Sụt cân ngoài ý muốn là biểu hiện thường gặp ở người bệnh tiểu đường do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém đi. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh cảm thấy suy nhược, mệt mỏi.
Tại sao người bệnh tiểu đường lại bị sụt cân và làm thế nào để hạn chế tình trạng sụt cân ở người bệnh tiểu đường? Cùng BookingCare tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.
Các tế bào trong cơ thể người bình thường sử dụng glucose để làm nguồn năng lượng trực tiếp cho các hoạt động sống. Trong khi đó, ở người bệnh tiểu đường, tế bào không thể sử dụng glucose một cách bình thường nên luôn bị thiếu năng lượng dù mức đường trong máu rất cao. Cơ thể buộc phải đốt cháy chất béo và cả cơ bắp để lấy năng lượng, từ đó gây sụt giảm cân nặng.
Giảm cân ngoài ý muốn ở người bệnh tiểu đường cũng có thể do các biến chứng như tổn thương thận hoặc thần kinh. Ví dụ, đi tiểu nhiều, một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường, gây ra sự đào thải glucose qua nước tiểu. Kết quả là, gánh nặng cho thận nhiều hơn khiến thận phải hoạt động liên tục, dẫn đến mất chất điện giải và chất dinh dưỡng thiết yếu. Theo thời gian, cơ thể bị sụt cân và có thể xuất hiện các biến chứng sức khỏe khác
Ngoài ra, sụt cân còn có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng cấp tính nguy hiểm, có thể dẫn tới hôn mê và cần được điều trị sớm.
Nếu cơ thể đột ngột giảm từ 4,5kg hoặc 5% trọng lượng cơ thể trở lên trong vòng 6 - 12 tháng, mà không phải do chế độ ăn hay yếu tố nào khác tác động, người bệnh tiểu đường nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người bệnh tiểu đường không nên cố gắng tăng cân bằng cách bổ sung thật nhiều chất dinh dưỡng để bù đắp số cân lượng hao hụt, điều này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia giúp người bệnh tiểu đường khắc phục tình trạng giảm cân mất kiểm soát:
Để khắc phục tình trạng giảm cân không mong muốn do bệnh tiểu đường, người bệnh nên theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định. Như vậy có thể ngăn chặn sự phân hủy mô mỡ và cơ để sản xuất năng lượng.
Đi khám định kỳ với bác sĩ để được hướng dẫn về cách theo dõi lượng đường trong máu và đề xuất các điều chỉnh thích hợp đối với liều lượng thuốc hoặc insulin (nếu cần)
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng là điều quan trọng giúp người bệnh tiểu đường đạt được mức cân nặng khỏe mạnh.
Người bệnh nên tập trung vào việc kết hợp các loại thực phẩm cung cấp lượng calo và chất dinh dưỡng cần thiết. Bổ sung thực phẩm giàu calo như các loại hạt và chất béo lành mạnh để thúc đẩy tăng cân lành mạnh.
Ngoài ra, nên ưu tiên các nguồn protein như thịt nạc, trứng, cá, các sản phẩm từ sữa ít béo và các loại đậu vì protein hỗ trợ duy trì và phát triển cơ bắp.
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, người bệnh tiểu đường có gầy sút cân có thể ăn làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày để tránh làm tăng đường máu sau ăn nhiều. Bữa sáng 10%, bữa phụ sáng 10%, bữa trưa 30%, bữa phụ chiều 10%, bữa tối 30%, bữa phụ tối 10%.
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy rằng việc giải phóng cortisol - một loại hormone gây căng thẳng, có thể làm tăng lượng đường trong máu bằng cách phá vỡ glycogen dự trữ trong gan.
Bên cạnh đó, stress cũng khiến người bệnh dễ có cảm giác chán nản, bỏ ăn, mất ngủ thậm chí là trầm cảm, khiến cân nặng bị sụt giảm nghiêm trọng. Để giảm bớt căng thẳng, hãy xem xét tích hợp các kỹ thuật thư giãn vào thói quen hàng ngày của bạn. Một số phương pháp là thiền định, tập hít thở sâu hoặc tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Sụt cân hay tăng cân ở người bệnh tiểu đường đều là những vấn đề cần được lưu ý. Nếu cơ thể bạn đang có những dấu hiệu bất thường, hãy đến gặp trực tiếp các bác sĩ Nội tiết tiểu đường uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.