Viêm mũi dị ứng chỉ chữa dứt điểm hoàn toàn khi người bệnh không tiếp xúc với các chất gây dị ứng ở đường hô hấp nữa. Điều đó rất khó đạt được vì tác nhân đó phổ biến và ở xung quanh chúng ta.
Người bị bệnh viêm mũi dị ứng cần có thái độ lạc quan và lựa chọn cách sống chung với bệnh bằng cách điều trị bệnh khi có các triệu chứng và chủ động áp dụng những biện pháp dự phòng chặt chẽ để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng quanh năm tương tự như điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa. Phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng theo phác đồ chuẩn bao gồm: điều trị bằng thuốc, liệu pháp miễn dịch, thuốc xịt mũi và chăm sóc mũi tại nhà.
Các loại thuốc điều trị bệnh viêm mũi dị ứng thường đi kèm một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bị bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc để điều trị viêm mũi dị ứng.
Liệu pháp miễn dịch được chỉ định cho các trường hợp tác nhân gây dị ứng không thể tránh khỏi được; thuốc điều trị không thể kiểm soát được các triệu chứng; viêm mũi dị ứng gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Liệu pháp miễn dịch thường được điều trị trong suốt 3 – 5 năm. Vì vậy, người bị bệnh có thể áp dụng liệu pháp miễn dịch kèm theo các loại thuốc chống dị ứng để điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Liệu pháp này sẽ dùng một viên thuốc nhỏ chứa hỗn hợp chất gây dị ứng rồi đặt bên dưới lưỡi. Thuốc sẽ có tác dụng điều trị viêm mũi dị ứng quanh năm, hen suyễn do phấn hoa, lông động vật và dị ứng mạt bụi gây nên.
Tuy nhiên, khi sử dụng liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như ngứa miệng, kích thích vòm họng và tai. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể sẽ bị sốc phản vệ.
Dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi có thể giúp giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến dị ứng khác trong thời gian ngắn (theo chỉ định của bác sĩ).
Các biện pháp điều trị tại nhà phụ thuộc vào chất gây dị ứng.
Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng tương đối dễ nhận biết nhưng cũng dễ nhầm với các bệnh thông thường như cúm, sởi… Triệu chứng của bệnh có thể tự hết sau vài ngày khi bạn đã ngừng tiếp xúc với dị nguyên nhưng nếu bệnh kéo dài và tiến triển nặng, bạn nên chủ động đến thăm khám và điều trị kịp thời.