- Xuất bản: 31/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
U tủy sống là bệnh lý hiếm gặp thuộc hệ thống thần kinh trung ương - Ảnh: BookingCare
U tủy sống có triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ra sao? Những ai có nguy cơ mắc bệnh u tủy sống? Hãy cùng BookingCare tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề trên qua bài viết sau.
U tủy sống là bệnh lý hiếm gặp thuộc hệ thống thần kinh trung ương. Khối u tủy sống có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của ống sống, phát triển lớn dần chèn ép vào ống sống gây liệt, thậm chí tử vong. Việc nhận biết và can thiệp điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh tủy sống vĩnh viễn.
U tủy sống là gì?
Bệnh u tủy sống là tình trạng u phát triển trong ống sống, gây chèn ép tủy, rễ thần kinh hoặc cả hai. Đây là bệnh lý thuộc hệ thần kinh trung ương, hiếm gặp với tỷ lệ 4 - 8%.
U tủy sống có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của ống sống,... U vùng cột sống cổ chiếm tỷ lệ thấp (<25%) và hay gặp u nội tuỷ, u vùng cột sống ngực chiếm tỷ lệ cao nhất (>65%), u vùng cột sống thắt lưng-cùng chiếm tỷ lệ 15-25% và hay gặp u rễ thần kinh.
Các khối u tủy sống có thể bao gồm:
Khối u nội tủy (5-10%): Xuất phát từ các tế bào nằm bên trong tủy sống, ví dụ như u tế bào hình sao, u thần kinh đệm, u màng ống nội tủy (ependymoma), u mỡ (lipoma)…
Khối u ngoài tủy, dưới màng cứng (65-75%): Màng cứng (lớp phủ bên ngoài tủy) hoặc nằm tại các rễ thần kinh đi ra từ tủy. Các khối u này tuy nằm bên ngoài tủy nhưng vẫn có thể tạo áp lực chèn lên tủy và ảnh hưởng chức năng tủy sống, như: u vỏ bọc thần kinh, u sợi thần kinh, u màng não, u sợi thần kinh. Đây thường là những u lành tính, ranh giới rõ, phẫu thuật có thể lấy được toàn bộ u, ít gây tổn thương tủy - rễ thần kinh…
Khối u ngoài tủy, ngoài màng cứng (15-25%):Thường gặp do u di căn, thứ phát,…
U hỗn hợp: là loại u phát triển cả trong và ngoài màng cứng, u có hình dạng “đồng hồ cát" hoặc dạng hai túi… U dạng đồng hồ cát là thể u đặc biệt một phần u nằm trong ống sống, một phần u chui qua lỗ ghép ra ngoài ống sống. Phẫu thuật lấy triệt để loại u này rất khó khăn
Cho dù khối u nằm bên trong tủy hay ngoài tủy, khối u mới phát triển hay di căn thì đều có thể dẫn đến những vấn đề thần kinh, gây tàn tật vĩnh viễn, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh.
Triệu chứng u tủy sống
Các khối u tủy sống thường phát triển chậm, triệu chứng kín đáo và dễ nhầm lẫn với những bệnh thoái hoá thường gặp như đau mỏi cổ, cánh tay,… Tuy nhiên, khi khối u đã phát triển và có dấu hiệu chèn ép, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng u tuỷ sống sau:
Đau cổ hoặc đau lưng kéo dài, mức độ đau tăng dần: Đây là triệu chứng phổ biến của người bị đau tủy sống. Cơn đau có thể khu trú ở một vị trí nhất định hoặc có thể lan rộng ra một vùng rộng hơn. Cơn đau do u tủy sống có thể trở nên rõ ràng hơn sau một chấn thương nhỏ. Ngoài ra, cơn đau thường nghiêm trọng hơn vào buổi tối khiến bạn mất ngủ.
Rối loạn vận động: Người bị u tủy sống thường đi lại khó khăn, giảm tầm vận động, nguy cơ té ngã cao, liệt. Tình trạng rối loạn vận động cũng khiến tay, chân thường xuyên co rút, bị run khi cử động, gấp khớp,…
Yếu cơ: Người bệnh có cảm giác đau hoặc tê tay chân, liệt chi, liệt một bên người,… Nhiều người có cảm giác tê bì, yếu cơ, thậm chí có thể liệt cơ, tàn phế.
Mất cảm giác: Một trong những biến chứng thường gặp do u tủy sống gây nên là giảm, mất cảm giác. Biến chứng thường gặp ở những khối u đang phát triển lớn, đẩy tủy sống sang một bên khiến người bệnh mất cảm giác khi tiếp xúc môi trường nóng hoặc lạnh, giảm hay mất cảm giác đau,…
Biến dạng cột sống: Trẻ em bị u tủy sống có thể bị cong vẹo cột sống, biến dạng cột sống.
Rối loạn cơ tròn: người bệnh có thể mất kiểm soát cơ vòng, cơ tròn gây bí tiểu, tiểu không tự chủ hay đại tiện không tự chủ,…
Rối loạn dinh dưỡng có thể gặp loét bàn chân trong các u vùng thắt lưng, teo cơ gặp trong các u trong và ngoài tủy.
U tủy sống có nguy hiểm không?
U tủy sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng u tuỷ nguy hiểm đối với người bệnh như:
Rối loạn vận động, liệt hoặc tàn phế vĩnh viễn.
Rối loạn cảm giác, mất cảm giác.
Tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn
Suy giảm chức năng ruột và bàng quang, rối loạn chức năng tình dục
Trường hợp khối u chèn ép vào tủy sống có thể đe doạ tính mạng người bệnh.
Những ai có nguy cơ mắc u tủy sống?
U tủy sống có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, đây là bệnh lý hiếm gặp, chỉ chiếm 4 – 8% trong tất cả các bệnh lý u khác trong cơ thể. So với tỷ lệ người bệnh có khối u hệ thần kinh trung ương thì tỷ lệ người u tủy sống chiếm khoảng 15%.
Giữa u tủy và u não thì số người bị u não cao gấp 4 – 6 lần so với người bị u tủy sống. Tình trạng u tủy sống cũng thường gặp ở người lớn, rất ít trường hợp u tủy sống ở trẻ nhỏ.
Làm thế nào để chẩn đoán u tủy sống?
Chẩn đoán u tủy sống thường chủ yếu dựa vào cận lâm sàng (chẩn đoán hình ảnh). Dấu hiệu lâm sàng thường ít và muộn, do đó, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như:
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI là cách tốt nhất để tìm các khối u trong não và tủy sống. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể quan sát và kiểm tra mạch máu, lưu lượng máu và hoạt động trong não.
Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scans): Chụp CT giúp bác sĩ quan sát và đánh giá các tổ chức xương xung quanh tủy sống, từ đó quan sát các dấu hiệu đè đẩy, chèn ép.
Chụp PET/CT: Chụp PET/CT giúp ghi lại hình ảnh chuyển hoá của khối u. Dựa vào kết quả chụp PET, bác sĩ có thể đánh giá giai đoạn bệnh, xác định vị trí cần thực hiện sinh thiết và cân nhắc phương án điều trị phù hợp.
Sinh thiết: Bác sĩ có thể lấy các mảnh nhỏ của mô não hoặc tủy sống để sinh thiết kiểm tra các tế bào u. Sinh thiết thường là cách duy nhất để biết chính xác loại khối u tủy sống bên trong cơ thể người bệnh.
Điều trị u tủy sống như thế nào?
Điều trị u tủy sống phụ thuộc vào những yếu tố như loại khối u, vị trí và sức khoẻ tổng thể của người bệnh.
Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên được cân nhắc cho hầu hết bệnh nhân. Phẫu thuật có thể sử dụng để loại bỏ khối u, lấy mẫu sinh thiết, giảm kích thước khối u để điều trị xạ trị hoặc hóa trị, hay ngăn ngừa và điều trị biến chứng u tủy sống,… Tùy vào vị trí và độ lớn khối u mà bác sĩ có thể lựa chọn kỹ thuật phẫu thuật phù hợp.
Xạ trị: Xạ trị bằng tia năng lượng cao (như tia X) giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường thực hiện sau phẫu thuật để diệt tế bào khối u còn sót lại ở những trường hợp có nguy cơ tái phát. Bác sĩ cũng cân nhắc xạ trị như phương pháp điều trị chính nếu không thể phẫu thuật hoặc cần phòng ngừa, điều trị biến chứng u tủy. Tác dụng phụ của xạ trí có thể gây viêm dạ vùng xạ trị, mệt mỏi, buồn nôn,…
Hoá trị: Hoá trị là sử dụng thuốc để phá huỷ các tế bào ung thư. Tuy nhiên, hoá trị có thể gây phá huỷ cả những tế bào khỏe mạnh, tác dụng phụ: mệt mỏi, đau bụng, rụng tóc, chán ăn, buồn nôn, suy tuỷ xương…
Làm sao phòng ngừa u tủy sống
Ngoài việc tiếp xúc với bức xạ, thường không có nguyên nhân cụ thể nào (liên quan đến lối sống hoặc môi trường) có thể gây ra các khối u não và tủy sống. Chính vì vậy, cách tốt nhất là thăm khám định kỳ, nhận biết sớm các triệu chứng u tủy sống để kịp thời can thiệp và điều trị tốt nhất.
U tủy là một bệnh lý hiếm gặp, tủy nhiên bệnh cần được chẩn đoán sớm và phẫu thuật sớm, có như vậy mới đạt hiệu quả điều trị cao, tránh được các biến chứng và các di chứng nặng nề. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý u tủy sống.