Một số lưu ý điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường
Điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường
Một số lưu ý điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh: BookingCare

Một số lưu ý điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường

Tác giả: - Xuất bản: 15/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 15/11/2023
Đái tháo đường và cao huyết áp có mối liên hệ mật thiết với nhau. Điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng.

Đái tháo đường và cao huyết áp là hai bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Đây đều là nguy cơ của bệnh lý tim mạch cũng như có thể gây nhiều biến chứng trên các cơ quan quan trọng như mắt, thận, thần kinh, mạch máu não,... 

"Cao huyết áp cũng là một trong nhưng yếu tố làm tăng độ nặng của đái tháo đường và ngược lại đái tháo đường cũng làm cho việc điều trị cao huyết áp trở nên khó khăn hơn.". Vậy có lưu ý gì khi điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường? Tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Mối liên hệ giữa đái tháo đường và cao huyết áp

Đái tháo đường và cao huyết áp có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tăng huyết áp rất thường gặp ở người bệnh đái tháo đường.

Trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người đái tháo đường tuýp 2 tăng 2,5 lần so với người không mắc bệnh này. Ngược lại, khoảng 50% số người đái tháo đường đồng thời bị tăng huyết áp. 

Có thể giải thích về mối liên hệ giữa 2 bệnh lý này như sau:

  • Ở người mắc bệnh đái tháo đường sẽ không có đủ insulin để vận chuyển glucose vào các tế bào hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Khi đó, glucose không thể đi vào tế bào để cung cấp năng lượng, thay vào đó glucose sẽ tích tụ trong máu, dẫn đến đường huyết cao.
  • Mức đường huyết cao có thể gây tổn thương trên diện rộng cho các mô và cơ quan, bao gồm cả những cơ quan đóng vai trò chính trong việc duy trì huyết áp khỏe mạnh. Ví dụ, tổn thương mạch máu và thận có thể khiến huyết áp tăng cao.

Ở người bệnh đái tháo đường có bệnh đồng mắc là tăng huyết áp khiến đường huyết tăng cao, làm bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng nhanh hơn và gia tăng tỷ lệ tử vong. 

Do vậy, song song với việc kiểm soát đường huyết, cần kiểm soát huyết áp hiệu quả, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường.

Trong điều trị người bệnh đái tháo đường có tăng huyết áp, bên cạnh việc kiểm soát chỉ số đường huyết, việc kiểm soát huyết áp ổn định đóng vai trò quan trọng, giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường

"Đối với người bệnh đái tháo đường đồng mắc tăng huyết áp, việc điều trị tốt nhất là cần phải kiểm soát tốt huyết áp, giữ mức huyết áp mục tiêu dưới 130/80 mmHg."

Nhìn chung phương pháp điều trị đái tháo đường và tăng huyết áp có nhiều nét tương đồng, bổ trợ lẫn nhau, người bệnh nên tuân thủ việc điều trị dùng thuốc kết hợp điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống). 

Cụ thể, người bệnh nên lưu ý một số điều sau:

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ:
    • Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để ổn định huyết áp. Tùy vào tình trạng của từng người, qua thăm khám bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định và có hướng dẫn  phù hợp.
    • Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc giữa chừng, khiến huyết áp và đường huyết tăng vọt sẽ rất nguy hiểm.
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Bỏ rượu và thuốc lá (nếu có)
  • Thay đổi chế độ ăn:
    • Nên ăn: ăn nhiều trái cây (tuy nhiên nên hạn chế những loại quả có lượng đường cao như: sầu riêng, mít, chuối chín kỹ, xoài chín,...), ăn nhiều rau củ, sử dụng các sản phẩm sữa ít chất béo
    • Nên tránh: để dự phòng tăng huyết áp chế độ ăn cần cắt giảm lượng muối natri (dưới 2,3 gram/ngày), hạn chế đạm trong thực phẩm
  • Tập luyện thể dục đều đặn: tối thiểu 30 phút/ ngày, 5 ngày/tuần. Với người bệnh có bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ tập luyện, vận động phù hợp. 

Người bệnh đái tháo đường nên thăm khám định kỳ để đánh giá tình trạng, kiểm soát chỉ số đường huyết, kiểm soát huyết áp để hạn chế những biến chứng ở người bệnh đái tháo đường. Khi đã đạt được mức huyết áp mục tiêu vẫn phải tiếp tục duy trì các thuốc huyết áp đang theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngừng thuốc dùng vì nếu bệnh nhân ngừng thuốc, huyết áp sẽ tăng trở lại.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết