Các phương pháp điều trị đau thắt lưng và lưu ý giảm đau tại nhà
Thăm khám và điều trị đau thắt lưng
Phương pháp điều trị đau thắt lưng và lưu ý giảm đau tại nhà - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp điều trị đau thắt lưng và lưu ý giảm đau tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Người bệnh đau thắt lưng có thể được chỉ định điều trị nội khoa sử dụng thuốc để giảm đau, tập vật lý trị liệu, châm cứu hoặc phẫu thuật,... tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng.

Nguyên tắc trong điều trị đau thắt lưng là điều trị giảm đau và điều trị nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thắt lưng. Do vậy, các phương pháp điều trị đau thắt lưng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và cá nhân hóa theo từng tình trạng người bệnh.

Mặc dù vậy, để người bệnh, người nhà có thể tham khảo, nội dung bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thông tin tổng quan về các phương pháp điều trị đau thắt lưng đang được áp dụng hiện nay. 

Các phương pháp điều trị đau thắt lưng

Khi có các dấu hiệu đau thắt lưng nên sắp xếp thăm khám sớm để được xác định nguyên nhân, đặc biệt là đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm cần được xử trí sớm, đúng chuyên môn. Tuyệt đối không nghe theo chỉ dẫn từ người không có chuyên môn hay thực hiện các điều trị kéo, nắn, dẫm đạp vùng thắt lưng…

Nghỉ ngơi hợp lý

Đau thắt lưng thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi, chườm lạnh và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Sau một vài ngày nghỉ ngơi, bạn có thể bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Duy trì hoạt động sẽ làm tăng lưu lượng máu đến khu vực đó và giúp các cơ khoẻ mạnh hơn. 

Lưu ý người bệnh tránh nằm nghỉ trên giường quá lâu. Nghỉ ngơi tại giường vẫn hữu ích để giảm đau thắt lưng, đặc biệt nếu cơn đau nghiêm trọng đến mức khiến người bệnh đau khi ngồi hoặc đứng. Nhưng hãy cố gắng giới hạn thời gian nằm nghỉ trong một vài giờ mỗi lần và không quá một hoặc hai ngày.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và các loại thuốc khác có thể được sử dụng để giúp kiểm soát đau thắt lưng. 

  • Thuốc giảm đau thông thường và theo bậc: Đây là chỉ định đầu tay vì tính an toàn cũng như hiệu quả. Các loại thuốc thường được sử dụng như: Paracetamol (giảm đau bậc 1), Tramadol, Codein (bậc 2),...
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen (Advil, Motrin IB,...) và Naproxen Sodium (Aleve). Tuy nhiên, đi kèm tác dụng giảm đau, giảm viêm đó là những tác dụng không mong muốn lên dạ dày nên cần cân nhắc khi sử dụng và tốt nhất nên có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Corticosteroid:
    • Thường được sử dụng trong các trường hợp cấp. Bác sĩ có thể cho người bệnh điều trị bằng một đợt uống Prednisone ngắn có thể giúp giảm các triệu chứng nhanh và hiệu quả.
    • Trong trường hợp triệu chứng nặng hoặc kéo dài, việc chỉ định tiêm steroid cạnh cột sống giúp cải thiện triệu chứng của người bệnh.
    • Tuy nhiên, đây là một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ và có thể để lại hậu quả nặng nề về lâu dài nên cần thận trọng khi sử dụng.
  • Thuốc giãn cơ: Một số loại thuốc như Cyclobenzaprine (Amrix, Fexmid) có thể giúp giảm co thắt, căng cơ vân ở vùng cổ, giúp giảm bớt áp lực lên đĩa đệm và giúp cải thiện triệu chứng của người bệnh.
  • Thuốc chống co giật: Một số loại thuốc điều trị động kinh có thể làm giảm đau từ các dây thần kinh bị tổn thương.

Tập vật lý trị liệu

Tùy trình trạng người bệnh có thể cần đến bệnh viện để điều trị vật lý trị liệu hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu thoái hóa cột sống cổ mà người bệnh có thể tự tập tại nhà.

Các bài tập vật lí trị liệu giúp kéo giãn cột sống cổ, các lỗ liên hợp cũng sẽ được mở rộng tạo thuận lợi cho các nhân thoát vị đĩa đệm trở về vị trí cũ, các gai xương không còn chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, qua đó cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Do vậy, tập vật lý trị liệu là một trong những phương pháp điều trị tốt cho người bệnh đau cột sống thắt lưng.

Một số phương pháp điều trị thay thế

Một số phương pháp điều trị thay thế có thể hữu ích trong việc giảm đau thắt lưng, bao gồm:

  • Châm cứu: tác động đến các huyệt đạo, giải phóng năng lượng bị tắc nghẽn, giúp giảm đau. 
  • Phương pháp nắn chỉnh cột sống: Các bác sĩ điều chỉnh lại cấu trúc của cột sống thắt lưng, giải phóng sự chèn ép của các đốt sống bị sai vị trí mà không cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Phương pháp này đòi hỏi thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn về Trị liệu Thần kinh Cột sống, Chấn thương Chỉnh hình
  • Massage trị liệu để thư giãn cơ bắp đau nhức.

Phẫu thuật cột sống

Thông thường, tình trạng đau thắt lưng sẽ cải thiện theo thời gian khi người bệnh tuân thủ điều trị theo các phương pháp trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh cuối cùng phải phẫu thuật để cải thiện tình trạng.

Thông thường, với người bệnh đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm, đau thắt lưng do trượt đốt sống thắt lưng đã được điều trị nội khoa tích cực trong 3 tháng nhưng không đạt hiệu quả có thể thực hiện phẫu thuật. 

Lưu ý một số cách giúp giảm đau thắt lưng tại nhà

  • Chườm lạnh và chườm nóng: 
    • Tốt nhất nên chườm lạnh hoặc chườm đá giúp giảm đau, ngăn ngừa hoặc giảm sưng tấy. Không chườm nóng ngay sau khi bị chấn thương ở lưng.
    • Khoảng 48 giờ sau khi bắt đầu đau lưng, việc chườm miếng dán nóng hoặc chai nước nóng lên lưng có thể hữu ích. Hơi ấm làm dịu và thư giãn các cơ đang đau nhức và tăng lưu lượng máu.
    • Tuy nhiên, việc chườm nóng và chườm lạnh chỉ hữu ích trong tuần đầu tiên, khi mới bị đau thắt lưng. 
  • Tập luyện thể dục: Tập thể dục giúp cơ bắp khỏe mạnh, linh hoạt, ít bị chấn thương hơn. Tập luyện cũng giúp quá trình chữa lành chứng đau lưng, ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai và cải thiện chức năng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để tư vấn bài tập phù hợp, tránh thực hiện bài tập quá sức có thể khiến tình trạng nặng thêm. 
  • Sử dụng áo nẹp cột sống thắt lưng: Áo nẹp cột sống thắt lưng là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh lý đau lưng, đau thắt lưng. Áp nẹp giúp nâng đỡ cột sống thắt lưng, giảm căng giãn cơ cột sống thắt lưng từ đó giảm đau.

Tổng quan chung, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau thắt lưng, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị khác phù hợp, kết hợp các phương pháp khác nhau. Hãy tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ, tránh tự ý điều trị có thể khiến tình trạng nặng thêm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết