Viêm ruột là bệnh mãn tính, vì vậy mục tiêu điều trị là giảm tình trạng viêm, giảm triệu chứng các đợt bùng phát và hạn chế nguy cơ mắc phải các biến chứng sau này. Điều trị viêm ruột thường bao gồm điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật và kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Điều trị bệnh viêm ruột ở trẻ em
1. Điều trị bằng thuốc
Tuỳ theo tình trạng viêm ruột thực tế của trẻ mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc như:
Thuốc kháng viêm
Thuốc kháng viêm thường là bước đầu tiên trong điều trị viêm loét đại tràng, đối với mức độ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, có thể cần điều trị bằng corticosteroid trong khoảng thời gian ngắn để giúp giảm triệu chứng bệnh. Ngoài tác dụng kháng viêm, steroid còn có tác dụng ức chế miễn dịch.
Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
Loại thuốc này giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch giải phóng các hóa chất trung gian gây viêm. Những chất này một khi được giải phóng, sẽ ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc đường tiêu hóa.
Liệu pháp sinh học
Là liệu pháp trị liệu hướng tới việc trung hòa các protein gây viêm trong cơ thể. Thuốc được chủ yếu sử dụng qua đường tĩnh mạch.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc khác hoặc khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng - ví dụ như trong trường hợp bệnh Crohn quanh hậu môn.
Các loại thuốc và chất bổ sung khác
Ngoài việc kiểm soát tình trạng viêm, một số loại thuốc có thể được bổ sung thêm để hỗ trợ giảm triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại như:
- Thuốc giảm tiêu chảy
- Thuốc giảm đau
- Vitamin và chất bổ sung
2. Hỗ trợ dinh dưỡng
Khi trẻ có dấu hiệu sụt cân nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định chế độ ăn đặc biệt qua sonde dạ dày (dinh dưỡng qua đường ruột) hoặc dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch để điều trị viêm ruột.
Phương pháp này có thể cải thiện tình trạng sụt cân đồng thời để ruột được nghỉ ngơi và giảm viêm trong thời gian ngắn.
Với trẻ có dấu hiệu chít hẹp lòng ruột, nên lựa chọn chế độ ăn ít chất cặn bã để giảm thiểu nguy cơ thức ăn khó tiêu bị mắc lại trong phần ruột bị hẹp và dẫn đến tắc ruột.
3. Phẫu thuật
Nếu thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, điều trị bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác không làm giảm triệu chứng viêm ruột, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Ví dụ, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt đoạn ruột bị chít hẹp, điều trị lỗ rò hoặc cắt bỏ một phần ruột nếu cần thiết.
Đối với bệnh Crohn, phẫu thuật sẽ không chữa khỏi bệnh mà chỉ mang lại lợi ích tạm thời. Cách tiếp cận tốt nhất là theo dõi điều trị bằng thuốc để giảm thiểu nguy cơ tái phát.
4. Thay đổi lối sống
Chế độ ăn uống và lối sống không tốt có thể làm cho các triệu chứng viêm ruột trầm trọng hơn. Vì vậy, cần thực hành và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
5. Chế độ ăn
Chế độ ăn lành mạnh phù hợp rất quan trọng đối với trẻ mắc bệnh viêm ruột. Phụ huynh nên ghi lại những thứ trẻ ăn để xác định loại thức ăn nào có thể ảnh hưởng xấu đến bệnh của trẻ, từ đó tối ưu được danh sách thực đơn phù hợp nhất. Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và uống nhiều nước sẽ có lợi cho bệnh viêm ruột.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm nên được hạn chế:
- Sữa bò
- Thực phẩm nhiều chất béo
- Thực phẩm cay, cafein và rượu
- Thực phẩm nhiều chất xơ, đặc biệt nếu ruột bị chít hẹp
Tóm lại, điều trị viêm ruột ở trẻ em đòi hỏi sự chăm sóc đúng cách, đồng thời kết hợp với việc tuân thủ điều trị của bác sĩ để giảm các đợt bùng phát cũng như giảm triệu chứng bệnh. Nếu được kiểm soát tốt, gần như trẻ có thể tránh hoàn toàn được các biến chứng về lâu dài.