Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Những phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Tác giả: - Xuất bản: 30/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Ung thư tuyến giáp thường không thể điều trị bằng một phương pháp duy nhất mà phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Việc lựa chọn các phương pháp này phải dựa trên một số yếu tố, bao gồm: Loại ung thư và giai đoạn ung thư tuyến giáp Tác dụng phụ có thể xảy ra Yêu cầu của bệnh nhân và gia đình Tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân Bệnh nhân sẽ được quyền đề nghị phương pháp điều trị cũng như lộ trình điều trị mong muốn điều trị và được thông báo về các mục tiêu điều trị.

Ung thư tuyến giáp thường không có các triệu chứng rõ ràng, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn sau và có khả năng di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Đa số các trường hợp ung thư tuyến giáp đều tiến triển chậm và cơ hội chữa khỏi cao nếu được điều trị sớm.

Bài viết dưới đây BookingCare sẽ cung cấp thông tin về phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật 

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp chính. Phẫu thuật nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, có thể kèm theo mổ vét hạch cổ. Cuộc phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân và hầu hết người bệnh có thể xuất viện sau đó vài ngày. Sau phẫu thuật, người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà trong vài tuần và tránh các hoạt động có thể gây căng thẳng cho cổ, chẳng hạn như nâng vật nặng. 

Tùy thuộc vào kích thước của khối u , các phương pháp phẫu thuật thường dùng gồm:

  • Cắt thùy giáp: cắt bỏ hoàn toàn một bên thuỳ tuyến giáp có chứa khối u ung thư
  • Cắt tuyến giáp gần toàn bộ: Cắt bỏ hầu hết tuyến giáp chỉ để  lại một phần nhỏ tuyến giáp.
  • Cắt toàn bộ tuyến giáp: Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, các hormone do tuyến giáp sản xuất sau đó được dùng bằng đường uống hoặc tiêm.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone là  phương pháp điều trị để thay thế hoặc bổ sung các hormon được sản sinh ra từ tuyến giáp.

Hormone giáp thay thế là levothyroxine (Levothroid, Levoxyl, Synthroid, Tirosint, Unithroid, và các tên biệt dược khác). Levothyroxine thường được dùng hàng ngày vào cùng thời điểm trong ngày, để cơ thể được bổ sung hormone liên tục. Việc thay thế hormone tuyến giáp được thực hiện bởi bác sĩ nội tiết.

Thuốc hormon tuyến giáp thường được dùng nhằm 2 mục đích:

  • Thay thế hormone tuyến giáp cần thiết cho cơ thể sau phẫu thuật.
  • Làm ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến giáp.

Liều lượng và liều lượng hormone cũng khác nhau đối với từng loại ung thư tuyến giáp, độ tuổi của bệnh nhân hay tình trạng sức khỏe hiện tại. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi nồng độ hormone thông qua xét nghiệm máu định kỳ để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. 

Một số tác dụng phụ khi dùng hormon tuyến giáp: phát ban, rụng tóc trong những tháng đầu tiên. Khi gặp các triệu chứng nặng như: sụt cân, đánh trống ngực, hồi hộp, dễ kích thích, tiêu chảy, co cứng bụng, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, run, đau đầu, mất ngủ, không chịu được nóng, sốt...  cần báo ngay bác sĩ để có biện pháp xử lý.

Xạ trị với I ốt đồng vị phóng xạ

Tuyến giáp hấp thu gần như toàn bộ lượng iod đưa vào cơ thể. Vì vậy, một loại xạ trị sử dụng Iod phóng xạ là đồng vị I-131 (còn được gọi RAI: Radioactive Iodine) có thể tìm và phá hủy các tế bào tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật.

Điều trị iod phóng xạ là một lựa chọn cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang. Ngoài ra phương pháp Iod phóng xạ còn được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân thể biệt hóa đã lan tới hạch bạch huyết hoặc di căn xa.

Sau quá trình điều trị, tùy vào liều i-ốt phóng xạ, có thể người bệnh sẽ cần nằm viện vài ngày và cách ly trong phòng riêng do cơ thể phát ra tia bức xạ. Sau khi liều bức xạ giảm xuống, người bệnh có thể tiếp xúc bình thường với người xung quanh và được xuất viện.

Điều trị Iốt phóng xạ có thể gây ra một số tác dụng phụ nhưng không phổ biến như: đau cổ, sưng tấy ở cổ, mệt mỏi, khô miệng, miệng có vị lạ, nôn hoặc buồn nôn, viêm tuyến nước bọt.

Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc (hóa chất) để phá hủy tế bào ung thư, thường bằng cách làm ngừng sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư. Mặc dù thuốc này không chữa khỏi ung thư tuyến giáp nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.

Tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào từng cá nhân và liều sử dụng, nhưng có thể gồm: mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn, tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị kết thúc.

Điều trị trúng đích

Điều trị trúng đích là phương pháp điều trị nhắm vào các gen, protein hoặc các mô cụ thể mà chúng góp phần vào sự phát triển và sinh tồn của ung thư. Đây là loại điều trị ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư trong khi hạn chế tổn thương cho các tế bào bình thường.

Đối với ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang, FDA đã chấp nhận cho 2 liệu pháp nhắm trúng đích: 

  • Thuốc Sorafenib (Nexavar): Được chấp thuận cho bệnh ung thư tuyến giáp biệt hóa giai đoạn sau hoặc tái phát khi liệu pháp I-131 không hiệu quả. Tác dụng phụ thường gặp của sorafenib bao gồm: phản ứng ở da tay da chân hoặc vùng da khác, tiêu chảy, mệt mỏi, giảm cân, tăng huyết áp.
  • Thuốc Lenvatinib (Lenvima, E7080): Được chấp thuận cho bệnh ung thư tuyến giáp biệt hóa giai đoạn sau khi phẫu thuật, điều trị bằng I-131 hoặc cả hai đều không hiệu quả.Tác dụng phụ thường gặp của lenvatinib bao gồm: tăng huyết áp, giảm ngon miệng, giảm cân nặng, buồn nôn.
  • Thuốc Larotrectinib (Vitrakvi) được chấp thuận cho các trường hợp hiếm gặp về ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang có đột biến tổng hợp gen NTRK .
  • Thuốc Entrectinib (Rozlytrek) được chấp thuận cho các khối u tuyến giáp có đột biến tổng hợp gen NTRK .
  • Thuốc Selpercantinib (Retevmo) và Pralsetinib (Gavreto) được phê duyệt cho các trường hợp hiếm gặp về ung thư tuyến giáp dương tính với RET di căn tiến triển cần điều trị toàn thân. Chúng có thể ảnh hưởng đến mức độ tiểu cầu, một số enzyme và protein trong cơ thể. Các mức này cần được theo dõi 2 tuần một lần trong 3 tháng đầu điều trị và sau đó mỗi tháng sau đó.

Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC), có 2 liệu pháp đích khác được FDA chấp nhận:

  • Vandetanib viên nén (Caprelsa, zd6474): Tác dụng phụ thường gặp: tiêu chảy, viêm đại tràng, nổi ban, buồn nôn, tăng huyết áp, đau đầu, mệt mỏi, giảm ngon miệng và đau dạ dày. Thêm vào đó, nhiều tác dụng phụ lên tim và hô hấp có thể xảy ra.
  • Thuốc Cabozantinib (Cometriq, Cabometyx, XL184): Tác dụng phụ có thể là táo bón, đau dạ dày, tăng huyết áp, thay đổi màu tóc, mệt mỏi, buồn nôn. Ngoài ra là một số vấn nghiêm trọng của đại tràng.
  • Thuốc Selpercatinib cũng được phê duyệt để điều trị cho những người mắc MTC đột biến RET giai đoạn nặng hoặc di căn .

Đối với ung thư tuyến giáp mất biệt hóa, có 1 liệu pháp kết hợp liệu pháp nhắm mục tiêu đã được FDA phê duyệt:

Thuốc Dabrafenib (Tafinlar) và trametinib (Mekinist) được chấp thuận để điều trị cho những người mắc bệnh ung thư tuyến giáp anaplastic có đột biến cụ thể ở gen BRAF . Dabrafenib là chất ức chế BRAF và trametinib là chất ức chế MEK.Trước khi bắt đầu liệu pháp điều trị đích, hãy thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra với từng loại thuốc cụ thể và cách quản lý chúng.

Hy vọng bài viết trên đây của BookingCare giúp bạn đọc hiểu thêm về các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết