Đâu là nguyên nhân gây bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu?
Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh tự miễn - Ảnh BookingCare
Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh tự miễn - Ảnh BookingCare

Đâu là nguyên nhân gây bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu?

Tác giả: - Xuất bản: 07/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 18/03/2024
Xuất huyết giảm tiểu cầu là tên viết tắt của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ITP (Immune Thrombocytopenic Purpura). Nguyên nhân bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là do hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể kháng tiểu cầu làm phá hủy một lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi. 

Trước kia, bệnh được cho là vô căn vì các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Cho đến nay, cơ chế gây bệnh đã dần được sáng tỏ, trong đó hệ miễn dịch đóng vai trò then chốt trong sự tiến triển của bệnh. Vì vậy, hiện nay y văn đã gọi bệnh này là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh lý huyết học tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Trên thế giới, tỷ lệ gặp XHGTC ở trẻ em là khoảng 4-6 ca/100.000 trẻ/năm. Tần suất phát hiện bệnh gặp ở trẻ em cao hơn người trưởng thành rất nhiều. 

Cơ chế phát sinh bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu tiên phát là tình trạng tiểu cầu trong máu ngoại vi bị phá huỷ do sự có mặt của tự kháng thể kháng tiểu cầu. Nói cách khác, bệnh là sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch, gây tình trạng phá hủy tiểu cầu do các kháng thể được sinh ra từ chính cơ thể bệnh nhân. 

Cơ chế bệnh sinh của xuất huyết giảm tiểu cầu tiên phát được cho là sự mất cân bằng giữa tăng phá hủy tiểu cầu ở lách và giảm sản xuất tiểu cầu ở tủy xương, được thúc đẩy bởi sự tương tác của 3 nguyên nhân chính: hệ miễn dịch được hoạt hoá quá mức, khởi nguyên (nhiễm trùng, nhiễm lạnh, nhiễm độc, dùng thuốc, stress…) và yếu tố di truyền. Khi 3 tác nhân trên tương tác với nhau khiến cơ thể sản sinh ra phức hợp giữa kháng thể và kháng nguyên trên bề mặt màng tiểu cầu. Các phức hợp này bị đại thực bào bắt giữ và thoái hoá, cùng với đó kích hoạt một dòng thác kháng thể gây phá huỷ hàng loạt tiểu cầu.  

Giảm tiểu cầu miễn dịch là một loại bệnh tự miễn. Một vài bệnh nhân có các tình trạng tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn như virus HBV và HIV, lupus ban đỏ hệ thống. 

Một số yếu tố nguy cơ làm khởi phát bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu    

Ở các bệnh nhân nhỏ tuổi, xuất huyết giảm tiểu cầu có xu hướng xuất hiện sau một đợt mắc bệnh do virus gây ra, trong khi đó người lớn thì có thể mắc bất kỳ lúc nào.

Một số yếu tố nguy cơ khởi phát xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ nhỏ:

  • Tuổi: độ tuổi trung bình thường là dưới 5 tuổi
  • Tỷ lệ trẻ nam/nữ (theo nghiên cứu tại BVĐK Xanh Pôn) là 1.58/1
  • Sau nhiễm trùng: nhiễm virus đường hô hấp, HBV, HCV, HIV
  • Có tiền sử rối loạn miễn dịch/tự miễn khác: Lupus ban đỏ hệ thống
  • Tiền sử tiêm vắc xin và sử dụng thuốc trong thời gian 2 tuần. 

Tổng kết lại, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh phát sinh do sự sai sót của hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh do đó không có phương pháp dự phòng. Chỉ có thể phòng được các biến chứng nguy hiểm của bệnh bằng cách phát hiện sớm các dấu hiệu sớm XHGTC và điều trị ngay khi chẩn đoán bệnh. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết