Hội chứng tiền sản giật có những dấu hiệu có thể nhận ra được như sưng phù, đau đầu, buồn nôn, tăng cân bất thường hoặc thay đổi thị giác…Bên cạnh đó cũng có những dấu hiệu chỉ được phát hiện ra khi khám thai như protein trong nước tiểu, phản xạ mạnh bất thường.
Để phát hiện và đánh giá được độ nặng nhẹ của bệnh, thai phụ cần khám thai thường xuyên đúng định kỳ.
Dấu hiệu tiền sản giật mẹ bầu cần lưu ý
Tiền sản giật có thể không có triệu chứng hoặc có thể gây phù hoặc tăng cân quá mức đột ngột (> 5 lb/tuần). Phù không do tư thế, như sưng mặt hoặc bàn tay, đặc trưng hơn là phù do tư thế. Đốm xuất huyết có thể phát triển, cũng như các dấu hiệu khác của bệnh đông máu. Sản giật biểu hiện bằng co giật toàn thể (tonic-clonic).
Chứng tiền sản giật với các biểu hiện nghiêm trọng có thể gây tổn thương cơ quan phổi, gan, thận. Các biểu hiện này có thể bao gồm:
1. Huyết áp tăng cao
Tiền sản giật có triệu chứng đặc trưng là huyết áp cao. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể phát triển thành sản giật, gây tình trạng co giật, thậm chí tử vong. Do đó, việc kiểm tra huyết áp định kỳ thường xuyên là điều cần thiết trong quá trình mang thai.
2. Protein trong nước tiểu
Đây là triệu chứng tiêu biểu của tiền sản giật, dấu hiệu này chỉ được phát hiện ra khi đi khám thai. Tình trạng này có thể xảy ra khi các mạch máu co thắt do huyết áp tăng cao và có thể là do các mạch máu ở thận bị rò rỉ, cho phép protein từ máu đi vào nước tiểu.
3. Lượng nước tiểu giảm
Khi chứng tiền sản giật trở nên nghiêm trọng, sản phụ có thể đi tiểu ít hơn hoặc thậm chí không thể đi tiểu. Đó có thể là do sự co thắt các mạch máu gây ra bởi huyết áp cao.
4. Sưng phù
Tiền sản giật thường xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ, tiền sản giật thường gây phù nề ở mặt và bàn tay. Đây cũng là thời điểm mà sản phụ dễ bị phù nề thông thường do tích nước nhất ở bàn chân.
5. Đau đầu dữ dội
Đau đầu cũng là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng cơn đau đầu do tiền sản giật thường dữ dội hơn và kéo dài hơn nhiều. Cơn đau đầu này có thể là hệ quả trực tiếp của huyết áp cao, hoặc hệ quả gián tiếp của phù não.
6. Buồn nôn hoặc nôn mửa
Tình trạng nôn nghén sẽ xảy ra ở 3 tháng đầu tiên. Nếu sau 3 tháng đầu tiên bạn vẫn gặp phải tình trạng nôn mửa, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa sau ba tháng đầu có thể là các mạch máu bị rò rỉ đã tạo áp lực lên gan.
7. Tăng cân đột ngột
Tăng cân trong thời kỳ mang thai là một tình trạng bình thường, một phần là do thai nhi phát triển, mẹ bầu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vào cơ thể một phần là do phù nề. Tuy nhiên, nếu bạn đột ngột tăng tới vài cân chỉ trong vài ngày, hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
8. Thay đổi thị giác
Khoảng 25 - 50% sản phụ mắc tiền sản giật cho biết họ gặp các triệu chứng về thị giác như thị lực mờ nhòe, xuất hiện các đốm đen hoặc tia chớp trước mắt, hay mắt nhạy cảm với ánh sáng. Các thay đổi này có thể là do dây thần kinh thị giác bị sưng phù, cảnh báo chứng phù não.
9. Phản xạ mạnh bất thường
Tình trạng tăng phản xạ là dấu hiệu chỉ có thể phát hiện khi thai phụ đi khám tại bệnh viện. Sự tăng phản xạ này là do kích ứng hệ thần kinh trung ương - hệ quả của phù não.
10. Thở gấp và lo âu
Vào những tháng cuối của thai kỳ, thai phụ có thể cảm thấy khó thở khi các cơ quan nội tạng bị chèn ép bởi thai nhi. Nhưng tình trạng khó thở cũng có thể xảy ra do tích nước ở phổi và điều này có thể dẫn đến lo âu vì thiếu oxy.
11. Đau ở bụng trên phía bên phải
Bạn có thể cho rằng cơn đau ở mạn sườn là do ợ nóng hoặc do thai nhi đạp, nhưng đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật đã ảnh hưởng đến gan. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến vỡ gan, thậm chí tử vong.
Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, mẹ bầu cần chú ý các dấu hiệu tiền sản giật để được chăm sóc và điều trị kịp thời.