- Xuất bản: 30/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Ung thư tuyến giáp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư tuyến nội tiết hay gặp nhất hiện nay. Người bệnh cần chú ý những triệu chứng của bệnh để thăm khám phát hiện kịp thời, tìm ra nguyên nhân và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Thời gian gần đây, tình trạng trẻ hóa ung thư tuyến giáp đang có xu hướng gia tăng. Điều đó làm suy giảm chất lượng sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Để phát hiện sớm cùng tìm hiểu các thông tin xoay quanh bệnh ung thư tuyến giáp cũng như cách điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong bài viết dưới đây của BookingCare.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là một bệnh ác tính được hình thành từ tình trạng tăng sinh bất thường các tế bào tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp có thể gây nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp đều là ung thư biểu mô nhú hoặc nang, có tính chất không ác tính cao và ít gây tử vong. Mặc dù vậy, việc đánh giá và điều trị ung thư tuyến giáp vẫn cần được thực hiện một cách cẩn trọng và không thể chủ quan.
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nghèo nàn. Dưới đây là một số dấu hiệu của ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện trên người bệnh.
Giai đoạn sớm của ung thư tuyến giáp
Bị khàn giọng, thay đổi giọng nói
Khó thở hoặc gắp các vấn đề khác liên quan tới hô hấp
Gai ngứa họng mạn tính, khó nuốt
Xuất hiện khối u
Xuất hiện vùng hạch cổ
Giai đoạn muộn của ung thư tuyến giáp
Khối u to, rắn, cố định trước cổ
Khàn tiếng kèm khó thở
Cảm giác khó nuốt, nghẹn ở cổ họng
Da vùng cổ đỏ, sùi loét, chảy máu
Sưng tuyến bạch huyết và đau cổ
Triệu chứng di căn xa
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp
Hiện nay người ta chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng trong cơ chế sinh bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh.
Một số yếu tố sau liên quan tới ung thư tuyến giáp hay gặp bao gồm:
Rối loạn hệ miễn dịch: Là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp đầu tiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sinh sản sinh ra các kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn bị suy giảm. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp bị xâm hại, gây ung thư tuyến giáp.
Cơ thể bị nhiễm phóng xạ: Ví dụ về các mức cao bức xạ bao gồm những người điều trị bức xạ đầu, cổ và từ bụi phóng xạ trong tai nạn hạt nhân hoặc thử nghiệm vũ khí.
Yếu tố di truyền: Tỷ lệ nguy cơ mắc Ung thư tuyến giáp cao hơn khi người thân trong gia đình như bố mẹ, anh, chị,... mắc ung thư. Một số người thừa hưởng một gen bị lỗi gọi là gen RET khiến họ phát triển ung thư tuyến giáp.Có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp: U tuyến giáp, phì đại (bướu cổ) hoặc viêm tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp.
Có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn trong cơ thể, vì vậy một số bệnh lý tuyến giáp nếu không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra biến chứng nghiêm trọng. Và ung thư là trạng thái biến chứng nghiêm trọng nhất.
Tuổi và sự thay đổi hormone: Độ tuổi dễ mắc từ 30-50 tuổi ở nữ giới. Do khi bước vào độ tuổi này, lượng hormone trong cơ thể nữ giới có sự thay đổi rõ rệt. Trong quá trình mang thai và sau sinh, hormone của nữ giới thay đổi khiến cho tuyến giáp dễ mắc phải các vấn đề như bướu, hạch, viêm hoặc suy tuyến giáp. Từ đó gia tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở phụ nữ.
Chế độ ăn thiếu i ốt: Thiếu i ốt trong chế độ ăn làm tăng nguy cơ mắc các khối bướu giáp đơn thuần cũng như ung thư tuyến giáp.
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện các biểu hiện của bệnh như bướu giáp to và các cục nhân cứng chắc.
Tuy nhiên, để xác định chính xác hơn về loại ung thư tuyến giáp và mức độ nghiêm trọng của bệnh, cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp CT và MRI vùng cổ: Hai phương pháp này giúp đánh giá kỹ hơn mức độ xâm lấn của u tuyến giáp và hạch với các cơ quan xung quanh như khí quản, phần mềm vùng cổ, thực quản.
Xạ hình: Ung thư tuyến giáp ít bắt Iod phóng xạ nên có giá trị chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn di căn hạch.
Siêu âm tuyến giáp và hạch vùng cổ: giúp xác định u nang hoặc nhân đặc.
Chẩn đoán sinh hóa
Định lượng calcitonia (do tế bào C hoặc tế bào cận giáp tiết ra) thường xuất hiện tăng cao trong trường hợp ung thư thể tủy.
Định lượng FT3, FT4, TSH, Tg, AntiTg để chẩn đoán phân biệt Basedow và đánh giá tiên lượng di căn.
Xét nghiệm tế bào
Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm.
Sinh thiết tức thì trong phẫu thuật.
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Phương pháp điều trị ung thư nói chung và điều trị ung thư tuyến giáp nói riêng đều cần căn cứ vào từng loại bệnh, thể bệnh, và giai đoạn của bệnh.
Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định có tính quyết định trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau được áp dụng, tùy theo kích thước, vị trí tình trạng di căn của khối u. Có thể chỉ định cắt thùy tuyến giáp, cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch di căn,...
Liệu pháp hormon tuyến giáp: chỉ định với ung thư tuyến giáp biệt hóa.
I ốt phóng xạ:
Điều trị iốt phóng xạ thường được sử dụng sau khi phẫu thuật tuyến giáp để tiêu diệt tế bào khỏe mạnh còn lại của tuyến giáp, cũng như tế bào ung thư tuyến giáp không được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Điều trị iốt phóng xạ cũng có thể được dùng để điều trị ung thư tuyến giáp tái phát sau khi điều trị hay lây lan sang các vùng khác của cơ thể.
Tác dụng phụ khi điều trị I ốt phóng xạ có thể gặp như: Buồn nôn, khô miệng, khô mắt, đau khi các tế bào ung thư đã di căn.
Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng thuốc chống ung thư (gây độc tế bào). Mục đích của hóa trị là tiêu diệt các tế bào ung thư trong khi gây ít tổn hại nhất có thể cho các tế bào khỏe mạnh. Hóa trị chỉ thỉnh thoảng được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Nó có thể được chỉ định cho bệnh ung thư tiến triển đã lan rộng (di căn) sang các bộ phận khác của cơ thể.Hóa trị thường được truyền qua tĩnh mạch.
Biến chứng của ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có thể gây ra các biến chứng bởi sự chèn ép và/hoặc xâm nhập vào các mô xung quanh. Ngoài ra, nó cũng có khả năng di căn đến phổi và xương.
Điều trị phẫu thuật ung thư tuyến giáp cũng có thể gây ra các biến chứng. Một phần là do quá trình phẫu thuật cổ có thể gây ra sự thay đổi và tác động đến các cơ cấu xung quanh.
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
Suy giáp.
Chứng khó nuốt do tổn thương dây thần kinh thanh quản trên.
Liệt dây thanh do tổn thương dây thần kinh thanh quản tái phát.
Suy tuyến cận giáp do cắt bỏ tuyến cận giáp.
Ung thư tuyến giáp tái phát do các tế bào ung thư đã di căn trước khi cắt bỏ tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp thường tái phát ở các hạch bạch huyết ở cổ, mẩu nhỏ tế bào tuyến giáp để lại trong khi phẫu thuật.
Cần thực hiện xét nghiệm máu định kỳ và chụp tuyến giáp để kiểm tra các dấu hiệu của sự tái phát Ung thư tuyến giáp.
Sống chung với ung thư tuyến giáp hiệu quả
Cần duy trì chế độ ăn uống ít chất béo, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh. Bổ sung rau xanh, trái cây và chất xơ trong bữa ăn.
Đồng thời dùng muối i ốt, sử dụng các thực phẩm giàu i ốt như tảo, rong biển, hải sản. Ăn các loại thực phẩm giàu magie tốt cho tuyến giáp như hạt điều,...
Duy trì lối sống lành mạnh thường xuyên tập thể dục, tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
Tuân thủ điều trị, tái khám sức khỏe định kỳ với Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.
Hy vọng bài viết trên đây của BookingCare đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh ung thư tuyến giáp. Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường ở vùng cổ, bạn nên chủ động thăm khám với bác sĩ để được chữa trị kịp thời trước khi xảy ra các biến chứng về sau.