Hội chứng Cushing gây ra do tình trạng tăng kéo dài cortisol hoặc các chất glucocorticoid trong máu. Hội chứng Cushing thường có biểu hiện kín đáo và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nội tiết khác.
Hiện nay, y học ngày càng phát triển đã có nhiều phương pháp điều trị hội chứng Cushing. Mục tiêu chính trong điều trị hội chứng Cushing là phục hồi các triệu chứng lâm sàng, xóa bỏ các khối u gây tăng tiết Cortisol, hạn chế sự phụ thuộc lâu dài vào thuốc và tránh sự thiếu hụt hormone kéo dài.
Các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào biểu hiện, mức độ và nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing.
Phương pháp chính điều trị hội chứng Cushing ngoại sinh là giảm dần liều và ngưng thuốc glucocorticoid nếu không cần thiết, kiểm tra chức năng tuyến thượng thận trước khi ngưng thuốc hoàn toàn.
Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ các biến chứng của việc sử dụng glucocorticoid kéo dài như: tăng huyết áp, tăng đường huyết, loãng xương,…
Phương pháp điều trị hội chứng Cushing không phụ thuộc ACTH chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận 1 bên. Bệnh nhân sẽ cần bù hormone cortisol trong và sau mổ cho đến khi trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận phục hồi.
Một số nhóm thuốc nội khoa sử dụng trong điều trị hội chứng Cushing như: ketoconazole, metyrapone, mitotane, aminoglutethimide, hoặc các loại thuốc khác mới hơn như osilodrostat, levoketoconazole,...nhằm ức chế sự sản xuất corticoid tại tuyến thượng thận.
Hội chứng Cushing là bệnh lý nội tiết phổ biến hiện nay. Bệnh có tiên lượng tốt nếu phát hiện và điều trị sớm, tuy nhiên bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng của bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, biến chứng tim mạch, đột quỵ, thuyên tắc mạch,... Vì vậy, người bệnh cần đến ngay các cơ sở uy tín khi thấy cơ thể có các dấu hiệu hội chứng Cushing, để được thăm khám và điều trị kịp thời.