Các huyệt giác hơi ở lưng điều trị các vấn đề bệnh lý

Tác giả: - Xuất bản: 03/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Các huyệt giác hơi ở lưng điều trị các vấn đề bệnh lý
Các huyệt giác hơi ở lưng điều trị các vấn đề bệnh lý - Ảnh: BookingCare
Giác hơi ở lưng được sử dụng phổ biến nhằm điều trị nhiều bệnh lý như trị cảm mạo phong hàn, điều trị các chứng đau vai gáy, đau lưng. Vậy có những huyệt giác hơi ở lưng nào thường dùng? 

Giác hơi là phương pháp trị liệu có nguồn gốc từ Ai Cập và được sử dụng rộng rãi lâu đời ở Trung Quốc, được nghiên cứu, chứng minh hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh. Hiện nay, giác hơi cũng đã trở thành phương pháp điều trị không dùng thuốc phổ biến tại Việt Nam giúp điều trị các chứng đau cổ vai gáy, đau lưng, cảm mạo phong hàn… Tìm hiểu các huyệt giác hơi ở vùng lưng được sử dụng nhiều qua bài viết dưới đây. 

Các huyệt giác hơi ở lưng

Giác hơi thường được sử dụng để trị các chứng cảm mạo, đau do lạnh như cảm phong hàn, đau cổ gáy, đau lưng… Trị liệu bằng giác hơi cũng đã được báo cáo lợi ích trong điều trị đau lưng, đau cổ và đau đầu và đau nửa đầu, đau đầu gối, liệt mặt, hội chứng ống cổ tay, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn. 

Tùy theo bệnh lý mà các huyệt đạo để giác hơi trên cơ thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, vùng lưng là vùng có các huyệt giác hơi nhiều nhất. Các huyệt vùng lưng trên cơ thể thường được áp dụng cho liệu pháp giác hơi gồm:  

  • Huyệt Giáp tích: Dùng đầu ngón tay ấn vào vùng lõm giáp nhau giữa 2 đốt sống lưng, vùng sờ thấy được và lồi ra là mỏm gai của các đốt sống. Từ mỏm gai đo ra ngoài 0.5 thốn là vị trí huyệt đạo. 
  • Huyệt thuộc mạch Đốc: Đi dọc giữa xương sống, giữa khe liên đốt sống. 
  • Huyệt thuộc kinh Túc Thái Dương Bàng Quang (kinh Bàng Quang): Các huyệt này cách mạch Đốc 1.5 thốn và huyệt cách mạch đốc 3 thốn.
Vùng lưng là vùng có các huyệt giác hơi nhiều nhất
Vùng lưng là vùng có các huyệt giác hơi nhiều nhất - Ảnh: Freepik

Các huyệt giác hơi vùng lưng điều trị các bệnh 

Trị cảm mạo phong hàn 

Để trị cảm mạo phong hàn, người ta sử dụng các huyệt đạo trên vùng lưng bao gồm: Đại chùy, Phong môn, Phế du, Tâm du, Can du, Phong phủ các huyệt tuần hành trên mạch Đốc và kinh Bàng quang… Kết hợp cùng một số huyệt khác như huyệt Thái dương, huyệt Hợp cốc, huyệt Ngoại quan. 

Trị đau vai gáy

Đau vai gáy do nhiều nguyên nhân như thoái hoá cột sống cổ, do sai tư thế, do stress, chấn thương,…

Biểu hiện đau vai gáy chủ yếu là đau nhẹ, đau mỏi vùng vai gáy và có thể kèm hạn chế vận động vùng cổ gáy, vùng đầu như không quay đầu thoải mái được, chỉ nghiêng sang trái hoặc phải mà không quay lại phía sau được. Đau khu trú tại vùng vai gáy hoặc lan xuống cánh tay, lan lên đầu làm nhức đầu…

Các huyệt thường dùng để giác hơi trị chứng đau là các huyệt tại chỗ (A thị huyệt) và các huyệt thuộc các đường kinh chạy qua vùng đau. Một số huyệt đạo giác hơi được áp dụng để điều trị đau vai gáy như: A thị huyệt, huyệt Đại chùy, Kiên tỉnh, Đại trữ, Kiên ngoại du, Kiên trung du, Giáp tích ở cổ, huyệt Thiên tông…

Trị đau lưng 

Đau lưng hay còn gọi là “yêu thống” trong y học cổ truyền. Nguyên nhân có thể do lao động quá sức, sai tư thế mất thăng bằng hoặc tổn thương cân cơ, xương khớp như thoái hóa đốt sống, dị dạng đốt sống… gây đau. Hoặc theo y học cổ truyền, có thể do ngoại tà xâm phạm vào kinh lạc vùng lưng hoặc do chấn thương, sai tư thế làm khí huyết ứ trệ không thông gây ra đau hoặc do công năng tạng Can Thận suy giảm không nuôi dưỡng được xương khớp, cân cơ lâu ngày gây đau, co cứng cơ…  

Biểu hiện bệnh là một bên hoặc cả hai bên lưng đau nhức hoặc đau nhói, đau âm ỉ, cũng có thể có cảm giác đau nhức, lạnh tê, có khi lan sang vùng mông, khi lao động hoặc khi thời tiết thay đổi thì đau hơn, được nghỉ ngơi thì đau giảm. Bệnh thường tái phát nhiều lần gây hạn chế hoạt động lưng.

Khi đau lưng, người ta thường áp dụng các huyệt để giác hơi như: A thị huyệt, các huyệt dọc theo kinh Bàng quang (Thận du, Đại trường du…), huyệt giáp tích vùng lưng và mạch Đốc. 

Giác hơi điều trị nhiều chứng bệnh như đau lưng, đau vai gáy, cảm mạo
Giác hơi điều trị nhiều chứng bệnh như đau lưng, đau vai gáy, cảm mạo - Ảnh: Freepik

Những lưu ý khi thực hiện giác hơi vùng lưng 

  • Tuỳ theo vùng bị bệnh mà lựa chọn tư thế giác hơi phù hợp: nằm nghiêng, nằm sấp, ngồi để bộc lộc các huyệt giác vùng lưng. 
  • Không nên giác hơi ở ngoài trời, những nơi quá nóng, quá lạnh, đề phòng cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt. Không giác hơi trong phòng điều hoà với nhiệt độ thấp.
  • Nên giác hơi trong phòng có nhiệt độ vừa phải, không có gió lùa 
  • Một số trường hợp không áp dụng liệu pháp giác hơi gồm: trẻ em dưới 4 tuổi, người sốt cao, co giật, trầy xước hoặc viêm da và các bệnh lý da, người ung thư di căn, phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt, người đang say rượu, có các vấn đề tâm thần kinh, người đang mắc các bệnh truyền nhiễm, người đang được cấy ghép thiết bị điện tử, không nên giác hơi khi quá đói hoặc quá no…
  • Khi giác hơi cần chú ý cảm giác người bệnh, quan sát phản ứng tại chỗ cũng như toàn thân. Nếu xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi nhiều… cần dừng giác hơi để xử lý kịp thời. 
  • Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn rõ ràng trước khi áp dụng liệu pháp giác hơi. 

Tùy theo từng bệnh lý mà các huyệt đạo để giác hơi khác nhau. Một số huyệt đạo thường được sử dụng để giác hơi như Đại chùy, Kiên tỉnh, Thiên tông, Giáp tích… Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.