch dị ứng chưa được xác định rõ vì vậy người bệnh cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ có thể gây khởi phát bệnh.

Cùng BookingCare tìm hiểu nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm mao mạch dị ứng qua bài viết dưới đây.

Đối tượng nào dễ mắc viêm mao mạch dị ứng?

  • Bệnh viêm mao mạch dị ứng ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em, bệnh có thể gặp ở người lớn nhưng ít gặp hơn. Tỷ lệ mắc ước tính ở trẻ em cao hơn từ 2 đến 33 lần so với người lớn. Có thể là do trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa ổn định dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn người lớn
  • Ở trẻ em, bệnh thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ với tỉ lệ nam: nữ là từ 1,2:1 đến 1,8:1
  • Bệnh cũng thường gặp ở người có cơ địa dị ứng
  • Bệnh ít xảy ra ở chủng tộc người da đen so với người da trắng và Châu Á
  • Người có gen HLA B35, DR4 hoặc người khuyết gen C4 có tần suất mắc bệnh cao

Nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng

Viêm mao mạch dị ứng là bệnh viêm mạch máu qua trung gian miễn dịch vì vậy chưa xác định được rõ nguyên nhân của bệnh. Bệnh được cho là liên quan đến các yếu tố miễn dịch, môi trường và yếu tố gen. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh xảy ra cao nhất vào mùa đông và thấp nhất về mùa hè. Các yếu tố như nhiễm trùng, tiêm phòng, côn trùng cắn có thể là yếu tố khởi phát của bệnh.

  • Khoảng 70% bệnh nhân có nhiễm trùng xảy ra trước sự phát triển của bệnh bao gồm:

Virus như EBV, viêm gan C, Parvovirus, Adenovirus, Thủy đậu, Rotavirus

Vi khuẩn Liên cầu khuẩn nhóm A (phổ biến nhất), Mycoplasma, Helicobacter pylori, Shigella, Salmonella, Streptococci...

  • Sau tiêm các loại vắc xin bao gồm: sởi, quai bị, rubella (MMR), viêm gan B, cúm, sốt vàng, bệnh tả, thương hàn và phó thương hàn A và B. Vắc xin có thể hoạt động như một tác nhân kích hoạt miễn dịch bằng cách bắt chước phản ứng miễn dịch đặc hiệu của mầm bệnh và tạo ra kháng thể lâu dài, thúc đẩy sự phát triển của bệnh viêm mao mạch dị ứng
  • Sau côn trùng cắn, nhiệt độ lạnh, huyết thanh ngựa, dị ứng thực phẩm
  • Sau sử dụng các thuốc ví dụ adalimumab, ampicillin, cytarabine, erythromycin, infliximab, losartan, penicillin, quinidine, quinine, rosuvastatin, tofacitinib,... Các loại thuốc có thể tạo ra viêm mao mạch dị ứng thông qua kích thích sản xuất kháng thể, tác dụng độc hại trực tiếp lên thành mạch máu hoặc kích hoạt bạch cầu ái toan.

Tiêm một số vắc xin có thể kích hoạt bệnh viêm mao mạch hệ thống - Ảnh:Canva

Viêm mao mạch dị ứng là một bệnh mạch máu đa yếu tố và các đặc điểm dịch tễ học nêu bật sự ảnh hưởng của các yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh HSP có thể tự giới hạn, tuy nhiên nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare