Béo phì độ 1: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Béo phì độ 1: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Nhận biết và điều trị béo phì độ 1
Béo phì độ 1 là cấp độ nhẹ nhất và cũng là dạng phổ biến nhất của béo phì - Ảnh: BookingCare

Béo phì độ 1: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 03/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Béo phì mức độ 1 là thường gặp và ở cấp độ nhẹ của béo phì. Nhận biết, phòng ngừa và kiểm soát sớm béo phì độ 1 giúp người bệnh giảm nguy cơ biến chứng, duy trì cân nặng khoẻ mạnh và vóc dáng cân đối.

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Béo phì có nhiều cấp độ, trong đó béo phì độ 1 là dạng phổ biến nhất.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng quan về nguyên nhân, triệu chứng và cách kiểm soát cũng như phòng ngừa béo phì độ 1. 

Béo phì độ 1 là gì? 

Để phân loại mức độ béo phì, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét). Một người trưởng thành có chỉ số BMI trên mức 30 được xem là béo phì.

Thừa cân, béo phì chia làm các mức độ khác nhau như:  

  • Tiền béo phì: 25 < BMI < 29,9 
  • Béo phì mức độ 1: 30 < BMI < 34,9 
  • Béo phì mức độ 2: 35 < BMI < 39,9
  • Béo phì mức độ 3: ≥ 40

Béo phì độ 1 là cấp độ nhẹ nhất và cũng là dạng phổ biến nhất của béo phì. 

Triệu chứng của béo phì độ 1

Khi bị béo phì, cơ thể sẽ có những triệu chứng cảnh báo để bạn có kế hoạch giảm cân và điều chỉnh cân nặng. Một số triệu chứng thông thường như: 

  • Số đo vòng eo tăng: Theo WHO, khi tỷ lệ số đo vòng eo/mông trên 0,9 (đối với nam) hoặc 0,85 (đối với nữ) sẽ có nguy cơ mắc béo phì độ 1.
  • Thường xuyên có cảm giác đói bụng. 
  • Các vấn đề về da: rạn da, sạm da, da vùng cổ bị chảy xệ,…
  • Thị lực giảm sút, mắt nhìn mờ. 
  • Suy giãn tĩnh mạch.
  • Xuất hiện chứng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ.
  • Cảm giác khó thở trong thời gian dài, cơ thể mệt mỏi và trì trệ. 
  • Đau đầu gối, lưng hoặc hông. 
  • Ợ hơi khi ăn.
  • Rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn,…
Những triệu chứng của béo phì độ 1
Số đo vòng eo tăng, trên 0,85 (đối với nữ) có nguy cơ mắc béo phì độ 1 - Ảnh: Freepik

Làm thế nào để chẩn đoán béo phì độ 1? 

Béo phì độ 1 rất khó nhận biết bằng mắt thường. Ngoài ra, tỷ lệ và vị trí lượng mỡ thường phân bổ trên cơ thể theo giới tính khác nhau. Vì vậy, Bộ Y tế đã đưa ra 3 cách nhận biết béo phì độ 1 thông qua: 

Tính chỉ số BMI

BMI được tính bằng trọng lượng cơ thể (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Ví dụ, một người có chiều cao 175 cm, cân nặng 90kg sẽ có BMI là 90/(175)^2 = 29,38 (kg/m2).

Đo chu vi vòng bụng 

Đo chu vi vòng bụng bằng cách đứng thẳng lưng, tư thế tự nhiên, hai chân rộng bằng vai. Sau đó, choàng thước dây qua đường giữa xương sườn thấp nhất và bờ trên của xương chậu.

Nếu chu vi vòng bụng của nữ từ 80cm trở lên, hoặc trên 90cm ở nam thì được xem là béo phì độ 1. 

Công nghệ DXA 

DXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) sử dụng tia X ở 2 mức năng lượng khác nhau để xác định tỉ lệ mỡ và thành phần của cơ thể. Nếu chỉ số BMI bằng hoặc vượt quá 30 cũng bị chẩn đoán béo phì độ 1.  

Nguyên nhân gây béo phì độ 1

Nguyên nhân của béo phì độ 1 hay béo phì nói chung thường do năng lượng nạp vào lớn hơn năng lượng cơ thể tiêu hao. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn tới dư thừa năng lượng quá mức này như: 

  • Gen di truyền: một số người có mã gen MC4R làm tăng nguy cơ đói, dễ béo phì. 
  • Lối sống lười vận động, ít tập luyện thể dục thể thao gây thừa năng lượng, tích mỡ. 
  • Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc hay rối loạn giấc ngủ làm rối loạn nội tiết tố và nhịp sinh học, cơ thể nhanh đói, thèm ăn và dễ gây béo phì.  
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh: nhiều chất béo, nhiều calo, không uống đúng giờ, ăn nhiều,…
  • Do lão hoá: càng lớn tuổi, khối lượng cơ bắp càng giảm, tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể kém đi, dễ gây tích tụ mỡ thừa. 
  • Do bệnh lý: một số bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, suy sinh dục, suy giáp, cường thượng thận,… có thể là nguyên nhân gây ra béo phì. 
  • Sử dụng thuốc: một số thuốc như steroid, chống trầm cảm (3 vòng, 4 vòng, IMAO), benzodiazepine, thuốc chống loạn thần,… 

Biến chứng của béo phì 

Béo phì độ 1 có thể gây ra nhiều tác hại nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Lượng mỡ tích tụ là yếu tố nguy cơ cho các bệnh lý:  

  • Các bệnh lý tim mạch: rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim mạch,… 
  • Đái tháo đường tuýp 2 
  • Bệnh lý gan nhiễm mỡ, trào ngược dạ dày, sỏi mật
  • Đột quỵ 
  • Bệnh lý xương khớp: thoái hóa khớp, loãng xương,…
  • Ung thư: bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, trực tràng, ruột kết và tuyến tiền liệt,…

Quản lý béo phì như thế nào? 

Theo các bác sĩ, béo phì độ 1 hoàn toàn có thể khắc phục được bằng phương pháp thay đổi lối sống. Bởi béo phì độ 1 là mức độ nhẹ nhất của béo phì, các biện pháp dùng thuốc, phẫu thuật là chưa cần thiết. 

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý 

  • Nên chia nhỏ các bữa ăn để dễ kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào. Ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế ăn vặt.
  • Ăn nhiều trái cây, rau củ quả xanh. 
  • Đa dạng các thực phẩm giàu tinh bột như: khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống, các loại hạt,… 
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, cá, thịt, sữa, đậu. 
  • Hạn chế các thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo, đường. 
  • Tránh các thực phẩm chứa hàm lượng muối cao vì có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, gây nguy cơ bệnh lý tim mạch cho người béo phì. 
  • Không nên nhịn ăn quá mức có thể khiến bạn mệt mỏi và không duy trì được lâu dài. 
  • Kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có hại cho cơ thể. 
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người béo phì độ 1
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người béo phì độ 1 - Ảnh: Freepik

Xây dựng chế độ tập luyện khoa học

  • Nên bắt đầu với những bài tập có cường độ trung bình (chạy bộ, tập thể dục, đạp xe, aerobic,…) ít nhất 150 phút/tuần, từ 3 - 5 lần/tuần. 
  • Tăng dần cường độ và số lượng bài tập, số lần tập tùy theo từng cá nhân. Nên duy trì đều đặn. 
  • Hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, nên thường xuyên vận động, đi dạo, làm việc nhà. 

Thay đổi lối sống

  • Người béo phì độ 1 cần duy trì giấc ngủ ngon, đủ giấc từ 6 - 8 tiếng/ngày. 
  • Uống đủ nước để tránh thiếu nước và hạn chế cơn thèm ăn. 
  • Thư giãn, tránh căng thẳng, stress kéo dài vì có thể làm tăng nguy cơ béo phì. 
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên. 
  • Duy trì lối sống lành mạnh, năng động và khoẻ khoắn. 

Béo phì độ 1 là khởi đầu của béo phì. Để phòng ngừa và kiểm soát béo phì, người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện khoa học. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare