Xuất huyết giảm tiểu cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị 
Những chấm và đám xuất huyết ở cẳng chân người mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu - Ảnh BookingCare
Những chấm và đám xuất huyết ở cẳng chân người mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu - Ảnh BookingCare

Xuất huyết giảm tiểu cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị 

Tác giả: - Xuất bản: 07/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 18/03/2024
Xuất huyết giảm tiểu cầu (hay còn được gọi là bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn) là bệnh tự miễn gặp tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng hồi phục 80% sau 2 đến 3 tháng. 

Trong bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu. Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, khi đó cơ thể sẽ dễ bị chảy máu chỉ với một tác động nhẹ.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Trong cơ thể, máu là một tổ chức lỏng bao gồm nhiều thành phần và chức năng khác nhau, được chia làm hai thành phần chính là huyết tương và các tế bào máu. Tiểu cầu là một trong ba thành phần của tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Chúng là những tế bào rất nhỏ, khi mà mạch máu bị tổn thương sẽ hình thành nên các cục máu đông để bịt các vết thương ngăn không cho máu chảy ra ngoài. 

Cũng giống như các tế bào máu khác, tiểu cầu được sinh ra và biệt hóa tại tủy xương rồi sẽ ra máu ngoại vi để thực hiện chức năng đông cầm máu. Đời sống của tiểu cầu tương đối ngắn, chỉ từ 7 đến 10 ngày sau đó bị phá hủy ở lách.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh do rối loạn hệ miễn dịch. Bình thường khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi trùng, vi rút, ký sinh trùng…, tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất gọi là kháng thể để chống lại các vật lạ này. Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể mình là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó. 

Triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu

Dấu hiệu gợi ý của bệnh nhân mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát là hội chứng xuất huyết, bầm tím thường gặp ở da, niêm mạc… Xuất huyết xảy ra tự nhiên hoặc sau va chạm hoặc sau một điều kiện thuận lợi như: nhiễm khuẩn, nhiễm lạnh, nhiễm độc… Xuất huyết có thể biểu hiện ở một hoặc nhiều vị trí:

  • Xuất huyết dưới da: hay gặp nhất và thường xuất hiện tự nhiên, đa hình thái (dạng chấm, nốt, mảng hoặc đám xuất huyết), đa lứa tuổi (màu sắc xuất huyết thay đổi theo thời gian: đỏ, tím, xanh, vàng sau đó mất đi không để lại dấu vết).
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, mắt…
  • Xuất huyết nội tạng: có thể gặp xuất huyết tại nhiều cơ quan khác nhau như: 
  • Xuất huyết tiêu hóa: bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân máu…
  • Xuất huyết tử cung: kinh nguyệt kéo dài.
  • Xuất huyết đường tiết niệu: bệnh nhân đi tiểu ra máu…
  • Xuất huyết các cơ sâu và tổ chức dưới da gây ra các khối tụ máu (hematoma).
  • Xuất huyết não, màng não: bệnh nhân thường đau đầu, buồn nôn, nôn, lơ mơ, liệt vận động, đại tiểu tiện không tự chủ… Đây là biểu hiện hiếm gặp, diễn biến nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân và thường xảy ra ở các bệnh nhân có số lượng quá thấp (TC <10 G/l), đặc biệt khi có chấn thương hoặc tổn thương mạch máu.
trieu-chung
Xuất huyết dưới da dạng chấm là một dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu - Ảnh: Canva

Nguyên nhân bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Có nhiều nguyên nhân làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Khi cơ thể nhiễm virus (quai bị, thủy đậu, rubella, viêm gan B, viêm gan C, HIV, virus Epstein Barr,...), dùng một số loại thuốc, phụ nữ mang thai, bệnh lý ung thư tiêu biểu là bệnh bạch cầu đều có thể làm tủy xương tạo ra ít tiểu cầu hơn. 

Xuất huyết giảm tiểu cầu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu do 3 nguyên nhân chính là:

  • Nhiễm virus
  • Căn nguyên tại tủy xương
  • Một số nguyên nhân khác như dùng thuốc  Heparin, quinin, vancomycin.

Cơ chế phát sinh bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là do hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra những kháng thể chống lại tiểu cầu làm cho chúng bị tiêu diệt tại lách dẫn đến suy giảm số lượng. Ngoài ra, khi hệ miễn dịch rối loạn sẽ tác động đến các tế bào sản sinh ra tiểu cầu, từ đó làm suy giảm số lượng trong máu.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gặp phải ở cả trẻ em lẫn người lớn trong nhiều độ tuổi khác nhau. Với người trẻ tuổi thì nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn, ngược lại với người lớn tuổi thì bệnh lại phổ biến ở nam giới. Những bệnh nhi mắc phải căn bệnh này có thể từ sau một đợt mắc bệnh do một số loại virus như thủy đậu, quai bị hoặc sởi. Tất cả những bệnh đó đều có mối liên hệ với xuất huyết giảm tiểu cầu. Trong khi đó người lớn thì có thể mắc bất kỳ lúc nào.

Chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn cần được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm để loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự.

  • Về lâm sàng: Bác sĩ đặt chẩn đoán nghi ngờ khi trẻ có biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc hoặc các dấu hiệu chảy máu khác (với đặc điểm đã mô tả ở phần triệu chứng) kèm theo các yếu tố nguy cơ như các bệnh lý từng mắc, các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung cho trẻ gần đây.
  • Về cận lâm sàng: 

Chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu < 100 x 109/L không giải thích bằng nguyên nhân khác. Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể phát hiện tiểu cầu trong máu giảm:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, huyết tủy đồ. 
  • Các xét nghiệm vi sinh: HBsAg, anti HCV, anti HIV.
  • Các xét nghiệm miễn dịch: ANA, Anti DsDNA, TSH, FT3, FT4, kháng thể kháng tiểu cầu trực tiếp và gián tiếp.
  • Các xét nghiệm nếu có kèm thiếu máu: Hồng cầu lưới, Sắt huyết thanh, Ferritin, Bilirubin, Haptoglobin, LDH, nghiệm pháp Coombs trực tiếp, Coombs gián tiếp.

Điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp (< 20 x109/L), cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ mà không cầm máu được do đó cần phát hiện bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ XHGTC và điều trị ngay. 

  • Nhóm thuốc điều trị cơ bản là corticoid: Methylprednisolone, Prednisolone, Dexamethasone (với trường hợp xuất huyết nặng đe dọa tính mạng như xuất huyết não, xuất huyết tạng phải điều trị thuốc Corticoid liều cao và Gamma globulin tĩnh mạch).
  • Điều trị hỗ trợ: Truyền khối tiểu cầu, khối hồng cầu (nếu có thiếu máu), thuốc cầm máu, thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng (nếu có).

Nếu bệnh nhân không đáp ứng, hoặc đáp ứng kém với corticoid, bệnh nhân sẽ được điều trị thêm các thuốc phối hợp như các thuốc ức chế miễn dịch  azathioprin, cellcept, endoxan, neoral, dapson, hydroxychloroquin, thuốc kháng thể đơn dòng (Rituximab), thuốc kích thích tăng tạo tiểu cầu (TPO-RA: Eltrombopag); hoặc bệnh nhân sẽ được điều trị phẫu thuật cắt lách.

Một số lưu ý và dinh dưỡng dành cho người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể tái phát nhiều lần và chuyển thành mãn tính có nguy cơ xuất huyết não, do đó người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch điều trị và chăm sóc XHGTC của bác sĩ để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. 

  • Chế độ ăn uống đủ dưỡng chất, cân bằng. Ăn chín, uống sôi phòng ngừa
  • Nhiễm trùng.
  • Chế độ ăn ít muối, ít đường vì thuốc có tác dụng phụ tăng HA, ĐTĐ. 
  • Tránh ăn các thức ăn cay nóng như ớt, tiêu, thức ăn có độ acid cao như dấm, chanh, các loại quả chua ảnh hưởng đến dạ dày.
  • Bổ sung Canxi.
  • Nghỉ ngơi tại giường. Hạn chế vận động mạnh.
  • Khai báo với bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc kháng đông điều trị huyết khối.
  • Phụ nữ trong thời gian điều trị không nên mang thai vì có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. 
  • Khi về nhà nếu có hiện tượng bất thường về sức khỏe như: mệt mỏi, chảy máu chân răng, máu mũi, xuất huyết dưới da, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt kéo dài… cần đi khám lại ngay.

Tóm lại, khi có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, kinh nguyệt lâu cầm thì chúng ta nên nghĩ đến bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu để cần đi khám xác định bệnh. Và điều quan trọng nhất là người bệnh phải tái khám và tuân thủ điều trị vì tính chất nguy hiểm và dễ tái phát của bệnh cũng như các tác dụng phụ thường gặp của thuốc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết