- Xuất bản: 17/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Cạo gió và những thông tin cần biết trước khi thực hiện - Ảnh: BookingCare
Cạo gió nằm trong phương pháp điều trị cổ xưa gọi là “biếm pháp” có nhiều tác dụng trong phòng và điều trị bệnh. Vậy cạo gió là gì? Những ai nên và không nên cạo gió? Cách cạo gió ra sao? Cùng tìm hiểu các thông tin cạo gió qua bài viết này.
Cạo gió thuộc Biếm pháp (bao gồm cạo gió, đánh cảm, bầu giác, chích lễ) là 1 trong 6 phương pháp điều trị của Đông y cổ xưa: biếm, châm, cứu, thuốc, xoa bóp và dưỡng sinh. Do trị liệu bằng cạo gió không dùng đến thuốc, hiệu quả lại nhanh, nên được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp cạo gió qua bài viết dưới đây.
Thế nào là cạo gió?
Cạo gió sử dụng bờ của các vật có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẵn nhụi như thìa nhôm, rìa đồng tiền kim loại, miệng chén, rìa bát, đĩa sứ, lược, nhẫn bạc, sừng trâu… tác động lên các vị trí khác nhau trên cơ thể cho đến khi mặt da xuất hiện những nốt ứ huyết đỏ. Để giảm sức cản khi cạo, tránh tổn thương da và tăng hiệu quả, trước khi cạo gió cần sử dụng thêm các loại dầu vừng, dầu gió, rượu trắng, nước… để thoa lên bộ phận cần cạo.
Cạo gió vận dụng lý luận về bì bộ, học thuyết âm dương, học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền để tác động lên hệ kinh lạc và da, cân cơ của cơ thể. Khác với châm cứu tập trung điều chỉnh trên các huyệt cần sự chính xác gần như tuyệt đối, cạo gió tác động đến từng vùng của cơ thể.
Cạo gió nhằm mục đích điều trị và phòng bệnh. Đây là phương pháp chữa bệnh dân gian hiệu quả, an toàn, ít tốn kém, thao tác đơn giản nên được áp dụng nhiều trong đời sống. Phương pháp này đặc biệt có ý nghĩa ở những vùng sâu, vùng xa khi “thuốc không có trong tay, thầy chưa có tại chỗ”, người bệnh không thể uống thuốc hoặc theo phương pháp điều trị nào khác, thì cạo gió càng phát huy hiệu quả trị liệu.
Cạo gió vận dụng lý luận về da, học thuyết âm dương, học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền - Ảnh: Freepik
Tác dụng của cạo gió
Đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết
Tăng cường trao đổi chất, khả năng bài tiết các chất thải qua da, tăng cường lưu thông tuần hoàn ngoại vi
Giãn cơ, thông kinh hoạt lạc, giảm đau và căng cơ.
Cân bằng âm dương cho cơ thể, nâng cao chính khí, giải biểu trừ tà
Kích thích lên đầu dây thần kinh, có thể điều tiết thần kinh và hệ thống nội tiết.
Những ai nên cạo gió?
Không phải tất cả các trường hợp ốm đau đều có thể cạo gió. Phương pháp này chỉ được sử dụng thực sự thích hợp khi bị cảm mạo, bao gồm cả cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch (tức cảm cúm, bệnh cúm). Nguyên nhân gây cảm mạo thường do: sức đề kháng của cơ thể giảm sút và tà khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả) thừa cơ xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, cạo gió còn được chỉ định trong các trường hợp nhức đầu, đau mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt… Tuy là phương pháp trị liệu đơn giản nhưng trong nhiều trường hợp nhưng lâu nay người ta thường cạo gió theo kinh nghiệm, nhiều lúc cạo gió không đúng phương pháp sẽ không đem lại hiệu quả. Trước khi cạo gió cần có sự khám xét và chỉ định của các thầy thuốc chuyên khoa.
Những đối tượng nên và không nên cạo gió - Ảnh: Freepik
Những ai không nên cạo gió?
Không cạo gió cho những đối tượng như phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú.
Không cạo gió cho những đối tượng có rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan và các bệnh có khuynh hướng chảy máu.
Không cạo gió khi có bệnh ngoài da, dị ứng da, lở loét ngoài da, ung nhọt, vết thương chưa lành, chấn thương gãy xương.
Người bệnh tim nặng xuất hiện suy tim, người bệnh thận xuất hiện suy thận, người xơ gan, phù, cổ trướng không cạo gió.
Không cạo gió ở các vùng như mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, môi, rốn.
Không cạo gió khi say rượu, ăn quá no hoặc quá đói, người mệt mỏi.
Cấm cạo gió vùng đầu cho trẻ nhỏ do hộp sọ trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.
Cần cẩn trọng khi tiến hành cạo gió cho người già mắc bệnh lâu năm, người có cơ thể ốm yếu (hoặc chỉ cạo với lực thật nhẹ để bảo vệ sức khỏe người bệnh).
Cách cạo gió như thế nào?
Vị trí cạo gió
Thông thường, vị trí cạo gió ở hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, kín hết diện vai, dọc hai bên cột sống rồi toả ra hai bên mạng sườn, kín hết diện lưng.
Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương ức ở ngực.
Nếu bụng lạnh, đau, cạo thêm vùng bụng.
Nếu nhức dọc chi trên thì cạo thêm cánh tay và cẳng tay.
Tùy theo bệnh lý mà chọn vị trí cạo gió khác nhau - Ảnh: Freepik
Kỹ thuật cạo gió
Chọn nơi kín gió, người bệnh nằm ngay ngắn, tĩnh tâm và thư giãn.
Sát khuẩn dụng cụ cạo gió, thoa dầu gió lên vùng da cần cạo.
Sau đó, dùng lực vừa phải miết đều theo hướng một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sau cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Ở vùng lưng có thể dùng lực mạnh hơn một chút.
Lần lượt cạo gió các vùng từ vùng này sang vùng khác. Thông thường, mỗi vùng cạo từ 3 – 5 phút là da ửng đỏ.
Cạo gió nên theo hướng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Vùng đầu, lưng, bụng và tay chân thì cạo từ trên xuống dưới; vùng mặt và vùng ngực thì cạo từ trong ra ngoài.
Sau khi cạo, cho người bệnh uống một cốc sữa hoặc một cốc trà gừng nóng, hoặc ăn một bát cháo giải cảm (cháo hành, tía tô) rồi đắp chăn nằm nghỉ.
Lưu ý khi cạo gió
Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không để quạt thổi vào trực tiếp người bệnh.
Sau khi nổi vết cạo trong khoảng 30 phút tuyệt đối không được tắm rửa bằng nước lạnh.
Cạo gió xong người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nước nóng (có pha thêm chút muối thì càng tốt).
Vật dụng cạo gió cần khử trùng trước và sau khi cạo.
Không nên cạo gió lần thứ hai khi vết cạo lần trước chưa biến mất. Thời gian giữa hai lần cạo nên cách nhau 4 – 7 ngày, vết cạo cũ biến mất.
Đối với những người bệnh có cơ thể yếu ớt, trẻ con, đặc biệt là những người sợ đau, nên cạo gió với lực nhẹ, xoa, ấn hoặc day,...
Theo dõi phản ứng của người bệnh khi cạo để điều chỉnh sức cạo nặng nhẹ, không gây đau hay tổn thương da.
Trong quá trình cạo gió, nếu người bệnh xảy ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, vã mồ hôi lạnh, chân tay lạnh, tức ngực buồn nôn, hôn mê… cần tạm ngừng cao gió. Cho người bệnh nằm thẳng, bằng tư thế đầu thấp chân cao. Cho dùng một ly nước ấm, giữ ấm cơ thể và xoa nắn nhẹ nhàng các huyệt: Bách hội, Nhân trung, Nội quan, Túc tam lý, Dũng tuyền…
Không cạo gió cho các đối tượng chống chỉ định, vị trí da tổn thương, viêm hay trẻ em, phụ nữ có thai.
Phương pháp cạo gió rất đơn giản, ít tác dụng phụ và có hiệu quả chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân khó uống thuốc hoặc không thể sử dụng các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, cũng xin nhấn mạnh rằng, cạo gió không thể thay thế hoàn toàn cho các phương pháp điều trị khác, không nên lạm dụng cạo gió và nên có chỉ dẫn của thầy thuốc trước khi áp dụng. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.