Cách điều trị viêm cơ tim và một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 23/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 23/10/2023
Cách điều trị và chăm sóc người bệnh viêm cơ tim
Cách điều trị viêm cơ tim và một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh - Ảnh: BookingCare
Tùy từng nguyên nhân viêm cơ tim, tình trạng và thể trạng người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị riêng biệt. Cụ thể về một số cách điều trị viêm cơ tim, bạn đọc tham khảo nội dung bài viết.

Thông thường, viêm cơ tim sẽ tự khỏi mà không có biến chứng vĩnh viễn. Tuy nhiên, tình trạng viêm cơ tim nặng có thể làm cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn. Điều trị viêm cơ tim tập trung vào nguyên nhân và triệu chứng. 

Phương pháp điều trị viêm cơ tim 

Điều trị nội khoa - dùng thuốc

Người bệnh viêm cơ tim nhẹ có thể chỉ cần nghỉ ngơi và dùng thuốc. Các loại thuốc điều trị viêm cơ tim bao gồm:

  • Corticosteroid: Những loại thuốc này ức chế hệ thống miễn dịch, có thể được sử dụng để điều trị một số loại viêm cơ tim do virus hiếm gặp, chẳng hạn như viêm cơ tim tế bào khổng lồ và bạch cầu ái toan.
  • Thuốc trợ tim: Nếu viêm cơ tim gây suy tim nặng hoặc nhịp tim không đều, có thể dùng thuốc để giảm nguy cơ đông máu trong tim.
  • Đối với người suy tim, thuốc có thể giúp loại bỏ nước ra khỏi cơ thể. Một số loại thuốc có thể được dùng là thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB).
  • Thuốc để điều trị các bệnh mãn tính: Một trong những nguyên nhân gây viêm cơ tim do người bệnh mắc bệnh khác chẳng hạn như bệnh lupus. Sử dụng thuốc điều trị tình trạng bệnh có thể giúp giảm viêm cơ tim.

Một số người bị viêm cơ tim có thể cần dùng thuốc trong vài tháng và sau đó hồi phục hoàn toàn. Những người khác có thể bị tổn thương tim lâu dài, vĩnh viễn và cần dùng thuốc suốt đời. Điều quan trọng là phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên sau khi chẩn đoán viêm cơ tim để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Các điều trị y khoa khác

Trong trường hợp người bệnh viêm cơ tim nặng sẽ cần điều trị tích cực, có thể bao gồm:

  • Thuốc truyền qua tĩnh mạch: Thuốc được truyền qua tĩnh mạch giúp nhanh chóng cải thiện khả năng bơm của tim.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Thiết bị hỗ trợ tâm thất giúp bơm máu từ tâm thất đến phần còn lại của cơ thể. Thiết bị có thể được sử dụng để giúp tim hoạt động trong khi chờ đợi các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như ghép tim.
  • Bóng bơm đối xung động mạch chủ: Thiết bị này giúp tăng lưu lượng máu và giảm căng thẳng cho tim. Bác sĩ chèn một ống mỏng (ống thông) vào mạch máu ở chân và dẫn nó đến tim. Một quả bóng gắn vào đầu ống thông sẽ phồng lên và xẹp xuống trong động mạch chính dẫn từ tim đến cơ thể (động mạch chủ).
  • Oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO): Máy ECMO hoạt động giống như phổi, loại bỏ carbon dioxide và bổ sung oxy vào máu. Ở người bệnh bị suy tim nặng, thiết bị này có thể gửi oxy đến cơ thể. Trong quá trình ECMO, máu được đưa ra khỏi cơ thể, đi qua máy rồi quay trở lại cơ thể. ECMO có thể được sử dụng để giúp tim hồi phục hoặc trong khi chờ đợi các phương pháp điều trị khác, ví dụ như ghép tim.
  • Ghép tim: Ghép tim khẩn cấp có thể cần thiết cho trường hợp viêm cơ tim rất nặng.

Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh viêm cơ tim

  • Lưu ý chế độ ăn uống, ăn giảm muối, nhất là khi đã có suy tim
  • Bệnh nhân cần có chế độ vận động vừa phải, không gắng sức trong suốt thời gian điều trị và cả sau điều trị. Khi viêm cơ tim do bạch hầu, thấp tim phải bất động tuyệt đối để tránh tai biến trong thời kỳ bệnh tiến triển.

Viêm cơ tim có thể tái phát, do đó cần thăm khám theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình hình, can thiệp kịp thời nếu bệnh tái phát hoặc diễn biến xấu hơn.