Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tê bì chân tay
Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tê bì chân tay
Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tê bì chân tay - Ảnh BookingCare
Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tê bì chân tay - Ảnh BookingCare

Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tê bì chân tay

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 10/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Tê bì là triệu chứng của tổn thương thần kinh cảm giác, do đó các nguyên nhân gây tổn thương thần kinh cảm giác đều có thể gây tê bì chân tay.

Ở những người khỏe mạnh đa số các triệu chứng tê bì thoáng qua và nhanh chóng biến mất gọi là tê bì chân tay sinh lý hay tê bì thoáng qua. Trong trường hợp tê bì chân tay kéo dài và kèm theo các triệu chứng đau nhức khác gọi là tê bì bệnh lý. 

Tê bì chân tay thoáng qua (sinh lý)

Trong trường hợp này các triệu chứng tê bì thường xuất hiện thoáng qua, nhanh chóng biến mất khi mọi người thay đổi tư thế làm việc, sinh hoạt. Cụ thể:

  • Một số thói quen xấu hoặc tính chất công việc có thể dẫn đến tình trạng tê bì tay chân, trong đó thường thấy là tình trạng ngồi, đứng, duy trì một tư thế quá lâu, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, ngồi bắt chéo chân chạy xe nhiều giờ… dẫn đến mạch máu và thần kinh bị chèn ép, khiến máu khó lưu thông. Và một số phụ nữ sau sinh cũng có thể gặp tình trạng này.
  • Do tư thế làm việc: Tê bì tay chân cũng có thể gặp ở trường hợp vác vật nặng, ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động và thường xuyên ngồi dưới máy lạnh sẽ gây tổn thương dây thần kinh.
  • Do ngủ nghiêng người, nằm gối quá cao, liên tục dùng giày cao gót… cũng sẽ khiến tay chân tê bì.
  • Do tình trạng căng thẳng, stress, mệt mỏi: Căng thẳng, mệt mỏi kích thích các tế bào thần kinh gần bề mặt da, gây tê ngứa và tê bì tay chân.
  • Do thuốc: Nếu phải dùng một số thuốc điều trị bệnh mạn tính, thì tê bì chân tay có thể là kết quả của tác dụng phụ của thuốc.

 Tê bì chân tay kéo dài ( bệnh lý)

Thông thường tê bì tay chân có thể là do nguyên nhân bình thường, tuy nhiên nếu tê bì tay chân kéo dài vài ngày  kèm theo đau nhức xương khớp xuất hiện, thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Do chấn thương: nếu khi gặp tai nạn, va chạm, ngã... khiến dây thần kinh ngoại biên tổn thương cũng sẽ gây tê bì chân tay, hạn chế vận động.
  • Do thoái hóa cột sống: nếu xuất hiện tình trạng tê bì vùng cổ lan xuống tay hoặc đau từ thắt lưng xuống chân. Hiện tượng tê bì tay chân do thoái hóa thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.
  • Do thoát vị đĩa đệm: tê bì tay chân có thể do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm. Đây là bệnh lý thường gặp ở đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng.
  • Do thoái hóa khớp: khớp tay, khớp đầu gối hoặc khớp háng bị tổn thương do các yếu tố tiêu cực, sẽ gây hạn chế vận động và dẫn đến tê bì cánh tay, bàn chân.
  • Do hẹp ống sống: cột sống bị biến dạng, thu nhỏ lại khiến các rễ thần kinh chạy qua bị chèn ép và gây tê tay chân kéo dài. Bệnh để lâu sẽ gây tắc nghẽn lưu thông máu, vận động khó khăn.
  • Do đa xơ cứng: với những bệnh nhân bị đa xơ cứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và tấn công lớp phủ bảo vệ xung quanh các sợi thần kinh, làm tổn thương sợi thần kinh. Tình trạng này dẫn đến co thắt cơ bắp, mệt mỏi.
  • Do viêm đa rễ thần kinh: bệnh lý xảy ra khi hệ thần kinh ngoại biên tổn thương, gây rối loạn cảm giác và hạn chế vận động. Các nguyên nhân gây bệnh đa dây thần kinh gồm có: miễn dịch, ngộ độc, thiếu vitamin…
  • Bệnh tiểu đường: nồng độ đường trong máu cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường.
  • Tê bì chân tay cùng một nửa bên người xuất hiện đột ngột có thể do tai biến mạch máu não
  • Tê bì bàn ngón tay đơn độc là triệu chứng tương đối phổ biến do hội chứng ống cổ tay. Trong bệnh lý này dây thần kinh giữa đi qua ổ tay bị dây chằng vòng cổ tay chèn ép gây viêm dẫn đến tê bì bàn tay

Tóm lại, nếu bạn đang mắc tê bì chân tay thì cần phân biệt đó là tê bì sinh lý hay bệnh lý thông qua các dấu hiệu kể trên để có thái độ xử trí phù hợp. Nếu tình trạng tê bì kéo dài liên tục trên 6 tuần, bạn cần phải thăm khám ngay.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết