Các thông tin đáng chú ý về bệnh sốt mò
Các thông tin đáng chú ý về bệnh sốt mò
Bệnh sốt mò do ấu trùng mò truyền bệnh sang người qua vết đốt - Ảnh BookingCare
Bệnh sốt mò do ấu trùng mò truyền bệnh sang người qua vết đốt - Ảnh BookingCare

Các thông tin đáng chú ý về bệnh sốt mò

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/02/2024
Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia. Vi khuẩn lây sang người thông qua vết đốt của ấu trùng mò bị nhiễm vi khuẩn. 

Từ vết loét, Orientia tsutsugamushi xâm nhập vào hệ bạch huyết gây viêm hạch tại chỗ rồi sưng, viêm và đau hạch toàn thân; đồng thời chúng xâm nhập vào máu, gây viêm nội mạc vi mạch máu toàn thân, tổn thương viêm nhiễm các cơ quan.

Nguyên nhân gây bệnh sốt mò

Bệnh sốt mò gây ra do ấu trùng mò nhiễm vi khuẩn R.orientalis và truyền bệnh sang người qua vết đốt.  

  • Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, thường gặp ở các nước châu Á nhiệt đới bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và phía bắc Australia. Gần đây bệnh sốt mò đang có xu hướng gia tăng trở lại, trong đó có Việt Nam. 
  • Bệnh thường gặp nhất là ở những khu rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, ở các hang hốc trong núi đá hay dọc hai bên bờ sông suối, bờ biển. Đó là những nơi có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò phát triển. Thời gian xuất hiện bệnh là khoảng từ tháng 6 đến tháng 9. 
  • Mò Trombiculidae thuộc họ ve bét (Acariformes) có kích thước bé dưới 1 mm, màu sắc từ vàng đến da cam, còn gọi là mò đỏ phát triển qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và mò trưởng thành. Các ấu trùng mò thường có ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, chủ yếu là chuột, chim hoặc gia súc, gia cầm.
  • Ấu trùng mò nhiễm vi khuẩn R.orientalis là vectơ truyền bệnh. Vi khuẩn R.Orientia  có ổ dịch thiên nhiên là mò, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. 

Ai có nguy cơ mắc bệnh sốt mò

Một số người có ngành nghề đặc thù dưới đây thường có nguy cơ cao bị bệnh sốt mò:

  • Người hay vào rừng lấy gỗ, làm rẫy, khai hoang, săn bắn, các đơn vị bộ đội đi hành quân trong rừng. 
  • Những người khách tham quan du lịch hoặc người dân sống ở nơi ẩm thấp bị mò, thậm chí là ấu trùng của con mò qua vật chủ trung gian là các loài gặm nhấm, đặc biệt là chuột đốt và nhiễm  khuẩn. 
  • Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi dâm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc. 

Triệu chứng thường gặp khi bị sốt mò

Sau thời gian ủ bệnh từ 6 đến 21 ngày (trung bình là 10 đến 12 ngày), các triệu chứng của sốt mò xuất hiện một cách đột ngột bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.
  • Da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân.
  • Vết loét ngoài da: Đây là dấu hiệu đặc trưng về bệnh sốt mò. Vết loét hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, đáy hồng, không tiết dịch hoặc rỉ ít dịch, thường không đau, không ngứa khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn… 
  • Ban ngoài da: thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, nổi toàn thân, có thể gặp ban xuất huyết.
  • Sưng hạch lympho: tại chỗ vết loét hoặc toàn thân, hạch mềm, đau.
  • Gan to, lách to, một số trường hợp có thể có vàng da.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sốt mò có thể diễn tiến nặng hơn với các biểu hiện:

  • Tổn thương phổi: người bệnh thường có triệu chứng ho, những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.
  • Tổn thương tim mạch: người bệnh sốt mò thường có tình trạng huyết áp tụt;  nhiều trường hợp biến chứng viêm cơ tim.

Các biểu hiện của sốt mò tương tự với bệnh sốt phát ban Rocky Mountain. Tuy nhiên, sốt mò xảy ra ở các khu vực địa lý khác nhau (khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giáp với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và miền bắc Australia). 

https://cdn.bookingcare.vn/fo/freepig
Vết loét là tổn thương đặc trưng của bệnh sốt mò - Nguồn ảnh: Canva

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh sốt mò

Để chẩn đoán bệnh sốt mò, bác sĩ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, khai thác bệnh sử và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để làm rõ chẩn đoán. Một số xét nghiệm giúp phát hiện bệnh sốt mò: 

  • Nhuộm huỳnh quang kháng thể với mảnh sinh thiết vị trí phát ban để phát hiện vi khuẩn. 
  • Test IgM ELISA (xét nghiệm hấp phụ miễn dịch gắn men), test IFA (Xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang gián tiếp), test IIP (Xét nghiệm kháng thể miễn dịch peroxidase gián tiếp). 
  • Xét nghiệm huyết thanh học trong giai đoạn cấp tính và cả giai đoạn hồi phục. (Xét nghiệm huyết thanh học không có giá trị trong chẩn đoán bệnh cấp tính). 
  • Phản ứng chuỗi Polymerase (PCR). 

Phương pháp điều trị bệnh sốt mò hiện nay

Điều trị bệnh sốt mò bằng thuốc nội khoa là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm sau một tuần. 

  • Thuốc kháng sinh có hiệu quả nhất nếu được dùng ngay sau khi các triệu chứng bắt đầu.
  • Điều trị ban đầu của sốt mò là Doxycycline 200 mg. Dừng thuốc khi bệnh nhân cải thiện, hết sốt 48 giờ và đã được điều trị ít nhất 7 ngày.
  • Đối với phụ nữ có thai và bệnh nhân bị dị ứng doxycycline nặng, có thể dùng azithromycin. 
  • Chloramphenicol là một phương pháp điều trị thay thế nếu bệnh nhân có chống chỉ định với các loại thuốc trên. 

Bên cạnh việc dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh thì việc chăm sóc người bệnh sốt mò để tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng hồi phục nhanh chóng cũng là điều rất quan trọng. 

Phòng bệnh sốt mò

Bệnh sốt mò dễ bị bỏ sót mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời do không tìm và quan sát được vết loét do đó có thể dẫn đến các biến chứng nặng như là viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim, suy đa tạng. Dự phòng bệnh đóng vai trò quan trọng: 

  • Tránh ngồi nằm phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy,hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần. 
  • Tối ưu tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò (permethrine và benzyl benzoat) hoặc xoa chân tay cổ thuốc sua mò (diethyltoluamid, DEET). 
  • Diệt mò ở môi trường: phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà nơi dâm mát thuốc diazinon, fenthion, malathion, lindane, dieldrin, chlordan.
  • Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước.
  • Phát quang thảm thực vật quanh nhà chọn lọc các đám thực vật có nhiều ấu trùng mò (đảo mò).

Các triệu chứng của bệnh sốt mò bắt đầu xuất hiện đột ngột từ 1 đến 3 tuần sau khi bị ấu trùng mò đốt. Với những người có ngành nghề thường xuyên phơi nhiễm với ấu trùng mò, khi có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ở trên cần phải thăm khám ngay, không được tự ý điều trị tại nhà.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết