Cách đánh gió đúng chuẩn theo từng vị trí trên cơ thể

Tác giả: - Xuất bản: 17/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Cách đánh gió đúng chuẩn theo từng vị trí trên cơ thể
Cách đánh gió đúng chuẩn theo từng vị trí trên cơ thể - Ảnh: BookingCare
Có các phương pháp đánh gió theo bổ - tả - bình bổ, bình tả tùy theo tình trạng bệnh lý và thể trạng người bệnh. Cùng tìm hiểu về tư thế, phương pháp đánh gió và cách đánh gió chuẩn theo từng vị trí trên cơ thể qua bài viết.

Mỗi khi cảm cúm, đau nhức cơ thể, nhiều người thường có thói quen đánh gió, giác hơi. Đây là một trong những phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc theo y học cổ truyền dễ thực hiện, an toàn lại mang đến nhiều hiệu quả cao giúp trừ tà khí, giảm đau, thông kinh hoạt lạc. Vậy cách đánh gió đúng như thế nào? Tư thế và phương pháp đánh gió từng vùng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Các phương pháp đánh gió 

Phương pháp cạo gió trực tiếp

Sau khi bôi các chất xúc tác (dầu vừng, dầu gió, rượu trắng, nước…) lên vùng da cần cạo gió, thầy thuốc sẽ dùng dụng cụ cạo trực tiếp cạo trên da người bệnh. Tiến hành thao tác lặp đi lặp lại cho đến khi da hằn lên vết bệnh thì dừng lại. 

Người bệnh nên ở tư thế ngồi hoặc ngồi hơi cúi. Người cạo dùng khăn ấm lau vùng da chỗ cạo gió của người bệnh, bôi đều chất xúc tác rồi cạo tiếp cho đến khi da đỏ ửng hoặc xuất hiện ứ đỏ thì dừng lại. 

Phương pháp bổ (bổ cạo)

Lực ấn nhỏ, tốc độ chậm, dưới 30 lần/phút có thể kích phát chính khí của cơ thể, giúp cho cơ thể hồi phục nhanh hơn. Phương pháp bổ cạo phần lớn dùng cho người già, những người có cơ thể yếu, bệnh kéo dài, bệnh nặng, suy nhược là có vùng da mỏng, mềm, thường dùng cạo vùng đầu mặt, ngực bụng. 

Phương pháp tả (tả cạo) 

Lực ấn mạnh, tốc độ nhanh, có thể đuổi tà khí ra khỏi cơ thể. Trên lâm sàng, phương pháp tả cạo dùng cho người bệnh khỏe mạnh, có bệnh mới mắc, bệnh cấp hoặc người có hình thể rắn chắc, không suy giảm chính khí (sức đề kháng). 

Có nhiều phương pháp đánh gió khác nhau tùy theo bệnh và thể trạng người bệnh - Ảnh: Freepik
Có nhiều phương pháp đánh gió khác nhau tùy theo bệnh và thể trạng người bệnh - Ảnh: Freepik

Phương pháp bình (bình bổ, bình tả) 

Đây còn gọi là phương pháp cạo cân bằng, có 3 loại phương pháp tay: thứ nhất là lực ấn mạnh, tốc độ chậm. Thứ hai là lực ấn nhỏ, tốc độ nhanh. Thứ ba là lực ấn vừa phải, tốc độ vừa phải. Tùy theo bệnh tình và thể chất người bệnh mà linh hoạt sử dụng. 

Tư thế cạo gió cho người bệnh 

Tuỳ từng vị trí cạo gió mà người bệnh có thể có nhiều tư thế khác nhau: 

  • Nằm ngửa: Mặt hướng lên trên, nằm duỗi thẳng trên giường, để lộ bụng và mặt trong của chi trên. Tư thế này thích hợp dùng để lấy huyệt và cạo các huyệt ở mặt, đầu, bụng, mặt trong và trước của chi.
  • Nằm sấp: Người bệnh nằm sấp, duỗi thẳng chân trên giường. Tư thế đánh gió thích hợp cho phần lưng, mông, mặt sau chi.
  • Ngồi cúi: Người bệnh ngồi cúi trên ghế, lộ lưng sau và cổ, thích hợp để cạo gió vùng hai bên đầu, cổ, bả vai, lưng.
  • Ngồi tựa: Người bệnh ngồi tựa lưng vào ghế, lộ phần dưới cằm, cổ họng, thích hợp đánh gió ở mặt, trước cổ họng. 
Tư thế đánh gió cho người bệnh như thế nào? - Ảnh: Freepik
Tư thế đánh gió cho người bệnh như thế nào? - Ảnh: Freepik

Các vị trí đánh gió (cạo gió) trên cơ thể người 

Cạo gió vùng đầu

  • Hai bên đầu: Cạo gió từ huyệt Thái dương 2 bên đến huyệt Phong trì, cạo qua các huyệt: Đầu duy, Hàm phục, Huyền lư, Huyền ly, Luật cốc, Thiên xung, Phù bạch, Não không.  
  • Phần đầu trước: từ huyệt Bách hội bắt đầu cạo đến viền tóc đầu trước, qua các huyệt: Tiền đỉnh, Thông thiên, Tín hội, Thượng tinh, Thần đình, Thừa quang, Ngũ xứ, Khúc sai, Chính doanh, Đương dương, Đầu lâm khấp.  
  • Phần đầu sau: từ huyệt Bách hội bắt đầu cạo đến viền tóc ở đầu sau, qua các huyệt: Hậu đỉnh, Lạc khước, Cường gian, Não hộ, Ngọc chẩm, Não không, Phong phủ, Á môn, Thiên trụ.  
  • Toàn bộ đầu: dùng huyệt Bách hội làm trung tâm theo phương hướng tỏa ra xung quanh cạo toàn bộ đầu. Qua toàn bộ huyệt vị và trung khu cảm giác, trung khu vận động, trung khu nghe, trung khu nhìn, trung khu dạ dày, trung khu khoang não, trung khu sinh sản.  

Đánh gió vùng mặt

  • Thường dùng bắt gió Ấn đường hơn là cạo gió, vì da vùng mặt mỏng lại mang tính thẩm mỹ. Cạo gió dễ ảnh hưởng đến thần kinh trên mặt.
  • Lưu ý khi cạo gió vùng mặt: Không thoa dầu hoặc chất làm ẩm lên da mặt, dùng dụng cụ viền dày để tránh làm tổn thương da mặt.
  • thời gian tác động lên vùng mặt chỉ nên dưới 5 phút.

Đánh gió vùng lưng

  • Phần cột sống (bao gồm các đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng, vùng cùng cụt): Đường chính giữa phần lưng từ huyệt Đại chùy đến huyệt Trường cường.  
  • Cạo hai bên lưng chủ yếu cạo các đường Túc thái dương bàng quang kinh ở phần lưng, tức 1,5 tấc và 3 tấc bên cạnh xương sống.

Đánh gió vùng ngực

  • Cạo phần ngực bao gồm cạo đường chính giữa và hai bên ngực. Cạo giữa xương sườn 2,3,4 từ xương ức ra bên ngoài, đối với phụ nữ không cần cạo vú.
  • Cạo đường chính giữa (quan sát ngực để tiến hành): từ huyệt Thiên đột qua Kinh thiện đến Cửu vỹ, cạo từ trên xuống dưới.  
  • Cạo hai bên ngực: từ đường chính giữa cạo từ trong ra ngoài.

Đánh gió vùng cổ

  • Đánh gió vùng cổ gồm phương pháp cạo đường chính giữa, và hai cạnh cổ.  
  • Cạo đường chính giữa cổ (tuần tự tiến hành các mạch ở cổ): từ huyệt Á môn đến huyệt Đại chùy. 
  • Cạo từ hai bên cổ đến trên vai: từ huyệt Phong trì đến Kiên tỉnh, Cự cốt. Qua các huyệt Kiên trung du, Thiên liêu, Bỉnh phong.

Đánh gió vùng bụng

  • Đánh gió vùng bụng bao gồm cạo đường chính giữa và cạo hai bên bụng. Cạo đường chính giữa từ huyệt Cưu vỹ đến huyệt Thủy phân, từ huyệt Âm giao đến huyệt Khúc cốt.  
  • Cạo hai bên bụng: từ huyệt U môn, Bất dung, Nhật nguyệt hướng xuống dưới, qua Thiên khu, Hoang du đến Khí xung, Hoành cốt.  
Cách chọn vị trí đánh gió đúng - Ảnh: Freepik
Caption

Đánh gió tứ chi

Chi trên

  • Cạo cạnh trong chi trên: từ trên xuống dưới qua Thủ tam âm kinh tức Thủ thái âm phế kinh, Thủ quyết âm tâm bào kinh, Thủ thiếu âm tâm kinh.  
  • Cạo gió cạnh ngoài của chi trên: từ trên xuống dưới qua Thủ tam dương kinh tức Thủ dương minh đại trành kinh, Thủ thiếu dương tam tiêu kinh, Thủ thái dương tiểu tràng kinh.  

Chi dưới 

  • Cạo cạnh trong của chi dưới: từ trên xuống dưới qua Túc tam âm kinh tức Túc thái âm tỳ kinh, Túc quyết âm can kinh, Túc thiếu âm thận kinh.  
  • Cạo phần mặt trước, cạnh ngoài, mặt sau của chi dưới: từ trên xuống dưới qua Túc dương minh vị kinh, Túc thiếu dương kinh, Túc thái dương bàng quang kinh.

Đánh gió giúp khai thông kinh mạch, giải cơ giảm đau, trừ tà khí… là một trong những liệu pháp dân gian hiệu quả được áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể đánh gió. Không nên đánh gió khi người bệnh đang có những tổn thương về da như chàm, mề đay, lở loét hay những vị trí đang bị tổn thương… Tùy theo từng vị trí bị bệnh mà chọn lựa cách cạo gió trên từng vị trí cho phù hợp. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.