Biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường
Biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường
Biến chứng bàn chân đái tháo đường
Biến chứng bàn chân đái tháo đường - Ảnh: BookingCare

Biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 29/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Biến chứng tiểu đường ở chân là căn bệnh nguy hiểm mà bất kì người bệnh tiểu đường nào cũng cần phải chú ý.

Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tổn thương thần kinh. Đặc biệt là tổn thương thần kinh ngoại vi - ảnh hưởng đến bàn tay, bàn chân, cẳng chân và cẳng tay. Triệu chứng thường bắt đầu ở ngón chân, bàn chân, gây cảm giác như đau, tê bì, cảm giác kiến bò, yếu cơ, bỏng rát hoặc mất cảm giác. 

Biến chứng bàn chân tiểu đường là nỗi lo của rất nhiều người bệnh. Trong bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu những đặc điểm, nguyên nhân và cách phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường. 

Nguyên nhân gây biến chứng chân ở người bệnh tiểu đường

Tổn thương thần kinh

Chấn thương ở bàn chân hoặc cẳng chân có thể gây đau đớn, nhưng ở những người bị tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường, cảm giác đau đớn ở vùng bàn ngón tay, chân bị giảm đi. Người bệnh sẽ không cảm nhận được những tổn thương ở bàn chân khi bị bỏng, va quệt, đi giày dép chật.  Những vết thương nhỏ có thể không được phát hiện và điều trị, có khả năng dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hơn.

Ngoài cảm giác tê, bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể dẫn đến những cảm giác khó chịu như ngứa ran, đau và nóng rát ở chân và bàn chân.

Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể dẫn đến tổn thương khớp, xương, cơ và cấu trúc của bàn chân.

Tổn thương mạch máu

Rối loạn tuần hoàn, đặc biệt là tắc nghẽn động mạch nhỏ, thường xảy ra ở chi dưới của bệnh nhân tiểu đường. Khi bị thương, do mạch máu nuôi dưỡng bị tắc sẽ khó lành những vết thương có thể phát triển thành vết loét hoặc thậm chí hoại tử. 

Ở một số bệnh nhân do nguồn cung cấp máu bị suy giảm nghiêm trọng, có thể xuất hiện vết loét ngay cả khi không bị thương.

Việc thiếu máu cung cấp cho các cơ ở chân cũng có thể dẫn đến đau chân khi đi bộ, thường xảy ra sau khi đi bộ một quãng đường nhất định và giảm bớt khi nghỉ ngơi. 

Nhiễm trùng

Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các vết loét ở bàn chân và cẳng chân người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn và mất nhiều thời gian hơn để chữa lành hơn so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Nhiễm trùng cũng dễ lây lan sang các mô khác, bao gồm cả xương khớp.

Triệu chứng biến chứng tiểu đường ở chân

Người bệnh đái tháo đường có các biểu hiện như: tê bì, giảm cảm giác hoặc các loại cảm giác bỏng rát, lạnh buốt, châm chích, kiến bò, nên thăm khám sớm vì đây rất có thể là biểu hiện của biến chứng tiểu đường ở chân

Quan sát da bàn chân khô, nứt nẻ, rụng lông, teo cơ, vùng cẳng chân và mô bàn chân. Người có tổn thương bàn chân đái tháo đường có thể xuất hiện các vết bọng nước tự nhiên, hoại tử đen ở một số vị trí trên vùng da bàn chân, các vị trí đầu ngón, các vết nứt da.

Triệu chứng toàn thân của tình trạng vết thương bàn chân đái tháo đường như: các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt cao, nặng hơn có thể dẫn đến các bệnh cấp tính của nhiễm trùng toàn thân, kèm với các triệu chứng của tăng đường huyết.

Những lưu ý để ngăn ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường

  • Giữ huyết áp dưới 140/90 mmHg (hoặc chỉ số cụ thể mà bác sĩ đặt ra).
  • Kiểm soát đường huyết là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất để phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường
  • Hoạt động thể chất thường xuyên, người bệnh có thể lựa chọn những bài tập thể dục phù hợp với người bệnh tiểu đường để có trạng thái sức khỏe ổn định
  • Giảm cân (nếu bạn đang thừa cân)
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia và các chất kích thích.
  • Ngừng hút thuốc.
  • Thực hiện kế hoạch ăn uống lành mạnh .
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trong trường hợp cơ thể có các dấu hiệu nêu trên, cần thăm khám sớm nhất có thể, tránh tình trạng bệnh trở nên xấu hơn
  • Bộ y tế khuyến cáo, người bệnh tiểu đường cần được khám đánh giá toàn diện bàn chân mỗi năm 1 lần để đề phòng nguy cơ loét và cắt cụt chi do biến chứng bàn chân tiểu đường.

Chăm sóc bàn chân đúng cách

  • Bảo vệ bàn chân khỏi những vết thương tác động từ bên ngoài và cả bên trong vì vết thương chân của người bệnh tiểu đường rất khó lành. 
  • Hàng ngày, kiểm tra đánh giá bàn chân để phát hiện những bất thường, rửa chân bằng nước ấm (không nóng) và lau khô cẩn thận, kể cả giữa các ngón chân.
  • Sau khi rửa sạch và lau khô, thoa kem dưỡng ẩm lên bàn chân nhưng tránh bôi kem dưỡng ẩm giữa các ngón chân.
  • Luôn mang giày và tất, đồng thời lưu ý khi chọn giày: phải đủ rộng để thoải mái, nhưng không quá rộng để tuột ra, có lớp lót đàn hồi (nhưng không mềm) và bên trong nhẵn, không có chỗ gồ ghề. Hạn chế đi chân đất nhất là ở những người có biến chứng thần kinh tiểu đường

Những người mắc bệnh đái tháo đường nên đi khám bàn chân tiểu đường ít nhất mỗi năm một lần. Hoặc có thể sớm hơn nếu bàn chân xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Hy vọng bài viết trên đây đã mang đến cho bạn thông tin về bệnh lý tiểu đường và biến chứng ở chân. Xem thêm Cẩm nang BookingCare để biết thêm nhiều kiến thức y khoa hữu ích về bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết