- Xuất bản: 03/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Béo phì đang ngày càng trở thành một vấn đề sức khỏe phổ biến trên toàn cầu - Ảnh: BookingCare
Béo phì là gì? Những nguyên nhân, biến chứng của béo phì? Làm thế nào để phòng ngừa béo phì hiệu quả? Cùng BookingCare tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi trên qua bài viết này.
Béo phì đang ngày càng trở thành một vấn đề sức khỏe phổ biến trên toàn cầu, với tỷ lệ người mắc béo phì tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Béo phì gây ra các vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường,...
Béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khoẻ như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, …
Để phân loại mức độ béo phì, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét) và đơn vị của BMI là kg/m2.
Cụ thể, các phân loại BMI được WHO sử dụng như sau:
Thiếu cân: BMI < 18,5
Bình thường: 18,5 ≤ BMI < 25
Tiền béo phì: 25 < BMI < 29,9
Béo phì mức độ 1: 30 < BMI < 34,9
Béo phì mức độ 2: 35 < BMI < 39,9
Béo phì mức độ 3: ≥ 40.
Có những dạng béo phì nào?
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế, có các dạng béo phì sau:
Béo phì dạng nam
Hay còn gọi là béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm:
Mỡ phân bố nhiều ở các bộ phận: bụng, thân, vai, cánh tay, cổ, mặt. Vẻ mặt hồng hào.
Béo phì dạng nam thường dễ dẫn tới nhiều biến chứng như tăng chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa lipid máu), đái tháo đường loại 2, gout, tăng huyết áp, bệnh túi mật,…
Béo phì dạng nữ
Hay còn gọi là béo phì phần dưới cơ thể, béo phì hình quả lê:
Mỡ phân bố chủ yếu ở phần dưới cơ thể như khung chậu, vùng thắt lưng, mông, đùi.
Dạng béo phì này mỡ phân bố khá đồng đều. Các trường hợp quá béo phì thường là béo phì hỗn hợp.
Nguyên nhân gây béo phì
Có nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Có thể kể đến như:
Nguyên nhân dinh dưỡng: tiêu thụ lượng thức ăn quá nhiều, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo và đường.
Nguyên nhân di truyền: có thể góp phần vào tăng cường sản xuất tế bào mỡ hoặc tăng lượng mỡ trong cơ thể.
Nguyên nhân nội tiết: các tổn thương vùng hạ đồi do chấn thương, bệnh ác tính, viêm nhiễm, suy sinh dục, suy giáp, cường thượng thận,… có thể là nguyên nhân gây ra béo phì.
Sử dụng thuốc: một số thuốc như steroid, chống trầm cảm (3 vòng, 4 vòng, IMAO), benzodiazepine, thuốc chống loạn thần,…
Một số nguyên nhân khác như: lối sống lười hoạt động thể lực,…
Biến chứng của béo phì
Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính. Béo phì gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như:
Các bệnh lý tim mạch: Bất thường lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim,…
Ung thư: bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, trực tràng, ruột kết và tuyến tiền liệt.
Trầm cảm
Bệnh lý phụ khoa: vô sinh, rối loạn kinh nguyệt,…
Béo phì làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây ra những tự ti về ngoại hình, trầm cảm hay khó khăn trong các hoạt động.
Điều trị béo phì như thế nào?
Để điều trị béo phì, nguyên tắc cần thực hiện bao gồm:
Can thiệp lối sống: Đây là nền tảng quan trọng giúp đảm bảo giảm cân bền vững, bao gồm: can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi và hỗ trợ tâm lý.
Điều trị bằng thuốc: Nếu can thiệp lối sống trong vòng 3 tháng không giúp giảm được ít nhất 5% cân nặng, đặc biệt đối với những người có BMI trên 25, cần xem xét sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc.
Phối hợp giữa giảm cân và điều trị: Để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần phối hợp chặt chẽ giữa giảm cân và các phương pháp điều trị khác nhằm phòng ngừa các biến chứng của béo phì và duy trì sức khỏe tổng thể,...
Chế độ ăn cho người béo phì
Không có một quy tắc cụ thể nào áp dụng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để giảm cân cho người béo phì, việc cắt giảm bớt năng lượng nhập vào và xây dựng một chế độ ăn lành mạnh là rất quan trọng.
Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản:
Ăn nhiều trái cây, rau củ quả xanh để cung cấp chất xơ và vitamin cho cơ thể.
Đa dạng các nguồn thực phẩm giàu tinh bột như: khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống, các loại hạt,… để cung cấp năng lượng cần thiết.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, cá, thịt, sữa và đậu để đảm bảo cơ thể nhận được đủ protein.
Hạn chế các thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo và đường, bao gồm thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh và đồ uống ngọt.
Tránh tiêu thụ các thực phẩm chứa hàm lượng muối cao vì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý tim mạch cho người béo phì.
Việc thực hiện chế độ ăn kiêng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng. Không nên nhịn ăn quá mức có thể khiến bạn mệt mỏi và không duy trì được lâu dài.
Kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có hại cho cơ thể.
Chế độ tập luyện cho người béo phì
Giảm cân cho người béo phì cần kết hợp giữa dinh dưỡng và tập luyện. Quá trình tập luyện làm đốt cháy năng lượng, tiêu hao calo và giảm cân hiệu quả.
Tuy nhiên, những người lớn tuổi và người có bệnh lý tim mạch cần xác định chương trình tập luyện phù hợp (cường độ, thời gian, loại hình bài tập) để đảm bảo sức khỏe.
Quá trình luyện tập cần bao gồm đủ 3 giai đoạn: khởi động, tập luyện, thư giãn.
Nên bắt đầu với những bài tập có cường độ trung bình (chạy bộ, tập thể dục, đạp xe, aerobic,…) ít nhất 150 phút/tuần, từ 3 - 5 lần/tuần.
Tăng dần cường độ và số lượng bài tập, số lần tập tùy theo từng cá nhân. Quan trọng nhất là duy trì sự đều đặn trong việc tập luyện.
Thuốc điều trị béo phì
Thuốc được sử dụng khi các liệu pháp thay đổi hành vi sức khoẻ đơn thuần (chế độ ăn uống, sinh hoạt) không hiệu quả, không đủ hoặc không đạt được mục tiêu.
Trong trường hợp không đạt được mục tiêu giảm cân thông qua can thiệp lối sống ở người có chỉ số BMI ≥ 25 kg/m2, hai loại thuốc được phê duyệt trong điều trị béo phì bao gồm: orlistat và liraglutide 3,0 mg.
Bên cạnh đó, cần xem xét các yếu tố khác trước khi lựa chọn thuốc điều trị cho người béo phì như:
Nguyên nhân gây béo phì.
Các yếu tố tâm lý xã hội, cảm xúc góp phần vào tình trạng béo phì.
Cơ chế tác dụng, tác dụng phụ, những bất lợi và khả năng dung nạp thuốc trong trường hợp người bệnh có các bệnh đồng mắc hay các thuốc đang sử dụng.
Thuốc sử dụng cần có sự giám sát và chỉ định của các bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc.
Phẫu thuật
Một trong những phương pháp điều trị béo phì khác là phẫu thuật, bao gồm:
Phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày
Phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng
Phẫu thuật nối tắt dạ dày
Phẫu thuật phân lưu mật tuỵ
Phẫu thuật đảo dòng tá tràng
Phẫu thuật nối tắt dạ dày với một miệng nối
Phẫu thuật khâu gấp nếp dạ dày…
Chỉ định phẫu thuật giảm cân khi thất bại với các điều trị không phẫu thuật ở người bệnh có BMI ≥35 kg/m2 hay BMI≥ 30 kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn phẫu thuật phù hợp.
Phòng ngừa béo phì
Dù đang có nguy cơ béo phì, thừa cân hay đang có trọng lượng khoẻ mạnh, bạn đều cần có một lối sống lành mạnh để chủ động phòng ngừa béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan:
Hãy tập thể dục thường xuyên, dành từ 150 - 250 phút/tuần cho các hoạt động thể chất.
Ăn thức ăn ít calo, bổ sung các chất dinh dưỡng từ trái cây, rau xanh và ngũ cốc.
Kiểm soát chế độ ăn uống của bạn, không ăn uống quá nhiều, bừa bãi.
Theo dõi cân nặng thường xuyên.
Duy trì lối sống lành mạnh, năng động và khoẻ khoắn.
Béo phì làm tăng gánh nặng kinh tế xã hội do làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đi kèm. Việc nhận biết và quản lý béo phì là một phương pháp toàn diện cần phối hợp cả lối sống, dinh dưỡng, thể chất, tâm lý và thuốc. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.