Giác hơi là liệu pháp y học thay thế dùng áp suất âm trong cốc giác nhằm gây sung huyết tại chỗ để giải độc cơ thể, phòng và điều trị bệnh. Hiện nay, giác hơi cũng như các phương pháp không dùng thuốc khác được ứng dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế y học cổ truyền. Vậy giác hơi có những tác dụng nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Giác hơi tạo ra kích thích cơ học, tạo ra sự thoải mái và thư giãn ở mức độ toàn thân và dẫn đến sự gia tăng sản xuất opioid nội sinh trong não dẫn đến cải thiện khả năng kiểm soát cơn đau, thông qua da và mạch máu dưới da, tác dụng giãn mạch và mất máu có xu hướng làm tăng hoạt động phó giao cảm và làm thư giãn các cơ trong cơ thể, đồng thời giúp giảm căng thẳng mệt mỏi.
Ngoài ra, cảm giác chạm, áp lực và rung động được tạo ra trong quá trình trị liệu bằng giác hơi sẽ kích thích có chọn lọc các sợi thần kinh lớn. Sự kích thích này dẫn đến ức chế truyền tín hiệu đau lên não thông qua sừng sau của tủy sống, từ đó giúp giảm đau.
Trong liệu pháp giác hơi, khi cơ quan bị bệnh gửi tín hiệu đến da qua các dây thần kinh tự chủ, da sẽ phản ứng bằng cách trở nên căng cứng, đau kèm theo sưng tấy.
Khi giác hơi, các thụ thể trên da được kích hoạt khi áp bầu giác vào da. Toàn bộ quá trình này sẽ dẫn đến sự gia tăng lưu thông máu và cung cấp máu cho da, cho các cơ quan nội tạng thông qua các kết nối thần kinh.
Ngoài ra, khi máu được hút vào khu vực bên dưới ống giác, lưu thông máu tại chỗ tăng lên. Sự lưu thông máu tác dụng sâu xuống lớp cơ, giúp các tế bào trong khu vực này phục hồi nhanh hơn. Quá trình này có thể giúp chữa lành chấn thương mô mềm, giảm căng cơ và ngừng đau.
Sự gia tăng lưu lượng máu thông qua giác hơi có thể thúc đẩy việc giải phóng cách chất độc và chất thải, cải thiện dinh dưỡng cục bộ. Đồng thời, giác hơi thúc đẩy sự trao đổi chất và hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, loại bỏ yếu tố gây bệnh.
Lực hút áp suất âm được tạo ra bởi giác hơi có lợi cho việc chiết xuất chất độc được tạo ra bởi chất lỏng có mủ, dịch tiết và vi trùng, cũng như enzyme phân giải mô. Giác hơi có thể đóng một vai trò trong việc bài tiết các tế bào hồng cầu cũ. Đồng thời, các kim loại nặng như nhôm, thủy ngân, bạc và chì cũng được loại bỏ khi giác hơi.
Giác hơi có khả năng ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch bằng cách:
Liệu pháp giác hơi cũng làm tăng cường chức năng thực bào của bạch cầu và mạng lưới nội bì, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Tại hai vùng sống lưng trước và sau khi tiến hành giác hơi, người ta so sánh chỉ số tiêu diệt vi khuẩn của tế bào bạch cầu số lượng huyết thanh. Kết quả cho thấy sau giác hơi, chỉ số này cao hơn rõ rệt.
Giác hơi làm giãn mao mạch tại chỗ và tăng cường tuần hoàn máu qua da. Mạch máu ở những vùng được sử dụng liệu pháp giác hơi giãn ra, giải phóng cách chất giãn mạch như adenosine, noradrenaline, histamine, dẫn đến tăng lưu thông máu, ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Người ta thấy rằng máu được lấy trong quá trình giác hơi ướt được phát hiện có nồng độ cao của nhiều chất khác nhau, bao gồm axit uric, cholesterol, LDL, urê… Các chất này là những nguyên nhân chủ yếu gây ra xơ vữa động mạch. Vì vậy, giác hơi có thể là một phương pháp hiệu quả để giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL) và do đó có thể có tác dụng phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
Theo y học cổ truyền, bệnh tật phát sinh là do mất cân bằng âm dương. Cơ chế chữa bệnh là điều hoà và lập lại cân bằng âm dương đã mất.
Giác hơi thông qua việc đặt cốc hút lên các huyệt vị trên cơ thể, kích thích các huyệt vị có thể giúp điều chỉnh phủ tạng khí huyết, giúp cơ thể đạt được trạng thái cân bằng âm dương. Đồng thời, giác hơi còn giúp loại bỏ tà khí ra ngoài cơ thể.
Khi cơ thể phát sinh bệnh tật, kinh lạc bị ứ trở không thông, khí huyết không điều hòa: “thông thì bất thống, thống thì bất thông” (thông lợi thì không đau, đau thì không thông). Thông qua lực hút và nhiệt độ của giác hơi, có thể làm đả thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, giảm đau hiệu quả.
Giác hơi là một liệu pháp giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh, phòng và điều trị nhiều bệnh lý hiệu quả. Đây là một trong những phương pháp khá an toàn, phù hợp với nhiều đối tượng. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm được rõ hơn các thông tin liên quan đến liệu pháp giác hơi.