Tổng quan về phương pháp giác hơi và những điều bạn cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 03/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Tổng quan về phương pháp giác hơi và những điều bạn cần biết
Tổng quan về phương pháp giác hơi và những điều bạn cần biết - Ảnh: BookingCare
Giác hơi sử dụng cốc giác tạo áp suất âm, gây sung huyết mạch máu tại chỗ, từ đó phòng và điều trị bệnh. Tìm hiểu về giác hơi và những chỉ định - chống chỉ định, quy trình giác hơi qua bài viết này.

Cũng giống như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, giác hơi là một trong những phương thức trị liệu không dùng thuốc của y học cổ truyền. Giác hơi mang lại nhiều công dụng trong việc phòng và điều trị bệnh lý. Vậy phương pháp giác hơi là gì? Những ai nên và không nên áp dụng giác hơi? Quy trình và những lưu ý khi sử dụng giác hơi? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Giác hơi là gì?

Giác hơi hay còn được gọi là hoả liệu pháp, là phương thức trị liệu có nguồn gốc từ Tây Á. Những đề cập lâu đời nhất về giác hơi được tìm thấy trong cuốn sách cổ của Ai Cập.

Cơ chế của giác hơi là dùng những chiếc cốc chuyên dụng đặt lên da người bệnh. Mục đích là tạo ra áp suất âm trong những chiếc cốc, áp suất âm được tạo ra trong cốc làm cho da hút lên trên thành cốc. Sau đó, các cốc được để nguyên vị trí hoặc di chuyển xung quanh da để cải thiện lưu thông máu trong khu vực, loại bỏ độc tố, gây sung huyết mạch máu tại chỗ, từ đó tác dụng của giác hơi giúp giảm đau, giảm viêm, giải độc, phòng và điều trị một số bệnh lý. 

Giác hơi là là phương thức trị liệu có nguồn gốc từ Ai Cập
Giác hơi là là phương thức trị liệu có nguồn gốc từ Ai Cập - Ảnh: Freepik

Có những phương pháp giác hơi nào? 

Hiện nay, có một số phương pháp giác hơi thường được sử dụng bao gồm: 

  • Giác hơi “khô”: Phương pháp này thực hiện bằng cách đun nóng bên trong cốc bằng que lửa, đốt cồn, thảo mộc, giấy… Nhằm đốt cháy hết không khí trong lòng ống giác, tạo ra môi trường chân không, sau đó  người giác hơi nhanh chóng úp cốc vào da người bệnh.  áp suất âm trong môi trường chân không kéo da bên trong cốc gây sung huyết mạch máu tại chỗ. Một cách tiếp cận hiện đại hơn là sử dụng thiết bị hút để loại bỏ không khí ra khỏi cốc, tạo ra môi trường chân không tương tự. 
  • Giác hơi “ướt”: Phương pháp thứ hai  này kết hợp chích lể da trước khi đặt cốc giác. Khi cốc giác được áp vào da và da được hút lên, một lượng máu nhỏ có thể chảy ra từ vị trí chích với tác dụng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. 
  • Giác hơi “chạy”: Phương pháp này giống với giác hơi khô. Nhưng trước khi bắt đầu, người thực hiện thường sẽ thoa một lớp dầu trên da của bạn. Sau khi đặt cốc vào, người thực hiện sẽ di chuyển cốc theo các hướng khác nhau trên vùng bị ảnh hưởng của cơ thể.

Tác dụng của phương pháp giác hơi

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, bệnh tật phát sinh là do mất cân bằng âm dương. Cơ chế chữa bệnh là điều hoà và lập lại cân bằng âm dương đã mất. Giác hơi thông qua việc đặt ốc hút lên các huyệt vị trên cơ thể, kích thích các huyệt vị có thể giúp điều chỉnh phủ tạng khí huyết, giúp cơ thể đạt được trạng thái cân bằng âm dương. Đồng thời, giác hơi còn giúp loại bỏ tà khí ra ngoài cơ thể. 

Giác hơi giúp điều chỉnh khí huyết, đuổi tà khí, lập lại cân bằng âm dương
Giác hơi giúp điều chỉnh khí huyết, đuổi tà khí, lập lại cân bằng âm dương - Ảnh: Freepik

Khi cơ thể phát sinh bệnh tật, kinh lạc bị ứ trở không thông, khí huyết không điều hòa: “thông thì bất thống, thống thì bất thông” (thông lợi thì không đau, đau thì không thông). Thông qua lực hút và nhiệt độ của giác hơi, có thể làm đả thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, giảm đau hiệu quả. 

Theo y học hiện đại 

Cảm giác chạm, áp lực và rung động được tạo ra trong quá trình trị liệu bằng giác hơi sẽ kích thích có chọn lọc các sợi thần kinh lớn. Sự kích thích này dẫn đến ức chế truyền tín hiệu đau lên não thông qua sừng sau của tủy sống, từ đó giúp giảm đau cho cơ thể. Ngoài ra, liệu pháp giác hơi đã được sử dụng trong điều trị các hội chứng đau vô căn do các nhà khoa học cho rằng cơn đau ở một bộ phận cơ thể có thể bị đè nén hoặc bị lu mờ bởi cơn đau ở một vùng khác, giác hơi có thể tạo ra cảm giác đè nén và đau có điều kiện kiểm soát được vì thế tạo ra phản xạ giảm đau. 

Liệu pháp giác hơi có thể kích thích tăng sản xuất oxit nitric (NO), chất này kiểm soát lưu lượng máu, thể tích và sự giãn mạch. Đối với liệu pháp giác hơi ướt, giác hơi giúp đào thải các chất độc hại trong cơ thể,  máu được lấy trong quá trình giác hơi ướt được phát hiện có nồng độ cao của nhiều chất khác nhau, bao gồm axit uric, cholesterol, urê và chất béo trung tính…

Liệu pháp giác hơi còn có tác dụng tăng cường chức năng thực bào của bạch cầu và mạng lưới nội bì, từ đó tăng cường khả năng đề kháng bệnh tật của cơ thể. 

Những ai nên và không nên áp dụng giác hơi? 

Chỉ định 

Một số bệnh lý có thể điều trị bằng phương pháp giác hơi, bao gồm: 

  • Cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn, ho kéo dài…
  • Đau nhức xương khớp, đau lưng gối, đau mỏi các khớp. 
  • Viêm khớp, viêm khớp dạng thấp
  • Đau dạ dày, viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích
  • Đau đầu, đau nửa đầu
  • Tăng huyết áp 
  • Béo phì 
  • Các vấn đề da liễu: mụn rộp, mụn trứng cá…

Chống chỉ định

Cần chống chỉ định sử dụng giác hơi trong các trường hợp: 

  • Người có các tổn thương trên da tại vùng giác hơi như trầy xước, chảy máu, viêm da, các bệnh da liễu như lang ben, hắc lào, chàm, vảy nến… Không giác tại các vùng như trước tim, đầu vú và vùng bụng khi đang có thai.
  • Người bị sốt cao hoặc đang co giật
  • Người có tiền sử bệnh lý tim mạch, thận, phổi hoặc có bất kì thiết bị y tế điện tử cấy ghép nào, khí phế thũng, suy tim nặng, suy thận nặng…
  • Người đang mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh lao phổi, HIV, viêm gan siêu vi B, C.
  • Bệnh nhân rối loạn đông cầm máu, đang xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp, hay người đang sử dụng các thuốc chống đông máu. 
  • Người đang phù toàn thân 
  • Người có vấn đề tâm thần: động kinh, suy nhược cơ thể 
  • Người có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu 
  • Trẻ em dưới 4 tuổi
  • Người cao tuổi có lớp da và cơ quá mỏng.
  • Bệnh nhân ung thư di căn 
  • Người đang say rượu, ăn quá no hoặc quá đói, người mệt mỏi…
  • Người suy giãn tĩnh mạch, phụ nữ đang hành kinh cần thận trọng khi giác hơi.
Những ai nên và không nên sử dụng giác hơi điều trị?
Những ai nên và không nên sử dụng giác hơi điều trị? - Ảnh: Freepik

Quy trình giác hơi diễn ra như thế nào? 

Quy trình giác hơi diễn ra thông qua các bước 

Bước 1: Chuẩn bị bệnh nhân. Giường bệnh kín gió, thông khí đầy đủ. Bộ dụng cụ giác hơi được làm sạch bằng cồn y tế để tránh nhiễm khuẩn.

Bước 2: Lựa chọn tư thế giác hơi. Tùy theo vị trí giác mà có tư thế ngồi, nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng phù hợp. 

Bước 3: Lựa chọn vị trí giác hơi. Những vị trí giác hơi phải có lớp cơ và lớp mỡ dưới da dày. Không chọn các vùng có mạch máu nông, vùng ở tim, vùng da quá mỏng, vùng có sẹo hoặc vùng da nhão nhiều nếp nhăn. 

Bước 4: Tiến hành giác hơi. Đem cốc giác so với vùng giác để chọn ống có kích cỡ phù hợp. Tùy vào mục đích và tình trạng bệnh của người bệnh để chọn lực giác phù hợp. Đặt cốc giác lên và tiến hành giác hơi theo các phương pháp giác hơi “chạy”, giác hơi “ướt” hay giác hơi “khô”. 

Bước 5: Kết thúc giác hơi. Nên để cốc giác trên da tối đa từ 5 đến 10 phút trong một buổi trị liệu giác hơi. Sau đó, nhẹ nhàng gỡ cốc giác ra,  sạch vùng da giác hơi và vệ sinh sạch sẽ bộ giác. 

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi giác hơi

Khi giác hơi, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: 

  • Tác dụng phụ thường gặp khi giác hơi sẽ thường xuất hiện ban đỏ cục bộ và vết bầm máu tại (các) vị trí giác hơi. 
  • Trường hợp ít gặp: Da đổi màu, tạo sẹo, bỏng, nhiễm trùng da hoặc làm nặng thêm tình trạng da chàm, vảy nến…
  • Các tác dụng phụ ít gặp sau khi giác hơi như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, căng cơ, đau nhiều hơn…
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng ít gặp hơn: xuất huyết nội khi giác hơi vùng đầu, hoặc gây mất máu khi giác hơi có chích lể. 
  • Lây truyền các bệnh truyền nhiễm khi dụng cụ giác hơi có dính máu và sử dụng cho nhiều người mà không vệ sinh sạch sẽ. 

Trên đây là những thông tin cần thiết về phương pháp giác hơi và tác dụng của giác hơi trong phòng và điều trị bệnh. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.