Lập kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường
Lập kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường
Lập kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường - Ảnh: BookingCare

Lập kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường

Tác giả: - Xuất bản: 11/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Người bệnh tiểu đường cần lên kế hoạch cụ thể cho bữa ăn hàng ngày của mình để có thể kiểm soát lượng carbs đưa vào cơ thể từ đó hạn chế sự gia tăng lượng đường huyết.

Lên kế hoạch bữa ăn là một phần thiết yếu trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Người bệnh nên xây dựng riêng cho mình kế hoạch ăn uống phù hợp, biết những loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, thuốc men hay các yếu tố khác.

Kế hoạch ăn uống giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát khẩu phần ăn, dễ dàng đưa ra lựa chọn khi đói và duy trì trong một thời gian dài sẽ tạo nên một thói quen ăn uống lành mạnh.

Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường là hạn chế Carbohydrate để tránh làm tăng đường máu sau ăn và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá. Chế độ ăn phải cung cấp cho người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong bữa chính và bữa phụ

Đo lường lượng Carbs (Carbohydrate)

Theo dõi lượng carb bạn ăn và đặt giới hạn cho mỗi bữa ăn có thể giúp giữ lượng đường trong máu luôn trong mức ổn định. Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng đã thăm khám để biết bạn có thể ăn bao nhiêu carbs mỗi ngày và trong mỗi bữa ăn từ đó có thể xác định chính xác lượng Calo mỗi ngày.

Lựa chọn công thức nấu ăn phù hợp

Người bệnh có thể chọn một số công thức nấu ăn đơn giản, phù hợp với bệnh nhân tiểu đường như luộc, hấp, áp chảo,... hạn chế các món xào, chiên rán, hầm,.. vì các món ăn này làm quá trình hấp thụ đường vào máu rất nhanh, khiến tăng đường huyết đột ngột. Một tuần, chỉ nên chọn 2-3 công thức nấu ăn.

Nguyên tắc này giúp giảm thời gian dự trữ thực phẩm, việc nấu nướng dễ dàng hơn và tránh bỏ nhiều nguyên liệu. Các công thức nấu ăn được đơn giản hóa, hạn chế dùng đường và các gia vị bổ sung như dầu hào, tương ớt, các loại nước sốt... 

Lập danh sách thực phẩm

Bước tiếp theo là lên danh sách các thực phẩm cần mua. Việc xác định trước thực phẩm cần có giúp bạn tránh ăn uống vô tội vạ khi thấy đói, gây tăng đường huyết đột ngột. Nếu có thể, nên dành thời gian sơ chế toàn bộ thực phẩm để quá trình chế biến nhanh chóng và thuận tiện hơn

Số lượng bữa ăn

Những bệnh nhân đái tháo đường thừa cân, béo phì hoặc những bệnh nhân chỉ điều trị bằng chế độ ăn , không dùng thuốc hạ đường máu thì chỉ nên ăn 3 bữa chính/ngày. Bệnh nhân gầy, đang điều trị insulin có thể chia làm 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày.

Phân bổ chất dinh dưỡng

Bạn có thể phân bổ các chất dinh dưỡng theo nguyên tắc sau:

  • Carbohydrate: Đặt mục tiêu tiêu thụ từ 45 - 60 g carbs mỗi bữa ăn và khoảng 15 g mỗi bữa ăn nhẹ. Các loại thực phẩm giàu tinh bột gồm: bánh mì, ngũ cốc, gạo và bánh quy giòn, trái cây, các loại đậu như đậu, đậu lăng, đậu nành, các loại rau có tinh bột như khoai tây, bí mùa đông và ngô...
  • Chất béo: Một chế độ ăn uống cân bằng nên chứa khoảng 20-35% lượng calo từ chất béo. Mỗi bữa ăn có thể tiêu thụ 15-25 g chất béo, dựa trên chế độ ăn 2.000 calo. Thực phẩm giàu chất béo, bao gồm: trái bơ, ô liu và dầu ô liu, dầu canola, dừa và dầu dừa, các loại hạt, sữa nguyên béo hoặc sữa nguyên kem, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt bê, da gia cầm...
  • Chất đạm: Người trưởng thành có thể tiêu thụ 45 - 60 g protein mỗi ngày, chia nhỏ cho các bữa ăn chính và ăn nhẹ. Thực phẩm giàu protein gồm: thịt gia cầm, cá, trứng, đậu nành...
  • Chất xơ: Người lớn mắc bệnh tiểu đường nên nhắm tới 35 g chất xơ mỗi ngày. Chất xơ là một chất dinh dưỡng quan trọng cần tính đến khi lên kế hoạch cho các bữa ăn thân thiện với bệnh tiểu đường. Chất xơ giúp làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu. Chúng có cấu trúc phức tạp nên mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa.Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, đậu, đậu lăng, tinh bột như khoai lang và bí, trái cây như táo và quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch…

Trên đây là những lưu ý mà bạn cần biết để chuẩn bị lập kế hoạch bữa ăn cho người bệnh tiểu đường. Bạn có thể tham khảo thêm cách lập thực đơn 7 ngày cho người bệnh tiểu đường để có một kế hoạch ăn uống cụ thể, chính xác. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết