5 biến chứng điển hình của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa
5 biến chứng điển hình của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa
Tìm hiểu các biến chứng bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa
Tìm hiểu các biến chứng bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa - Ảnh:BookingCare

5 biến chứng điển hình của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 02/11/2023
Biến chứng bệnh tiểu đường thường nặng nề, ảnh hưởng đến tim mạch, mắt, thận, thần kinh,... Người bệnh, người thân có thể tìm hiểu để nhận biết, phòng ngừa biến chứng tiểu đường.

Người bệnh bị tiểu đường thường gặp các biến chứng cấp tính: hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê do nhiễm toan, hôn mê do hạ đường huyết đây là những biến chứng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các biến chứng mạn tính như biến chứng mạch máu lớn (tim mạch, đột quỵ, mạch máu ngoại biên), mạch máu nhỏ (bệnh thận, mắt,thần kinh),…

Các biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường

Các biến chứng bệnh tiểu đường (tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2)  thường liên quan tới các vấn đề về thận, mắt, tim mạch, thần kinh,... và điển hình có biến chứng bàn chân tiểu đường.

Biến chứng thận ở người bệnh tiểu đường

Đường máu tăng kéo dài gây tổn thương mạch máu nhỏ của cầu thận theo nhiều cơ chế làm tổn thương màng lọc cầu thận dẫn đến suy giảm chức năng thận cuối cùng là suy thận.

Không chỉ thế, biến chứng tiểu đường ở thận còn đặc biệt nghiêm trọng hơn bởi chúng không có biểu hiện rõ ràng, chỉ đến khi đã tiến triển thành các bệnh lý nguy hiểm như suy thận hay hội chứng thận hư thì mới phát hiện ra. Chính vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần chú ý theo dõi, nếu nhận biết các dấu hiệu sau cần đi khám ngay để được chẩn đoán và có hướng điều trị hợp lý:

  • Chán ăn, mệt mỏi
  • Tăng huyết áp
  • Hiện tượng nước tiểu sủi bọt
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm

Theo thông tin trên Cổng thông tin Điện tử Bộ Y tế, với các biến chứng thận, có đến 20 - 30% bệnh nhân đái tháo đường phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo. Việc điều trị về sau rất tốn kém. 

Biến chứng về mắt ở người bệnh đái tháo đường

Cũng bởi ở người bệnh tiểu đường có lượng đường huyết tăng cao dẫn tới các hệ thống vi mạch, mạch máu ở mắt bị tổn thương, gây ra bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường gồm bệnh võng mạc tăng sinh, không tăng sinh với các biểu hiện: mờ mắt, nổi nốt hoặc nhấp nháy (photopsias) trong tầm nhìn và mất thị lực đột ngột, nghiêm trọng, thường không đau

Biến chứng về mắt ở người bệnh đái tháo đường là biến chứng khá điển hình. Trường hợp người bệnh nhận thấy thị lực suy giảm cần phải đi khám ngay, nếu để kéo dài, điều trị muộn có thể dẫn tới mù lòa.

Biến chứng về mắt ở người bệnh đái tháo đường là biến chứng khá điển hình. Trường hợp người bệnh nhận thấy thị lực suy giảm cần phải đi khám ngay, nếu để kéo dài, điều trị muộn có thể dẫn tới mù lòa. 

Biến chứng tiểu đường ở mắt khiến thị lực bị suy giảm
Biến chứng tiểu đường ở mắt khiến thị lực bị suy giảm - Ảnh: Diabetes UK

Biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường

Hai bệnh lý về tim mạch phổ biến mà người bệnh tiểu đường hay gặp phải nhất là bệnh mạch vành và bệnh lý mạch máu não:

  • Bệnh mạch vành: Biểu hiện lâm sàng của bệnh lý này có thể kể đến như: xuất hiện các cơn đau thắt ngực, lan lên cả cằm hoặc vùng vai-cánh tay; cảm thấy tức ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực,...
  • Tai biến mạch máu não: Người bệnh tiểu đường khi gặp biến chứng tai biến mạch máu não có thể sẽ bắt gặp các triệu chứng từ nhẹ đến nặng bao gồm: 
  • Triệu chứng nhẹ: đau đầu hoa mắt chóng mặt; mất thăng bằng; thị lực suy giảm; loạn ngôn; rối loạn giấc ngủ;...
  • Triệu chứng nặng: ngất xỉu, hôn mê sâu; rối loạn thực vật; đột ngột bại liệt một nửa người,...

Biến chứng tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh đái tháo đường với con số thống kê lên đến 80%. Điều này là do các biến chứng liên quan đến tim mạch ở người bệnh đái tháo đường rất khó nhận biết với những triệu chứng không rõ ràng.

Do đó, người mắc tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra tim mạch định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm diễn ra. 

Biến chứng thần kinh ở người bệnh đái tháo đường

Người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt dễ mắc biến chứng thần kinh do tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh:

  • Tổn thương thần kinh ngoại vi: Người bệnh có cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát… ở chân và tay.
  • Tổn thương thần kinh thực vật: Hệ thần kinh thực vật kiểm soát huyết áp, chi phối hoạt động hệ tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục. Người bệnh tiểu đường tổn thương thần kinh thực vật dễ gặp phải các biến chứng như tụt huyết áp, đổ mồ hôi, nôn, buồn nôn, tiểu tiện không tự chủ, đại tiện táo hoặc lỏng, lãnh cảm, rối loạn chức năng sinh dục,…

Một trong biểu hiện liên quan đến biến chứng thần kinh mà người bệnh tiểu đường hay mắc phải nhất là Bàn chân đái tháo đường. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1 - 4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân.

Biến chứng loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường
Biến chứng loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh: GoodRx

Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương, người bệnh bị rối loạn cảm giác, giảm cảm giác đau, nóng, lạnh,... Người bệnh do vậy có thể bị thương, giẫm vào các vật nhọn,... mà không hề hay biết, do đó, rất có thể dẫn đến loét, lâu lành, dễ bị nhiễm khuẩn, hoại tử. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, người bệnh có thể phải cắt cụt chi dưới.

Người bệnh đái tháo đường nên lưu ý quan sát các biến chứng ở bộ phận này. Đặc biệt, nếu bị thương ở bàn chân nên kiểm tra vết thương hàng ngày. Khi có biến chứng bàn chân tiểu đường nên thăm khám ở các địa chỉ khám chữa đái tháo đường tốt để có cách điều trị hiệu quả. 

Một số biến chứng khác

Ngoài các biến chứng điển hình ở trên, bệnh tiểu đường còn gây ra một số biến chứng khác như:

  • Nhiễm toan ceton: Xảy ra do sự thiếu hụt insulin để chuyển hóa đường glucose trong cơ thể, khiến cơ thể chuyển hóa chất béo và axit amin thay thế nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể. Cơ chế này tạo ra các thể ceton trong máu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa với các biểu hiện như: nôn, buồn nôn, đau bụng, hơi thở có mùi,... có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong
  • Rối loạn cơ xương khớp: Các bệnh lý về cơ xương khớp hay gặp ở người bệnh tiểu đường có thể kể đến như: hội chứng ống cổ tay, co cứng Dupuytren, xơ cứng bì,..
  • Các bệnh da liễu: Nhiễm trùng nấm da, loét da, u hạt hoại tử, bệnh bạch biến, u hạt tiêu,.. là những triệu chứng bệnh về da hay gặp ở người bệnh tiểu đường
  • Trầm cảm, sa sút trí tuệ: Do những tổn thương về thần kinh, cộng thêm những lo lắng, stress khi bị bệnh khiến người bệnh tiểu đường dễ rơi vào trầm cảm, sa sút trí tuệ

Truy cập ngay "Sống khỏe với bệnh Tiểu đường" - Giải pháp toàn diện cho người bệnh Tiểu đường. Người bệnh có thể đặt khám online, đặt lịch xét nghiệm, đặt khám trực tiếp và sử dụng các tiện ích hỗ trợ: hỏi đáp MIỄN PHÍ với bác sĩ Tiểu đường, lưu và theo dõi chỉ số đường huyết,...

Cách phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường

Thực hiện thăm khám định kỳ

Như đã đề cập ở trên, các biểu hiện của biến chứng về tiểu đường thường không rõ ràng, do đó, để phát hiện sớm các biến chứng ở giai đoạn đầu, thuận lợi cho việc điều trị về sau, người bệnh tiểu đường nên thăm khám định kỳ, tầm soát các biến chứng liên quan mắt, gan, thận, tim mạch.

 Để thực hiện tầm soát biến chứng đái tháo đường, các bác sĩ sẽ cần thực hiện các bước khám lâm sàng trước. Một số các xét nghiệm cũng sẽ được chỉ định để kiểm tra các chức năng trong cơ thể, bao gồm:

  • Đường huyết khi đói
  • HbA1c
  • Xét nghiệm chức năng thận (Ure, Creatinine, eGRF)
  • Xét nghiệm chức năng gan (SGPT, GGT, SGOT)
  • Xét nghiệm mỡ máu (Cholesterol, HDL Cholesterol, LDL Cholesterol, Triglyceride)

Ngoài ra, các bước soi khám mắt, chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được chỉ định nếu người bệnh có biểu hiện mắc các bệnh liên quan đến mắt hay cơ xương khớp.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường. Kiểm soát tốt đường huyết nhờ chế độ ăn uống hợp lý, khoa học cũng góp phần đẩy lùi các biến chứng bệnh tiểu đường. Bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống lành cho người bệnh tiểu đường không khó, bạn chỉ cần lưu ý một số điều sau:

  • Kiểm soát lượng chất bột đường nạp vào cơ thể: Đường và tinh bột chính là nguyên nhân trực tiếp khiến đường huyết tăng vọt. Chế độ ăn thừa chất bột đường khiến tuyến tụy kiệt quệ khi phải tiết ra lượng insulin tương ứng để kịp chuyển hóa hết lượng đường trong máu. Vì vậy, giảm lượng chất bột đường nạp vào cơ thể cũng chính là đang giảm lượng đường trong máu của bạn.
  • Ăn nhiều các loại rau củ quả giàu chất xơ: Trong các loại rau củ quả còn chứa hàm lượng lớn các loại vitamin và chất khoáng rất tốt cho sức khỏe. Theo ADA khuyến nghị, người bệnh tiểu đường nên đảm bảo rau củ giàu chất xơ nên chiếm 50% khẩu phần ăn hằng ngày. 
  • Uống đủ nước: Việc uống đủ nước cũng góp phần giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn, bởi chúng có khả năng hòa tan và làm loãng glucose có trong máu, khiến đường huyết giảm một cách tự nhiên.
  • Không nên ăn quá no: Việc nạp quá nhiều thức ăn trong một bữa ăn sẽ khiến cơ thể bạn phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa và hấp thụ hết lượng thức ăn đó. Không chỉ thế, nó còn làm cho đường huyết của bạn tăng cao, điều này cực kỳ nguy hiểm đối với bệnh nhân mắc bệnh lý về tiểu đường.
  • Thêm các loại thực phẩm chứa tinh bột tiêu hóa chậm: Tinh bột tiêu hóa chậm và tinh bột kháng, là loại tinh bột ít được tiêu hóa ở ruột non, mà được lên men trong ruột già. Do đó, chúng không làm tăng đường huyết, rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Một số loại thực phẩm nằm trong nhóm này có thể kể đến như: yến mạch, kiều mạch, gạo lứt, lúa mì nguyên cám,...

Theo dõi đường huyết thường xuyên

Việc đo đường huyết thường xuyên để kiểm soát chỉ số đường huyết là cách giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình. Người bệnh tiểu đường nên có sẵn máy đo đường huyết tại nhà để tiện lợi cho quá trình theo dõi.

Thông thường, ngoài 4 thời điểm đo trong ngày được khuyến cáo (buổi sáng mới ngủ dậy, sau ăn sáng, ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ),người bệnh khi thấy có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng,... nên đo đường huyết để xác định tình trạng.

Từ đó thể thăm khám kịp thời, hạn chế biến chứng cấp tính như tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột. 

Theo dõi đường huyết hàng ngày để kiểm soát tốt đường huyết - Ảnh: MyMed
Theo dõi đường huyết hàng ngày để kiểm soát tốt đường huyết - Ảnh: MyMed

Rèn luyện thể chất

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho biết, việc tập thể dục giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách tăng độ nhạy cảm với insulin và tăng khả năng chuyển hóa glucose thành năng lượng của cơ thể

Nếu bạn là một người ít vận động, hãy bắt đầu bằng những hình thức tập luyện đơn giản với cường độ nhẹ nhàng. Đi bộ được coi là phương pháp dễ dàng nhất để bắt đầu, một số bộ môn khác như bơi hay tập yoga cũng được khuyến khích thực hiện đối với bệnh nhân mắc tiểu đường. 

Lối sống khoa học

Người bệnh mắc đái tháo đường cần rèn luyện những thói quen sống lành mạnh, phòng ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng, phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm:

  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, đồ uống có cồn
  • Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Nếu như cân nặng của bạn đang vượt quá chỉ số BMI cho phép, hãy cố gắng giảm bớt từ 5-10% khối lượng cơ thể. Bởi chỉ cần như vậy bạn đã có thể cải thiện độ nhạy của insulin và tăng khả năng dung nạp glucose.
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Khi căng thẳng,  lượng insulin sẽ có xu hướng giảm, nhiều đường glucose được giải phóng từ gan vào trong máu dẫn đến nồng độ đường trong máu tăng cao. hãy cố gắng không lo nghĩ quá nhiều bằng cách dồn tâm trí của bạn vào bất kỳ việc gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Bảo đảm một giấc ngủ ngon: Chất lượng giấc ngủ có liên quan đến các quá trình sinh hóa trong cơ thể, trong đó, có liên quan đến sự chuyển hóa đường. Cần đảm bảo thời gian ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày.

Trên đây là một số chia sẻ của BookingCare về biến chứng bệnh tiểu đường. Người bệnh đái tháo đường nên theo dõi và quan sát cơ thể mình. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường nên thăm khám sớm để được điều trị, hạn chế gặp phải các biến chứng bệnh tiểu đường. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết