Cách điều trị ngưng thở khi ngủ
Cách điều trị ngưng thở khi ngủ
Cách điều trị ngưng thở khi ngủ - Ảnh BookingCare
Cách điều trị ngưng thở khi ngủ - Ảnh BookingCare

Cách điều trị ngưng thở khi ngủ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, suy giảm chất lượng cuộc sống, nguy cơ tăng huyết áp và chấn thương do ngủ gật trong khi tham gia vào các hoạt động nguy hiểm tiềm ẩn.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ không phải là một bệnh lý khó điều trị, tuy nhiên việc chẩn đoán bệnh còn gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng quan trọng xảy ra vào ban đêm - khi người bệnh đang ngủ nên ít được phát giác. Khi được chẩn đoán thì việc điều trị ngưng thở khi ngủ tương đối đơn giản bằng các cách dưới đây. 

Phân loại mức độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ

Chỉ số ngưng thở giảm thở AHI ( viết tắt của Apnea-Hypopnea Index) là chỉ số được dùng để đánh giá mức độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ, dựa trên tổng số lần ngưng thở hoàn toàn hoặc giảm thở một phần xảy ra trong một giờ ngủ. Một lần ngưng thở được tính nếu thời gian ngưng thở này kéo dài khoảng 10 giây và gây ra tình trạng thiếu oxy trong máu.

Có ba mức độ:

  • Nhẹ: 5 < AHI <= 15 khoảng ngừng thở trong 1 giờ ngủ
  • Trung bình: 15 < AHI < =30 khoảng ngừng thở trong 1 giờ ngủ
  • Nặng: AHI >30 khoảng  ngừng thở trong 1 giờ ngủ.

Phân loại này rất hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh, đánh giá nguy cơ gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác như cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ đồng thời cũng cho biết việc đáp ứng điều trị với máy thở áp lực dương CPAP. 

Phương pháp điều trị bệnh theo mức độ bệnh

Điều trị ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ

  • Giảm cân: Ở người thừa cân - béo phì, lượng mỡ được phân bố nhiều xung quanh khu vực đường hô hấp trên dẫn tới hẹp đường thở, làm tăng chèn ép đường thở khi ngủ.
  • Dùng gối tránh ngáy, ngủ nghiêng: Bạn nên nằm ngủ nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm ngửa là tư thế đặc biệt không tốt đối với người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ vì tư thế ngửa vì nằm ngửa làm hàm khép lại, lưỡi khép lại và chặn đứng đường thở làm bệnh ngáy và ngưng thở khi ngủ trở nên trầm trọng hơn.
  • Thay đổi lối sống như giảm bia rượu, thuốc lá, tránh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống động kinh, uống các chất kích thích (cafe) vào ban đêm.

Ngoài ra có thể điều trị các nguyên nhân gây hẹp đường thở: dùng dụng cụ chỉnh hình răng mặt hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh lý Tai Mũi Họng gây hẹp tắc đường thở nếu có. Dụng cụ chỉnh hình răng mặt có tác dụng giữ hàm dưới và lưỡi ra phía trước, giữ vòm hầu lên trên như vậy sẽ ngăn sự đóng lại của đường thở.

Điều trị ngưng thở khi ngủ ở mức độ trung bình và nặng

Đeo máy thở áp lực dương liên tục CPAP khi ngủ

Máy thở CPAP tạo ra dòng khí áp lực dương, liên tục thổi vào đường hô hấp. Áp lực khí giúp nâng đỡ cơ vùng hầu họng, không cho cơ xẹp xuống. Do đó, đường thở luôn được mở thông suốt. Theo khuyến cáo của Hội y học giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), để đạt kết quả điều trị tốt, mỗi đêm nên sử dụng máy tối thiểu 4 giờ và mỗi tháng có tối thiểu 70% số ngày sử dụng (20 ngày trở lên).

Phẫu thuật tai mũi họng

Phẫu thuật đôi khi có thể là một cách hiệu quả điều trị ngưng thở khi ngủ - đặc biệt là nếu ngưng thở gây ra do cấu trúc của đường hô hấp.

Các phương pháp phẫu thuật:

  • Phẫu thuật mũi: chỉnh hình vách ngăn mũi, thu gọn cuốn mũi dưới, cắt polyp mũi. 
  • Cắt amidan: khi có amidan phì đại.
  • Phẫu thuật lấy mô lympho vòm quá phát. 

Phẫu thuật chỉnh hình màn hầu-lưỡi gà (UPPP)

Phẫu thuật chỉnh hình màn hầu-lưỡi gà (UPPP) được chỉ định khi bệnh nhân bị quá phát màn hầu lưỡi gà. 

Có nhiều phương pháp để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, nguyên nhân, mức độ nặng mà bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp thích hợp nhằm đem lại hiệu quả điều trị bệnh cao. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare