Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp, có chức năng sinh lý rất quan trọng là làm ấm, làm ẩm và lọc sạch không khí để thở. Ngoài ra, mũi còn đảm nhận chức năng khứu giác và cộng hưởng trong phát âm. Như vậy, khi mũi bị viêm, tất cả các chức năng sinh lý này ít nhiều bị ảnh hưởng, điều đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi qua trung gian kháng thể và xảy ra do tiếp xúc với dị nguyên trong không khí và viêm không phải do virus, vi khuẩn gây ra. Tác nhân gây viêm mũi dị ứng là từ môi trường bên ngoài như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi, mạt nhà...
Viêm mũi dị ứng thường được chia thành 2 dạng:
Viêm mũi dị ứng theo mùa
Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
Viêm mũi dị ứng theo mùa thường gây ra bởi chất gây dị ứng thực vật, các chất thay đổi theo mùa và vị trí địa lý hay các bào tử nấm mốc trong không khí. Viêm mũi theo mùa thường là một phản ứng dị ứng với phấn hoa.
Viêm mũi dị ứng quanh năm
Viêm mũi dị ứng quanh năm là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.
Viêm mũi quanh năm xảy ra là do thường hít phải các chất gây dị ứng trong nhà hoặc xung quanh môi trường sống thường thường là do bụi nhà hoặc bằng phản ứng rất mạnh với các phấn hoa theo mùa liên tiếp. Ví dụ bạn có thể dị ứng với phấn hoa bạch dương vào mùa xuân, sau đó bị dị ứng với phấn hoa cỏ vào mùa hè…
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng
Khi bị viêm mũi dị ứng các triệu chứng thường xảy ra nhanh và đột ngột như hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi và ngứa mũi. Ngược lại, người bị viêm mũi không do dị nguyên sẽ không xuất hiện các triệu chứng đột ngột nhưng lại nghẹt mũi nhiều, mệt mỏi và sốt. Một số dấu hiệu giúp nhận biết nhanh bệnh viêm mũi dị ứng:
- Ngứa mũi: Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có các yếu tố dị nguyên xâm nhập vào mũi. Tình trạng ngứa có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày và hết khi cơ thể ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng.
- Hắt hơi: Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh hắt hơi thường xuyên, đôi khi hắt hơi thành tràng dài. Hắt hơi là cơ chế bảo vệ của cơ thể để tống các dị nguyên xâm nhập ra ngoài, nhưng kéo dài sẽ gây cảm giác mỏi mệt.
- Chảy dịch mũi: Nước mũi của bệnh nhân có màu đục và có thể có mùi hôi.
- Nghẹt mũi: Tình trạng nghẹt thường xuất hiện khi người bệnh nằm ngủ, làm tăng cảm giác khó thở, làm cho giấc ngủ kém sâu.
- Giảm khứu giác: Lượng chất nhầy và dịch tiết quá nhiều gây ra triệu chứng nghẹt mũi, ảnh hưởng đến khả năng ngửi và phân biệt mùi khi bị viêm mũi dị ứng.
- Ù tai: Dịch tiết và chất nhầy ở mũi bị tắc có thể gây ra viêm tắc lỗ vòi tai ( Eustachi) làm giảm thính lực, khó nghe, ù tai…
- Bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể bị ho, thở khò khè, đau đầu vùng trán, viêm xoang, hoặc đặc biệt ở trẻ bị viêm mũi, viêm tai giữa.
Nguyên nhân chính gây viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Các yếu tố đó bao gồm:
- Các chất gây dị ứng trong nhà: Bụi; lông chó mèo; lông vải từ quần áo, chăn mền; nước hoa, mỹ phẩm; sữa tắm, xà phòng, nước xả vải; mùi thức ăn, nấm mốc…
- Các chất gây dị ứng trong không khí: Phấn hoa; lông sâu, bướm; bụi lúa trong mùa gặt; khói, bụi; mùi rác thải, gió, không khí lạnh, mưa…
- Các chất gây dị ứng liên quan đến nghề nghiệp: Bụi phấn; hóa chất trong các nhà máy; sợi vải; lông động vật, khói hương nhang; bụi xi măng; bụi gỗ…
Xét nghiệm chẩn đoán chính xác người bị viêm mũi dị ứng
Bên cạnh việc khai thác các thông tin về các lần mắc bệnh trước, đặc điểm theo mùa, tiền căn dị ứng bản thân hoặc gia đình, kết hợp với thăm khám tình trạng bệnh hiện tại, bác sĩ còn chỉ định thêm một số xét nghiệm để tìm ra đúng tác nhân gây bệnh:
- Test lẩy da: Phương pháp này để kiểm tra mức độ dị ứng bằng cách bôi một số chất lên da để xem người bệnh phản ứng với từng chất như thế nào. Nếu dị ứng với một chất nào đó, da của người bệnh sẽ xuất hiện phản ứng dị ứng với những vết đỏ, có thể kèm sưng tấy.
- Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hấp thụ chất phóng xạ (RAST) phát hiện kháng thể IgE. RAST đo lượng kháng thể IgE đối với các chất gây dị ứng cụ thể trong máu của người bệnh. IgE dương tính có thể kết luận bệnh nhân dị ứng với chất đó. Đây là test giúp khẳng định chẩn đoán, việc xét nghiệm IgE chuyên biệt trong huyết thanh là chính xác, tuy nhiên giá thành cao.
Phương pháp điều trị
Một số đầu thuốc thường được bác sĩ chỉ định để điều trị viêm mũi dị ứng:
- Thuốc kháng histamin giảm ngứa.
- Thuốc trị nghẹt mũi.
- Corticoid đường xịt giảm tình trạng viêm niêm mạc mũi.
- Thuốc xịt trong mũi chống tắc mũi được sử dụng để giảm nghẹt mũi trong thời gian ngắn.
- Nước muối sinh lý xịt mũi giúp loại bỏ các chất tiết mũi nhầy.
- Đối với viêm mũi theo mùa bị nặng, liệu pháp miễn dịch giải mẫn cảm có thể được áp tác dụng.
Biến chứng
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng khá dễ nhận biết, nhưng cũng dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Đó là lý do nhiều người chủ quan không tìm cách giải quyết kịp thời, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng do viêm mũi dị ứng gây ra:
- Viêm xoang cấp và mạn tính: Dịch nước mũi bị ứ đọng trong khoang mũi tạo thành các ổ viêm nguy hiểm, tiến triển nặng thành viêm xoang…
- Viêm họng – thanh quản, viêm tai giữa: Mũi bị nghẹt, không thở được khiến người bệnh phải thở bằng miệng, tạo điều kiện cho khí lạnh, vi khuẩn dễ dàng tấn công vào họng gây ra bệnh viêm thanh quản, viêm họng và viêm tai giữa.
- Suy giảm thị lực: Người bệnh cảm thấy bị ngứa ở mắt, việc lấy tay gãi, dụi. Điều đó vô tình có thể gây tổn thương giác mạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn và thị giác.
- Bệnh hen suyễn: Bệnh nhân viêm mũi dị ứng quanh năm nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có thể tiến triển nặng lên thành hen suyễn.
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Rất khó để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng vì đó là phản ứng của hệ thống miễn dịch. Dù vậy, để tránh các triệu chứng bệnh tái phát làm ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn cần tìm cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Điều quan trọng nhất để hạn chế những đợt bùng phát bệnh viêm mũi dị ứng là cần phải loại bỏ hoặc tránh yếu tố kịch phát như:
- Loại bỏ các vật dụng dễ tích tụ bụi trong nhà như đồ lặt vặt, tạp chí, sách, đồ ít sử dụng… hoặc thường xuyên hút bụi.
- Sử dụng gối sợi tổng hợp và nệm không thấm nước.
- Thường xuyên giặt ga trải giường, vỏ gối và chăn
- Thường xuyên lau nhà, hút bụi.
- Sử dụng máy hút ẩm trong các phòng kín và nơi ẩm ướt khác.
- Tránh thực phẩm gây dị ứng nhiều như hải sản, trứng, đậu phộng…
- Không nên nuôi thú cưng hoặc tiếp xúc gần với chúng nếu bạn bị dị ứng với lông động vật.
- Ngoài ra cũng nên tránh các tác nhân kích thích không gây dị ứng như khói thuốc, khói xe…
Bệnh viêm mũi dị ứng không những gặp ở người lớn mà con gặp ở trẻ em với đa dạng các biểu hiện và có thể gây nhiều biến chứng tới những cơ quan xung quanh. Viêm mũi dị ứng theo mùa hay gặp mùa lạnh khi thời tiết thay đổi, do đó người có cơ địa bị dị ứng cần chú ý để sớm nhận biết các triệu chứng của bệnh và thăm khám kịp thời.