Xuất huyết giảm tiểu cầu (XHGTC) có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Vì vậy hãy khám và điều trị ngay khi cơ thể có dấu hiệu cảnh báo như: Rất dễ bị bầm tím hoặc ban xuất huyết, xuất hiện các nốt xuất huyết có kích thước nhỏ màu tím hoặc đỏ, thường sẽ xuất hiện ở cẳng chân.
Bệnh XHGTC có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp (< 20 x109/L), cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ mà không cầm máu được.
Điều trị thuốc corticoid trong thời gian ngắn thường không có tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, khi dùng Corticoid trong thời gian kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng cân, giữ nước, mất ngủ, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, đục thủy tinh thể, stress, nhiễm trùng,… Đặc biệt khi dùng thuốc kéo dài mà bệnh nhân tự ý dừng thuốc đột ngột sẽ gây ra suy thượng thận cấp (rối loạn tiêu hóa, rối loạn tâm thần, trụy tim mạch…). Vì vậy, bệnh nhân không nên tự ngưng thuốc mà phải giảm liều từ từ theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng, hoặc đáp ứng kém với corticoid hoặc bác sĩ không muốn dùng liều cao corticoid kéo dài vì các tác dụng phụ; bệnh nhân sẽ được điều trị thêm các thuốc phối hợp như các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng thể đơn dòng (Rituximab), thuốc kích thích tăng tạo tiểu cầu (TPO-RA: Eltrombopag); hoặc điều trị phẫu thuật cắt lách.
Cắt lách là phương pháp cắt lách nội soi tương đối an toàn, tỉ lệ đáp ứng tăng tiểu cầu là 70-80%. Tuy nhiên, sau khi cắt lách, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ suy yếu, có thể dễ bị nhiễm trùng. Chính vì vậy, người bệnh cần được tiêm phòng trước và sau khi cắt lách. Ở trẻ em, cắt lách được chỉ định với bệnh nhân > 5 tuổi.
Kết luận lại, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là cực kỳ nguy hiểm do nhiều nguyên nhân gây ra, do đó người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị dưới đây để bệnh ít tái phát đồng thời dự phòng được các biến chứng xảy ra: Điều trị sớm khi bệnh mới được phát hiện, điều trị triệu chứng kết hợp điều trị căn nguyên bằng ức chế miễn dịch, điều trị liên tục: cần thời gian theo dõi lâu dài để có thể điều trị bệnh kịp thời khi bệnh tái phát.