Các phương pháp điều trị u tủy sống hiện nay
Các phương pháp điều trị u tủy sống hiện nay
Các phương pháp điều trị u tuỷ sống
Các phương pháp điều trị u tuỷ sống - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp điều trị u tủy sống hiện nay

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 31/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Điều trị u tủy sống hiện nay bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hoá trị tùy thuộc vào vị trí, loại khối u và sức khỏe người bệnh. Dưới đây là những thông tin về các phương pháp điều trị u tủy sống mà BookingCare giới thiệu đến bạn đọc. 

Với sự phát triển của y học, ngày nay đã có nhiều phương pháp để điều trị căn bệnh nguy hiểm u tủy sống như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị,… Hiệu quả điều trị bệnh còn tùy thuộc nhiều vào việc phát hiện sớm hay muộn, vị trí, kích thước, tính chất khối u và sức khỏe người bệnh,…

Việc quyết định điều trị đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm phẫu thuật cột sống, chuyên gia ung thư, bác sĩ xạ trị và các chuyên khoa khác. Các lựa chọn điều trị bao gồm các phương pháp phẫu thuật và không phẫu thuật (theo dõi, xạ trị, hoá trị), cân nhắc dựa trên tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, giai đoạn khối u và mục tiêu điều trị.

Các phương pháp điều trị u tủy sống 

Hiện nay, có các phương pháp điều trị u tủy sống bao gồm: 

Theo dõi

Với một số khối u cột sống lành tính, tiến triển chậm, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ có thể được theo dõi định kỳ bằng chụp phim cộng hưởng từ (MRI).

Vi phẫu thuật cắt bỏ khối u

Vi phẫu thuật cắt bỏ u tủy sống là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu giúp loại bỏ khối u nhiều nhất có thể. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê cho người bệnh, quan sát và lấy khối u qua camera hoặc kính hiển vi. 

Kính hiển vi của kỹ thuật vi phẫu giúp bác sĩ quan sát khối u cũng như các dây thần kinh và các cấu trúc lành xung quanh. Nhờ đó việc bóc tách khối u khỏi tủy dễ dàng hơn, hạn chế ảnh hưởng tủy và các dây thần kinh.

Bất cứ sai sót nào trong quá trình vi phẫu đều có thể để lại những di chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật cho người bệnh như liệt vận động, liệt chi, tiểu tiện không tự chủ,… 

So với mổ mở, phương pháp vi phẫu ít xâm lấn hơn, người bệnh phục hồi nhanh và thời gian nằm viện ngắn hơn, ít đau đớn và biến chứng hơn. Bác sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng cắt bỏ khối u, sau đó đóng lỗ trong xương đốt sống và đóng vết mổ. 

Vi phẫu thuật cắt bỏ u tủy sống
Vi phẫu thuật cắt bỏ u tủy sống là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu - Ảnh: Moffitt 

Phẫu thuật cắt bỏ đốt sống 

Đây là phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u tủy sống bằng cách loại bỏ một phần đĩa đệm và đốt sống. Phương pháp này còn giúp giảm áp lực lên tủy sống hoặc các dây thần kinh do u tủy sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp cột sống,… gây ra. 

Phẫu thuật cắt bỏ đốt sống cũng được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân. Biến chứng có thể gặp là tổn thương tủy sống hoặc dây thần kinh, chảy máu, nhiễm trùng,…

Phẫu thuật ở bệnh nhân giai đoạn muộn

Ở bệnh nhân đã di căn, chủ yếu là điều trị giảm nhẹ triệu chứng u tuỷ sống với mục tiêu là phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh, làm vững cột sống và giảm đau, giải chèn ép tuỷ.

Xạ trị 

Xạ trị là hình thức điều trị u tủy sống bằng tia năng lượng cao (như tia X) giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường thực hiện sau phẫu thuật để diệt tế bào khối u còn sót lại. 

Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng cân nhắc xạ trị như phương pháp điều trị chính nếu không thể phẫu thuật hoặc cần phòng ngừa, điều trị biến chứng u tủy. 

Xạ trị thường được chia thành các liều nhỏ, mỗi tuần xạ 5 ngày.

Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của xạ trị mà người bệnh có thể gặp phải như gây mệt mỏi, buồn nôn, viêm da vùng xạ… Những triệu chứng này có thể thuyên giảm sau khi điều trị kết thúc. 

Xạ trị và hoá trị điều trị u tuỷ sống
Xạ trị và hoá trị cũng là một trong những phương pháp điều trị u tuỷ sống - Ảnh: Freepik

Hoá trị 

Hoá trị là sử dụng thuốc để phá huỷ các tế bào ung thư. Có thể sử dụng thuốc dạng tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc uống. Thuốc đi vào máu tiêu diệt, làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư trong tủy sống. Tuy nhiên, hoá trị có thể gây phá huỷ cả những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

Sau khi hoá trị, một số người bệnh có thể gặp tác dụng phụ: mệt mỏi, đau bụng, rụng tóc, suy tuỷ xương,…

Ngoài ra, các biện pháp điều trị u tủy sống có thể không đạt hiệu quả tối ưu ngay lần đầu tiên và cần nhiều lần mới loại bỏ được các khối u. Thông thường, bệnh nhân cần phải ở lại bệnh viện một thời gian khoảng 5-15 ngày hoặc lâu hơn tủy khả năng hồi phục và biến chứng có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc giảm đau để hạn chế tối đa các vấn đề gây khó chịu.

Sau khi điều trị bằng cách phương pháp trên, người bệnh u tủy sống cần thường xuyên thăm khám và kiểm tra tiến triển trong các phương pháp trị liệu. Bác sĩ sẽ theo dõi triệu chứng lâm sàng và các cận lâm sàng để đánh giá khối u và nguy cơ tái phát. 

U tủy là một bệnh lý hiếm gặp, tuy nhiên bệnh cần được chẩn đoán sớm và phẫu thuật sớm, có như vậy mới tránh được các biến chứng và các di chứng nặng nề. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về các phương pháp điều trị bệnh lý u tủy sống.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết