Thai phụ có thể đẻ thường được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi thai, độ mở tử cung, sinh được đường âm đạo nhanh hay không, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng tiền sản giật và sức khỏe của mẹ bầu.
Tuy nhiên với những trường hợp bắt buộc phải đưa thai nhi ra ngoài thì đẻ mổ vẫn là phương pháp được khuyến khích lựa chọn.
Đối tượng nguy cơ bệnh tiền sản giật
Những đối tượng có các yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật bao gồm:
- Đa thai, đa ối, con to
- Thai hỗ trợ sinh sản
- Mẹ sinh con khi trên 35 tuổi, dưới 18 tuổi hoặc mẹ hút thuốc lá
- Thai trứng, biểu hiện tiền sản giật thường biểu hiện sớm
- Thai nghén ở phụ nữ đái tháo đường, tăng huyết áp mạn tính, béo phì
- Tiền sử có tiền sản giật - sản giật ở lần mang thai trước
- Tiểu đường type I, II , tiểu đường thai kỳ
- Mẹ mắc các bệnh hệ thống
Bị tiền sản giật có đẻ thường được không?
Theo bác sĩ chuyên khoa, gần 40% sản phụ bị tiền sản giật hoàn toàn có thể sinh thường, số còn lại được chỉ định mổ lấy thai (sinh mổ). Việc dùng phương pháp nào bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của mẹ và bé để lựa chọn cách sinh phù hợp nhất.
Trường hợp thai nhi đã phát triển đến tuần thứ 35 và 36, thời điểm này cổ tử cung người mẹ đã mềm thì thai phụ vẫn có thể sinh thường. Quá trình sinh thường này cần được bác sĩ theo dõi sát sao trong suốt quá trình chuyển dạ.
Tuy nhiên, khi bị tiền sản giật, thai phụ thường được khuyến khích chọn phương pháp sinh mổ hơn là sinh thường vì có nguy cơ sinh non thiếu tháng và khó khăn trong quá trình chuyển dạ.
- Tại bệnh viện: Thai phụ được chỉ định làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu. Bên cạnh đó, đo monitoring sản khoa, siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy.
- Tại nhà: Thai phụ được hướng dẫn đo huyết áp ngày hai lần (sáng, chiều), ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.
Thời điểm phù hợp để sinh con khi thai phụ bị tiền sản giật
Trường hợp thai nhi đã phát triển đủ thời gian (>37 tuần)
Bác sĩ có thể chỉ định chuyển dạ nhân tạo hoặc tiến hành mổ đẻ, và tình trạng tiền sản giật nhờ đó cũng sẽ được giải quyết.
Trường hợp thai nhi chưa phát triển đủ thời gian (<37 tuần)
Thai phụ cần điều trị tiền sản giật để ổn định tình trạng, chờ thêm thời gian để thai nhi phát triển đầy đủ hơn rồi lúc đó mới chỉ định chuyển dạ nhân tạo hoặc mổ đẻ sau (càng tới gần ngày dự sinh càng tốt cho em bé).
Với mức độ nhẹ, thai phụ được hướng dẫn thực hiện các biện pháp như sau:
- Nghỉ ngơi nhiều, nên nằm nghỉ nghiêng về bên trái càng nhiều càng tốt.
- Theo dõi cần thiện tim thai qua monitor và siêu âm.
- Dùng thuốc kiểm soát huyết áp ở mức an toàn.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
Với mức độ nặng hơn, thai phụ cần nhập viện để các bác sĩ theo dõi tốt hơn, thực hiện được nhiều chỉ định điều trị hơn, bao gồm:
- Sử dụng thuốc chống co giật, hạ huyết áp và các thuốc khác.
- Tiêm thuốc kích thích trưởng thành phổi cho thai nhi.
- Kiểm soát lượng dịch.
Trường hợp tiền sản giật mức độ nặng
Thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định cho sinh nở ngay dù thai nhi thiếu tháng để giải quyết tình trạng tiền sản giật.
Tóm lại, thai phụ bị tiền sản giật vẫn có thể đẻ thường, tuy nhiên việc đẻ bằng phương pháp nào sẽ do bác sĩ căn cứ vào tình hình của mẹ và bé để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.