Bướu nhân tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Những điều cần biết về bướu nhân tuyến giáp
Những điều cần biết về bướu nhân tuyến giáp - Ảnh: BookingCare

Bướu nhân tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 29/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 21/04/2024
Khi mô tuyến giáp phát triển không bình thường, nó tạo ra một hoặc nhiều bướu nhân tuyến giáp. Người có bướu giáp đơn nhân, tỷ lệ ác tính thường cao hơn so với những người có bướu giáp đa nhân.

Bướu nhân tuyến giáp là một trong những bệnh lý thường gặp, trên lâm sàng có khoảng 4-7% người mắc.  

Tỷ lệ mắc bướu nhân tuyến giáp ở nữ thường cao hơn nam, độ tuổi hay gặp từ 36-55. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ bướu nhân tuyến giáp là ung thư. Bệnh thường diễn biến âm thầm, các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Dưới đây là một số thông tin khái quát về bệnh lý này.

Bướu nhân tuyến giáp là gì

Tuyến giáp là một phần quan trọng của hệ thống các tuyến nội tiết, tạo ra nhiều loại hormone cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của cơ thể. Tuyến giáp có hình bướm nằm ở phía trước cổ, dưới sụn giáp. 

Bướu nhân tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo nên một hoặc nhiều nốt có thể là khối dịch dạng lỏng hoặc nhân đặc. Bướu nhân có thể lành tính hoặc ác tính.

Có nhiều loại nhân tuyến giáp, điển hình là: 

  • Nhân keo: các mô tuyến giáp phát triển quá mức, phát triển lớn nhưng không phát triển xâm lấn ngoài bao tuyến giáp thường là lành tính
  • Bướu cổ đa nhân: tuyến giáp phát triển thành nhiều nốt
  • U nang tuyến giáp: có chứa dịch và là tổ chức nang
  • Ung thư tuyến giáp: gặp khoảng 5% tỷ lệ bướu nhân tuyến giáp
  • Nốt viêm: được phát triển là kết quả của viêm mạn tính lâu có thể gây đau cho người bệnh

Trong cộng đồng chúng ta, ai cũng có nguy cơ mắc bướu nhân tuyến giáp, tuy nhiên có một số đối tượng sẽ có nguy cơ mắc cao hơn so với người bình thường như:

  • Người có tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột từng bị  bệnh về nhân tuyến giáp làm tăng nguy cơ mắc bướu nhân tuyến giáp
  • Độ tuổi từ 36 đến 55 tuổi tuy nhiên nguy cơ mắc càng cao khi tuổi càng cao
  • Tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn ở nam
  • Tiền sử tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với các chất phóng xạ như làm việc trong môi trường có phóng xạ, chụp CT, X-quang,... cũng làm nguy cơ mắc 

Nguyên nhân hình thành bướu nhân tuyến giáp

Một số nguyên nhân gây ra bướu nhân tuyến giáp trong đó phổ biến nhất là:

  • Thiếu iod: iod rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, việc thiếu iod trong thời gian dài có thể khiến tuyến giáp phát triển thành nhân tuyến giáp
  • Viêm tuyến giáp mãn tính (bệnh Hashimoto): là tình trạng rối loạn tự miễn khiến tuyến giáp tạo ra ít hormone gây nên viêm tuyến giáp  và hình thành các bướu nhân.
  • Bướu độc tuyến giáp: bướu giáp đơn nhân phát triển trong một phần của tuyến giáp, thường lành tính không dẫn tới ung thư
  • Bướu đa nhân tuyến giáp: ở 2 bên tuyến giáp chứa một số các nốt chứa chất lỏng hoặc chất rắn làm tăng kích thước tuyến giáp
  • Bệnh bướu cổ (bệnh Graves): khi tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp gây bệnh cường giáp 
  • Ung thư tuyến giáp: thường xuất hiện mở rộng ở một phía tuyến giáp và ít phổ biến hơn so với u lành tuyến giáp

Triệu chứng thường gặp của bướu nhân tuyến giáp

Đa số không xuất hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu gì. Tuy nhiên những nhân giáp lớn thường khiến người bệnh xuất hiện một số triệu chứng bướu nhân tuyến giáp sau:

  • Nhìn thấy cổ to, sờ hoặc nhìn thấy nhân giáp
  • Khàn tiếng
  • Khó thở và khó nuốt
  • Giảm cân đột ngột
  • Hội chứng cường giáp (tăng tiết mồ hôi, run tay, nhịp tim nhanh hoặc không đều,...)
  • Hội chứng suy giáp (sợ lạnh, trầm cảm, da khô, táo bón…)

Chẩn đoán bướu nhân tuyến giáp

Bướu nhân tuyến giáp được chẩn đoán nhằm mục tiêu là loại trừ khả năng mắc ung thư tuyến giáp qua khám lâm sàng và các xét nghiệm:

  • Hỏi tiền sử và bệnh sử chiếu tia xạ vùng đầu cổ, tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, bị bệnh Cowden, hội chứng Gardner… Các triệu chứng cần hỏi khác là u tuyến giáp to nhanh, nói khàn, nuốt khó, đau hoặc bị chèn ép vùng cổ; các triệu chứng của cường giáp hoặc suy giáp.
  • Khám lâm sàng: có thể thấy nhân tuyến giáp mềm hoặc cứng, nhỏ (khư trú) hoặc to (lan tỏa), di động hoặc cố định, và đau hoặc không đau. Có thể sờ thấy hạch to kèm theo.
  • Xét nghiệm sinh hoá: Đánh giá nồng độ hormone tuyến giáp như đo nồng độ hormone TSH và FT4
  • Siêu âm tuyến giáp và vùng cổ: có giá trị phát hiện chính xác các nhân không sờ được trên lâm sàng, xác định là bướu đơn nhân (đa số) hay đa nhân, đo kích thước các nhân và thể tích bướu giáp. Siêu âm còn hỗ trợ định vị để thực hiện thao tác sinh tiết tuyến giáp.
  • Chọc hút nhân giáp bằng kim nhỏ: là kỹ thuật đơn giản, nhưng rất giá trị vì nó có thể cung cấp các thông tin trực tiếp và đặc hiệu về một nhân tuyến giáp. Kết quả của xét nghiệm có thể đánh giá bản chất của nhân là lành tính hay ác tính.
  • Xạ hình tuyến giáp: thường được chỉ định ở bệnh nhân có hormone TSH thấp, xác định liệu bướu đơn nhân trên lâm sàng có thực sự là bướu đơn nhân hay là đa nhân, và chẩn đoán trường hợp bướu sau xương ức. Không nên làm xạ hình sau khi chụp CT có tiêm thuốc cản quang có chứa Iode vì khi đó tuyến giáp thường giảm bắt Iode phóng xạ.
  • Một số thăm dò cận lâm sàng khác như: chụp CT scanner và cộng hưởng từ (MRI),...
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm sinh hoá máu để chẩn đoán bướu nhân tuyến giáp - Ảnh: BookingCare

Biến chứng của bướu nhân tuyến giáp

Nếu không được phát hiện và điều trị bệnh đúng cách sẽ gây ra một số biến chứng bướu nhân tuyến giáp nguy hiểm như:

  • Cường giáp
  • Khó nuốt hoặc khó thở
  • Suy tim, nhịp tim không đều hoặc nhịp tim nhanh
  • Sụt cân, suy dinh dưỡng
  • Ngừng thở khi ngủ
  • Ho mạn tính và khàn tiếng
  • Với nhân giáp ác tính: bệnh tiến triển xâm lấn tại chỗ, di căn tới cơ quan khác

Điều trị bướu nhân tuyến giáp

Việc điều trị bướu nhân tuyến giáp phụ thuộc vào tình trạng của bệnh

  • Điều trị nội khoa với hormone tuyến giáp
  • Điều trị bằng iod phóng xạ: phương pháp này làm giảm kích thước các nhân tuyến giáp. Được lựa chọn cho những bệnh nhân có bướu nhân hoạt động, kèm hoặc không kèm theo cường giáp. Chống chỉ định ở BN là phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
  • Đốt sóng cao tần bướu giáp nhân cho những nhân lành tính
  • Phẫu thuật: khi nhân giáp quá lớn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và thẩm mỹ đối với nhân lành; chỉ định phẫu thuật khi là ung thư hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp qua kết quả sinh thiết.

Cách phòng chống bướu nhân tuyến giáp

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư. Nếu gia đình đã và đang có người từng mắc bệnh liên quan đến tuyến giáp thì cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện bệnh sớm nếu có từ đó có phác đồ điều trị kịp thời.
  • Khi cơ thể có những biến đổi bất thường như: giảm cân đột ngột mặc dù vẫn giữ chế độ ăn bình thường; khó ngủ; yếu cơ; lo lắng; khàn tiếng khó nuốt thì cần đi thăm khám 
  • Nên kiểm tra vùng cổ thường xuyên bằng cách đứng trước gương dùng tay sờ vào cổ xem có xuất hiện khối u, cục bất thường không
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh, cần tìm hiểu rõ nên và không nên ăn thực phẩm nào, giàu chất xơ vitamin và khoáng chất, hạn chế đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn. Sử dụng muối iod và những thực phẩm giàu iod như hải sản, rong biển,...
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,... những chất này không những tăng nguy cơ gây ung thư tuyến giáp mà còn các bệnh ung thư nói chung khác

Bướu nhân tuyến giáp là một bệnh lý thường gặp. Vì vậy việc duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng cân đối là chìa khóa để phòng tránh nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả bướu nhân tuyến giáp. Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tuyến giáp, hãy đi thăm khám ngay để đảm bảo được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết