Những điều cần biết về hội chứng Cushing: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hoi chung Cushing
Hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết phổ biến - Ảnh: BookingCare

Những điều cần biết về hội chứng Cushing: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 27/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 09/03/2024
Hội chứng Cushing là tập hợp các dấu hiệu bệnh lý của vỏ tuyến thượng thận. Tỷ lệ mắc hội chứng Cushing hiện nay là khá cao. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hội chứng Cushing như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Hội chứng Cushing được đặt theo tên của Harvey Cushing (1868 - 1939), một bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Mỹ, người đầu tiên mô tả hội chứng này vào năm 1932. Hội chứng Cushing gây ra do tình trạng tăng kéo dài Cortisol hoặc các chất glucocorticoid trong máu. Hội chứng thường có biểu hiện kín đáo và đa dạng, nếu người bệnh không phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nhận biết các biểu hiện của hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing có biểu hiện đa dạng, các triệu chứng có thể xuất hiện không đồng đều. Nhiều biểu hiện không điển hình như: béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường huyết, loãng xương,... dẫn đến nhầm lẫn với các bệnh lý khác. 

Nhận biết hội chứng Cushing qua một số biểu hiện chính như:

  • Rối loạn cảm xúc
  • Hố yên lớn
  • Mặt tròn đỏ
  • Tụ mỡ sau gáy
  • Béo bụng, béo phì vùng bụng
  • Da mỏng
  • Vết rạn da ở vùng bụng
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Teo cơ, yếu cơ tay và chân
  • Lưng gù
  • Mệt mỏi, tinh thần không ổn định

Nguyên nhân gây hội chứng Cushing

Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng Cushing như:

  • Hội chứng Cushing ngoại sinh (Hội chứng Cushing do thuốc):
  • Hiện nay, có nhiều người bệnh mắc các bệnh lý phải sử dụng nhóm thuốc corticosteroids để điều trị như: bệnh tự miễn, giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu tán huyết miễn dịch, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng thận hư, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một số bệnh lý ung thư,...
  • Một vài trường hợp còn lạm dụng các thuốc giảm đau chứa corticosteroids kéo dài trong các bệnh lý xương khớp, các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc,... Điều trị mạn tính bằng các loại thuốc này có thể gây hội chứng Cushing.
  • Hội chứng Cushing nội sinh
  • Hội chứng Cushing phụ thuộc ACTH: u tuyến yên tiết ACTH (Bệnh Cushing), u tiết ACTH lạc chỗ, u tiết CRH lạc chỗ
  • Hội chứng Cushing không phụ thuộc ACTH: Adenoma thượng thận, Carcinoma thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận

Các biến chứng nguy hiểm của hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing là một bệnh nội tiết do sự tăng tiết cortisol kéo dài trong máu. Theo các báo cáo nghiên cứu , hội chứng Cushing có thể gây tăng tỷ lệ tử vong, giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như:

  • Hội chứng chuyển hóa.
  • Tăng huyết áp.
  • Béo phì.
  • Các bệnh lý tim mạch như: nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch máu, suy tim,…
  • Rối loạn đông máu.
  • Dễ nhiễm trùng, cơ thể giảm sức đề kháng.
  • Bệnh lý về xương: thưa xương, dễ gãy xương tự nhiên.
  • Rối loạn tâm thần, vận động.
  • Suy giảm chức năng sinh sản, tình dục.
  • Các vấn đề về da liễu như:mụn trứng cá, rậm lông, rụng tóc,…
  • Biến chứng do đái tháo đường.

Điều trị hội chứng Cushing

Mục tiêu chính trong điều trị hội chứng Cushing là phục hồi các triệu chứng lâm sàng, xóa bỏ các khối u gây tăng tiết Cortisol, hạn chế sự phụ thuộc lâu dài vào thuốc và tránh sự thiếu hụt hormone kéo dài. Tuy nhiên dựa biểu hiện, mức độ và nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. 

Các phương pháp điều trị hội chứng Cushing đang được áp dụng hiện nay như:

  • Đối với các khối u tuyến yên, tuyến thượng thận: phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc xạ trị sau đó dùng hormon thay thế.
  • Đối với các khối u tiết ACTH ở cơ quan khác: điều trị khối u bằng cách phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị.
  • Giảm liều thích hợp, dùng liều thấp, không dùng kéo dài, thường xuyên tầm soát các dấu hiệu của hội chứng Cushing và xử trí thích hợp như bổ sung Canxi, điều chỉnh tăng huyết áp,... Đối với hội chứng Cushing do dùng nhóm thuốc Corticoids để chữa số bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh lý tự miễn, viêm khớp dạng thấp,...
  • Lưu ý điều trị các biến chứng kèm theo.

Phòng ngừa hội chứng Cushing

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu dành cho hội chứng Cushing. Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý trong phòng ngừa hội chứng Cushing đạt hiệu quả như:

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định:
    • Luôn tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng quá nhiều thuốc chứa steroid trong thời gian dài.
    • Hiện nay, trong một số loại thuốc không kê đơn, thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc dùng trong điều trị, hỗ trợ các bệnh lý cơ xương khớp, hoặc thuốc điều cảm ho, viêm mũi, viêm xoang,... có tác dụng kháng viêm, giảm đau có thành phần là corticoid.
    • Vì vậy, nếu người bệnh sử dụng không đúng chỉ định, tự ý mua dùng không có sự theo dõi, kiểm soát của bác sĩ, dùng trong thời gian dài sẽ rất dễ dẫn đến hội chứng Cushing.
  • Chế độ ăn ngừa hội chứng Cushing: trong các bữa ăn hàng ngày, nên ưu tiên tiêu thụ ít mỡ và năng lượng, tăng cường chất đạm và rau củ quả trong mỗi bữa ăn hằng ngày.
  • Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao.
  • Khám sức khỏe định kỳ.
  • Đối với người bệnh sử dụng nhóm thuốc corticoid lâu dài điều trị các bệnh lý mạn tính thì cần kiên trì sử dụng thuốc theo đơn và tái khám đúng hẹn để được các bác sĩ kiểm tra, điều chỉnh thuốc phù hợp.
nhung dieu can biet ve hoi chung cushing
Thay đổi chế độ ăn là những phương pháp tối ưu giúp phòng ngừa hội chứng Cushing - Ảnh: Emory University

Hội chứng Cushing là một bệnh lý nội tiết phổ biến hiện nay, chúng có biểu hiện kín đáo, không điển hình như: béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường huyết, loãng xương,... nếu không phát hiện sớm và điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, hãy chú ý đến sức khỏe của mình khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường cần tới ngay cơ sở uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết